Quyết định 1893/QĐ-TTg năm 2019 về Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 1893/QĐ-TTg
Ngày ban hành 25/12/2019
Ngày có hiệu lực 25/12/2019
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Vũ Đức Đam
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1893/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 25 tháng 12 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN Y DƯỢC CỔ TRUYỀN, KẾT HỢP Y DƯỢC CỔ TRUYỀN VỚI Y DƯỢC HIỆN ĐẠI ĐẾN NĂM 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chương trình) với những nội dung sau:

1. Quan điểm phát triển

a) Y dược cổ truyền Việt Nam là một bộ phận quan trọng trong hệ thống y tế, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

b) Phát triển nền y dược cổ truyền là góp phần bảo tồn bản sắc, phát huy và phát triển một bộ phận văn hóa của dân tộc Việt Nam, thể hiện tinh thần độc lập và tự cường của dân tộc Việt Nam.

c) Tăng cường kết hợp chặt chẽ giữa y dược cổ truyền với y dược hiện đại trong công tác phòng bệnh, chữa bệnh.

d) Phát triển toàn diện y dược cổ truyền trong tất cả các khâu: tổ chức, đào tạo, kế thừa, nghiên cứu, áp dụng vào phòng bệnh và khám chữa bệnh, nuôi trồng dược liệu, bảo tồn các cây con làm thuốc quý hiếm, sản xuất thuốc.

đ) Nhà nước có cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút nguồn lực của xã hội cho phát triển y dược cổ truyền và kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại.

2. Mục tiêu

Phát triển toàn diện y dược cổ truyền, tăng cường kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại nhằm bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, cụ thể:

a) Phát triển toàn diện y dược cổ truyền

- Tăng cường năng lực khám bệnh, chữa bệnh về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y dược cổ truyền.

- Đến năm 2025: 95% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có bệnh viện đa khoa y dược cổ truyền hoặc bệnh viện đa khoa y dược cổ truyền - phục hồi chức năng tuyến tỉnh; 90% bệnh viện đa khoa, viện có giường bệnh, bệnh viện chuyên khoa có Khoa y, dược cổ truyền; 95% trạm y tế xã, phường, thị trấn và tương đương có triển khai hoạt động tư vấn sử dụng y dược cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe hoặc tổ chức khám bệnh, chữa bệnh y dược cổ truyền.

- Đến năm 2030: 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có bệnh viện đa khoa y dược cổ truyền hoặc bệnh viện đa khoa y dược cổ truyền - phục hồi chức năng tuyến tỉnh; 95% bệnh viện đa khoa, viện có giường bệnh, bệnh viện chuyên khoa có Khoa y, dược cổ truyền; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn và tương đương có triển khai hoạt động tư vấn sử dụng y dược cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe hoặc tổ chức khám bệnh, chữa bệnh y dược cổ truyền.

- Tăng tỉ lệ khám bệnh, chữa bệnh y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại ở tất cả các tuyến; đến năm 2025: tuyến trung ương đạt 15%; tuyến tỉnh đạt 20%; tuyến huyện đạt 25% và tuyến xã đạt 30%; đến năm 2030: tuyến trung ương đạt 20%; tuyến tỉnh đạt 25%; tuyến huyện đạt 30% và tuyến xã đạt 40%.

- Tăng tỉ lệ chi trả thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ quỹ bảo hiểm y tế trong tổng số chi phí cho thuốc: đến năm 2025 tối thiểu là 20% và đến năm 2030 là 30%; trong đó chi phí sử dụng dược liệu sẵn có tại địa phương trong chữa bệnh tối thiểu là 5% trong tổng số chi phí thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền.

- Tăng số lượng đề tài nghiên cứu khoa học về y dược cổ truyền được ứng dụng trong thực tiễn; chú trọng nghiên cứu chứng minh khoa học tác dụng chữa bệnh của y dược cổ truyền và các phương pháp chữa bệnh y dược cổ truyền có giá trị.

- Tăng tỉ lệ dược liệu nuôi trồng trong nước, khuyến khích dược liệu nuôi trồng đạt thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (GACP - WHO); giảm dần tỉ lệ nhập khẩu dược liệu, thuốc cổ truyền.

- Phát triển y dược cổ truyền khối tư nhân, tăng cường vai trò của các hội, hiệp hội nghề nghiệp trong lĩnh vực y dược cổ truyền.

b) Kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại

- Đến năm 2025: 100% bệnh viện đa khoa y dược cổ truyền, bệnh viện đa khoa y dược cổ truyền - phục hồi chức năng được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y học hiện đại; 100% cán bộ được đào tạo, cập nhật kiến thức sử dụng trang thiết bị hiện đại phục vụ khám, chữa bệnh; 10% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y dược cổ truyền tuyến tỉnh trở lên được đầu tư mua sắm trang thiết bị sản xuất chế phẩm thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu, các thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền sản xuất tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung ứng trên địa bàn tỉnh được quỹ bảo hiểm y tế chi trả.

- Đến năm 2030: 15% Bệnh viện Đa khoa y dược cổ truyền, Bệnh viện Đa khoa y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng được đầu tư trang thiết bị bào chế, sản xuất các dạng bào chế hiện đại thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu, sản xuất tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung ứng trên địa bàn tỉnh được quỹ bảo hiểm y tế chi trả; 100% bác sĩ y học cổ truyền được đào tạo liên tục, đào tạo chuyên sâu sau đại học các chuyên khoa về y học hiện đại; xây dựng, chuẩn hóa tài liệu đào tạo, tài liệu chuyên môn về kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại dùng trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tăng tỉ lệ khám bệnh, chữa bệnh, số lượng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có lồng ghép giữa y dược cổ truyền với y dược hiện đại.

[...]