Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 1873/QĐ-UBND năm 2023 Đề án tăng cường quản lý Nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

Số hiệu 1873/QĐ-UBND
Ngày ban hành 07/08/2023
Ngày có hiệu lực 07/08/2023
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Tĩnh
Người ký Nguyễn Hồng Lĩnh
Lĩnh vực Dịch vụ pháp lý

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1873/QĐ-UBND

Hà Tĩnh, ngày 07 tháng 8 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG HOẠT ĐỘNG CÔNG CHỨNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Công chứng ngày 20/6/2014;

Căn cứ Nghị định số 29/2015/NĐ-CP ngày 15/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng;

Căn cứ Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19/11/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Văn bản số 223/TTr-STP ngày 10/7/2023 và ý kiến đồng ý (bằng phiếu biểu quyết) của Thành viên UBND tỉnh.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án tăng cường quản lý Nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành;

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Tư pháp; Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Cục Bổ trợ tư pháp - Bộ Tư pháp;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các PCVP UBND tỉnh;
- Trung tâm CB-TH;
- Lưu: VT, NC3.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hồng Lĩnh

 

ĐỀ ÁN

TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG HOẠT ĐỘNG CÔNG CHỨNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH
(kèm theo Quyết định số:     /QĐ-UBND ngày    /    /2023 của UBND tỉnh)

Phần 1

SỰ CẦN THIẾT, CƠ SỞ PHÁP LÝ VÀ MỤC TIÊU XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH ĐỀ ÁN

Triển khai thi hành Luật Công chứng và Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020 (ban hành kèm theo Quyết định số 2104/QĐ-TTg ngày 29/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ), việc phát triển các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh thời gian qua đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, đúng quy hoạch và phù hợp với tình hình thực tiễn. Ngày 01/01/2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch có hiệu lực, trong đó sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng năm 2014, bãi bỏ các quy định có liên quan đến quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng. Trong bối cảnh Quy hoạch không còn hiệu lực, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 23/2020/QĐ-UBND ngày 31/8/2020 quy định về tiêu chí xét duyệt hồ sơ thành lập Văn phòng công chứng, tạo khung pháp lý quan trọng trong việc định hướng phát triển Văn phòng công chứng có kiểm soát gắn với địa bàn dân cư, tránh tình trạng phát triển không ổn định, bền vững, đồng đều. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn, trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động công chứng được thực hiện kịp thời, thường xuyên; công tác tuyên truyền, phổ biến được quan tâm thực hiện với nhiều hình thức; công tác thanh tra, kiểm tra về tổ chức và hoạt động công chứng, công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chứng viên được thực hiện định kỳ hàng năm… Nhờ đó, hoạt động công chứng thời gian qua đã từng bước ổn định và phát triển cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 11 tổ chức hành nghề công chứng với 23 công chứng viên, bao gồm 02 Phòng công chứng và 09 Văn phòng công chứng, phân bố tại 08/13 đơn vị hành chính cấp huyện (còn 05 huyện: Can Lộc, Lộc Hà, Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Khê hiện nay chưa có tổ chức hành nghề công chứng); không có trường hợp thay đổi địa điểm trụ sở từ địa bàn cấp huyện này sang địa bàn cấp huyện khác.

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động công chứng cũng như công tác quản lý Nhà nước về công chứng còn một số tồn tại, hạn chế như: một số cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận thức chưa đầy đủ về giá trị pháp lý của văn bản công chứng và vai trò của hoạt động công chứng; đội ngũ công chứng viên còn ít, trong đó số lượng công chứng viên là người đã về hưu chiếm tỷ lệ lớn, việc phát triển công chứng viên trẻ còn hạn chế, một số công chứng viên hành nghề không ổn định; công tác phối hợp trong quản lý Nhà nước về công chứng còn chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao; việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa tương xứng với sự phát triển các nhu cầu giao dịch trong hoạt động công chứng, chưa đáp ứng yêu cầu ngăn ngừa các hành vi lừa đảo, lợi dụng công chứng để hợp pháp hóa các giao dịch bất hợp pháp, chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu công chứng; vai trò tự quản của Hội công chứng viên chưa được phát huy,…

Thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng Đề án tăng cường quản lý Nhà nước trong hoạt động công chứng tại địa phương nhằm đáp ứng yêu cầu tiếp tục xã hội hóa hoạt động công chứng, bảo đảm phát triển nghề công chứng phù hợp với định hướng của Luật Công chứng, Nghị quyết này và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương” được xác định tại điểm b mục 3 Phần II Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19/11/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng và trách nhiệm thực hiện tại mục 1 phần VI Kế hoạch của Bộ trưởng Bộ Tư pháp triển khai thực hiện Nghị quyết số 172/NQ-CP (ban hành kèm theo Quyết định số 299/QĐ-BTP ngày 05/3/2021):“UBND cấp tỉnh chỉ đạo xây dựng Đề án tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng tại địa phương”; nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong hoạt động công chứng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đảm bảo vai trò định hướng, điều tiết của Nhà nước trong việc hỗ trợ phát triển tổ chức hành nghề công chứng phù hợp với Luật Công chứng, Nghị quyết số 172/NQ-CP và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh thì cần thiết ban hành Đề án tăng cường quản lý Nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn Tỉnh.

II. CƠ SỞ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

- Luật Công chứng năm 2014.

- Nghị định số 29/2015/NĐ-CP ngày 15/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng.

- Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19/11/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng.

- Thông tư số 01/2021/TT-BTP ngày 03/02/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Công chứng.

[...]