Quyết định 187/2005/QĐ-TTg phê duyệt "Đề án tổng thể kiểm soát ma tuý qua biên giới đến năm 2010" do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 187/2005/QĐ-TTg
Ngày ban hành 22/07/2005
Ngày có hiệu lực 16/08/2005
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phạm Gia Khiêm
Lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 187/2005/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 22 tháng 7 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT "ĐỀ ÁN TỔNG THỂ KIỂM SOÁT MA TUÝ QUA BIÊN GIỚI ĐẾN NĂM 2010"

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Phòng, chống ma tuý ngày 09 tháng 12 năm 2000;
Căn cứ Nghị quyết số 01/2004/NQ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2004 của Chính  phủ;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt "Đề án tổng thể kiểm soát ma túy qua biên giới đến năm 2010" kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Phạm Gia Khiêm

(Đã ký)

 

ĐỀ ÁN

TỔNG THỂ KIỂM SOÁT MA TÚY QUA BIÊN GIỚI  ĐẾN NĂM 2010
(Ban hành kèm theo quyết định số 187/2005/QĐ-TTG ngày 22 tháng 7 năm 2005 của thủ tướng chính phủ)

Phần thứ nhất:

TÍNH CẤP THIẾT VÀ MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN TỔNG THỂ

1. Tính cấp thiết của việc xây dựng Đề án

Những năm qua Chính phủ, các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các cấp đã chỉ đạo thực hiện các chương trình và kế hoạch hành động phòng, chống ma túy nên đã kiểm soát được tình hình phức tạp về ma túy, không để tái trồng cây thuốc phiện và các loại cây có chứa chất gây nghiện; ngăn chặn ma túy xâm nhập vào trường học; quản lý được tiền chất và các chất hướng thần; phát hiện và triệt xoá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy có tổ chức xuyên quốc gia.

Tuy nhiên tình hình buôn bán, vận chuyển và sử dụng trái phép chất ma túy ở nước ta còn diễn biến rất phức tạp. Nguồn ma túy chủ yếu vẫn từ nước ngoài vào nhưng việc phát hiện, ngăn chặn, thu giữ ma túy tại các cửa khẩu, trên đất liền, trên biển, qua đường bưu điện và hàng không chưa đáp ứng yêu cầu; tội phạm về ma túy và tệ nạn nghiện ma túy trong nước không giảm, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội.  

Tình hình trên do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do hoạt động kiểm tra, kiểm soát ma túy ở biên giới, các cửa khẩu và trên biển thiếu đồng bộ, hiệu quả thấp; các lực lượng nòng cốt làm nhiệm vụ đấu tranh ngăn chặn ma túy qua biên giới còn mỏng về lực lượng và thiếu về phương tiện để hoàn thành nhiệm vụ.

Bộ đội biên phòng và Cảnh sát biển nhiều năm qua chưa có lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy, phương tiện và kinh phí hoạt động được phân bổ quá ít nên việc phát hiện, bắt giữ tội phạm ma túy tại biên giới và trên biển còn hạn chế. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1078/QĐ-TTg ngày 11 tháng 10 năm 2004 về việc thành lập lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy của Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển nhưng vẫn đang trong giai đoạn triển khai.

Lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy của Hải quan thuộc Bộ Tài chính chưa được thành lập, chủ yếu là hoạt động kiêm nhiệm nên việc phát hiện, thu giữ ma túy ở các cửa khẩu không đáng kể.   

Các lực lượng nghiệp vụ của Công an chủ yếu là lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tuy đã có nhiều cố gắng trong việc phối hợp phòng, chống ma túy tại địa bàn biên giới, cửa khẩu, nhưng việc bố trí lực lượng ở các tuyến biên giới chưa đáp ứng được yêu cầu; sự phối hợp giữa địa bàn nội địa với khu vực biên giới và ngoại biên chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ nên chưa ngăn chặn được hoạt động móc nối giữa các đối tượng trong và ngoài nước để vận chuyển trái phép ma túy qua biên giới.

Sự chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành và tổ chức đoàn thể ở một số tỉnh, huyện, xã biên giới chưa được quan tâm thường xuyên nên phong trào phòng, chống ma túy còn yếu kém, có nơi sơ hở để tội phạm về ma túy lợi dụng hoạt động tàng trữ, vận chuyển ma túy qua biên giới. 

Trong những năm tới, dự báo khu vực Đông Nam á sẽ có nhiều diễn biến phức tạp về ma tuý; đặc biệt vùng "tam giác vàng" vẫn là nơi sản xuất ma túy trái phép lớn; các nước và vùng lãnh thổ xung quanh Việt Nam, tình hình ma túy và tội phạm ma túy sẽ rất phức tạp, tác động trực tiếp đến nước ta. Việt Nam đã và đang tích cực tham gia vào quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, đây là thời cơ thuận lợi để Việt Nam hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới phát triển kinh tế, đồng thời cũng là thách thức lớn về nhiều mặt trong đó có vấn đề về ma túy.

Tội phạm về ma túy từ nước ngoài sẽ lợi dụng địa hình biên giới hiểm trở các tuyến đường xuyên á, tuyến đường biển, đường hàng không, bưu điện để vận chuyển trái phép  ma túy vào nước ta; sự xuất hiện các tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, sự cấu kết và móc nối giữa các đối tượng trong và ngoài nước về buôn bán ma tuý làm cho tính chất cuộc đấu tranh chống tội phạm ma túy ngày càng quyết liệt, khó khăn hơn. Việt Nam có khả năng vẫn là địa bàn tiêu thụ và bị lợi dụng làm nơi trung chuyển ma túy.

 Do trình độ dân trí thấp và đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn nên việc tái trồng cây thuốc phiện vẫn có khả năng xảy ra tại các địa bàn biên giới. Bọn tội phạm ma tuý sẽ lợi dụng những sơ hở này để lôi kéo người dân tham gia vào việc tàng trữ và vận chuyển trái phép ma túy qua biên giới.

Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 133/2002/QĐ-TTg ngày 09 tháng 10 năm 2002 về Quy chế phối hợp giữa 4 lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và Hải quan trong đấu tranh chống tội phạm ma túy tại các địa bàn biên giới, cửa khẩu và trên biển nhưng hiệu quả phát hiện, ngăn chặn ma túy chưa đạt được yêu cầu đề ra.

Tình hình trên đòi hỏi phải có một Đề án tổng thể mới có khả năng phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động vận chuyển trái phép ma túy qua biên giới.

[...]