Quyết định 1866/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 1866/QĐ-TTg
Ngày ban hành 08/10/2010
Ngày có hiệu lực 08/10/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 1866/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 08 tháng 10 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG ĐẾN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ;
Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

1. Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị động lực, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển vùng, hướng mô hình tập trung đa cực, không gian mở rộng; liên kết hợp tác chặt chẽ với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước; phát triển kinh tế biển và hội nhập kinh tế quốc tế.

2. Tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của thành phố để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp và nâng cao chất lượng tăng trưởng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật của vùng và cùng với các thành phố lân cận hình thành hành lang kinh tế Bắc - Nam.

3. Phát triển kinh tế - xã hội gắn với chỉnh trang, nâng cấp đô thị và phát triển không gian đô thị. Chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho bước phát triển thời kỳ tiếp theo.

4. Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với phát triển các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục nhằm đảm bảo không ngừng cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao dân trí. Gắn phát triển kinh tế với thực hiện công bằng xã hội và ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

5. Kết hợp giữa phát triển kinh tế với bảo vệ tài nguyên và môi trường sinh thái, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững. Đồng thời tổ chức thực hiện tốt các cam kết thiên niên kỷ của Việt Nam.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu tổng quát

Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung với vai trò là trung tâm dịch vụ, cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về vận tải và trung chuyến hàng hóa trong nước và quốc tế; trung tâm bưu chính viễn thông và tài chính - ngân hàng; một trong những trung tâm y tế, văn hóa - thể thao, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ cao của miền Trung; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của khu vực miền Trung và của cả nước.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Về kinh tế

- Tăng trưởng kinh tế: duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế 12 - 13%/năm, đưa Đà Nẵng trở thành địa bàn có sức thúc đẩy phát triển kinh tế các vùng phụ cận.

- Cơ cấu kinh tế: chuyển đổi theo hướng dịch vụ - công nghiệp, xây dựng - nông nghiệp. Dự kiến cơ cấu kinh tế của thành phố đến năm 2020 là: dịch vụ: 55,6%, công nghiệp và xây dựng: 42,8%; nông nghiệp: 1,6%.

- Đến năm 2020, tỷ trọng GDP của thành phố chiếm khoảng 2,8% GDP cả nước; kim ngạch xuất khẩu thời kỳ 2011 - 2020 tăng bình quân 19 - 20%/năm; GDP bình quân đầu người đạt 4.500 - 5.000 USD; duy trì tỷ trọng thu ngân sách so với GDP đạt từ 35 - 36%; tốc độ đổi mới công nghệ bình quân hàng năm đạt 25%.

b) Về xã hội

- Quản lý nhà nước thành phố theo Đề án chính quyền đô thị.

- Duy trì nhịp độ tăng dân số tự nhiên ở mức dưới 1%, tạo việc làm cho lực lượng lao động mới hàng năm khoảng trên 3,0 vạn người. Phấn đấu đến năm 2020 không còn trẻ suy dinh dưỡng, không còn hộ nghèo.

- Tiếp tục mở rộng quy mô giáo dục - đào tạo, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, nâng cấp hệ thống trường lớp, đảm bảo tất cả các trường hệ phổ thông đạt tiêu chuẩn quốc gia. Tăng cường công tác đào tạo nghề để đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đảm bảo tất cả lao động được đào tạo nghề phù hợp.

- Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa về y tế, tăng cường các nguồn lực đáp ứng nhu cầu phục vụ phòng bệnh và chữa bệnh cho nhân dân.

- Xây dựng nền văn hóa thành phố theo hướng đô thị văn minh, hiện đại, đồng thời làm tốt công tác bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

- Phát triển kinh tế đi đôi với nâng cao chất lượng môi trường sống, đảm bảo sự công bằng trong việc tiếp cận các dịch vụ công đối với mọi người dân thành phố.

- Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng kết hợp với việc nâng cao chất lượng các dịch vụ công ích đô thị như giao thông, cấp thoát nước, xử lý nước thải, vệ sinh môi trường, cây xanh, công viên, điện chiếu sáng, vận tải công cộng… tạo cảnh quan không gian đô thị, cải thiện điều kiện môi trường.

[...]