Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Quyết định 186/QĐ-BTTTT năm 2022 phê duyệt Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

Số hiệu 186/QĐ-BTTTT
Ngày ban hành 11/02/2022
Ngày có hiệu lực 11/02/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Thông tin và Truyền thông
Người ký Nguyễn Mạnh Hùng
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 186/QĐ-BTTTT

Hà Nội, ngày 11 tháng 02 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN VÀ SỬ DỤNG CÁC NỀN TẢNG SỐ QUỐC GIA PHỤC VỤ CHUYỂN ĐỔI SỐ, PHÁT TRIỂN CHÍNH PHỦ SỐ, KINH TẾ SỐ, XÃ HỘI SỐ

BỘ TRƯỞNG BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Căn cứ Nghị định số 17/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Căn cứ Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước 2022;

Căn cứ Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15 tháng 6 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển  chính phủ số, kinh tế số, xã hội số (gọi tắt là Chương trình phát triển nền tảng số quốc gia) với những nội dung sau:

I. QUAN ĐIỂM

1. Nền tảng số là hệ thống thông tin phục vụ các giao dịch điện tử trực tuyến hoạt động theo mô hình sử dụng công nghệ số để tạo môi trường mạng cho phép nhiều bên cùng tham gia để giao dịch, cung cấp dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân, có thể sử dụng ngay, đơn giản, thuận tiện, linh hoạt theo yêu cầu, dễ dàng phổ biến trên diện rộng, các bên tham gia không cần tự đầu tư, quản lý, vận hành, duy trì. Nền tảng số là “hạ tầng mềm” của không gian số, giải quyết các bài toán cụ thể của chuyển đổi số, tạo lập và lưu trữ dữ liệu người dùng; càng có nhiều người sử dụng thì dữ liệu càng nhiều, chi phí càng rẻ, giá trị tạo ra càng lớn.

2. Nền tảng số là giải pháp đột phá để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Điểm đột phá là nắm bắt cơ hội, phát triển và phổ cập thật nhanh các nền tảng số quốc gia phục vụ các nhu cầu riêng, đặc thù của người Việt Nam, trên cơ sở phân loại và thấu hiểu nhu cầu sử dụng của từng ngành, nghề, lĩnh vực.

3. Nền tảng số quốc gia là yếu tố then chốt bảo đảm an toàn thông tin mạng và bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng. Phát triển nền tảng số quốc gia để tối đa hóa lợi ích do công nghệ mang lại đồng thời ngăn chặn và giảm thiểu các rủi ro mà công nghệ có thể gây ra cho xã hội và người dân.

II. MỤC TIÊU

1. Hình thành hệ sinh thái nền tảng số Việt Nam đáp ứng cơ bản yêu cầu chuyển đổi số, được sử dụng sâu rộng để tạo hạ tầng mềm phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số quốc gia và trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn, góp phần quan trọng để đạt được các chỉ tiêu chiến lược quốc gia phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

2. Tập hợp các doanh nghiệp Việt Nam xuất sắc, có tiềm lực, tập trung đầu tư phát triển các nền tảng số quốc gia làm nòng cốt để hình thành mạng lưới các nhà phát triển nền tảng số Việt Nam và mạng lưới hỗ trợ triển khai nền tảng số đông đảo, rộng khắp từ Trung ương đến cơ sở.

3. Tạo lập được một số nền tảng số Việt Nam xuất sắc đủ sức cạnh tranh với các nền tảng số phổ biến quốc tế, chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, từ đó vươn ra thị trường khu vực và toàn cầu.

III. DANH MỤC NỀN TẢNG SỐ QUỐC GIA

1. Danh mục công bố lần thứ nhất các nền tảng số quốc gia ưu tiên tập trung phát triển tại Phụ lục kèm theo Quyết định này. Bộ Thông tin và Truyền thông định kỳ rà soát, điều chỉnh, bổ sung Danh mục các nền tảng số quốc gia.

2. Mỗi nền tảng số quốc gia có Cơ quan chủ quản, Bộ Thông tin và Truyền thông và các doanh nghiệp nòng cốt cùng phối hợp thúc đẩy phát triển, trong đó:

a) Cơ quan chủ quản là một Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ hoặc Ủy ban nhân dân (UBND) một tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, chịu trách nhiệm chủ trì điều hành, đặt hàng hoặc đầu tư phát triển và tiên phong sử dụng nền tảng trong ngành, lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách, đồng thời ban hành các cơ chế, chính sách ưu tiên sử dụng, nâng cấp, mở rộng nền tảng trên toàn quốc và hướng tới vươn ra thế giới. Với mỗi nền tảng số quốc gia do mình phụ trách, Cơ quan chủ quản giao đơn vị chuyên trách chuyển đổi số/công nghệ thông tin hoặc một đơn vị chuyên môn trực thuộc có chức năng nhiệm vụ phù hợp làm Đơn vị đầu mối của Cơ quan chủ quản để thúc đẩy và phối hợp với các bên liên quan trong việc phát triển nền tảng số quốc gia đó (gọi là Đơn vị đầu mối của Cơ quan chủ quản).

b) Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan điều phối chung phát triển các nền tảng số quốc gia. Với mỗi nền tảng số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông giao một cơ quan, đơn vị trực thuộc có chuyên môn phù hợp làm Đơn vị đầu mối của Bộ Thông tin và Truyền thông để thúc đẩy và phối hợp với các bên liên quan trong việc phát triển nền tảng số quốc gia đó (gọi là Đơn vị đầu mối của Bộ Thông tin và Truyền thông). Trường hợp nền tảng số quốc gia do chính Bộ Thông tin và Truyền thông là Cơ quan chủ quản thì thống nhất một đơn vị đầu mối gọi là Đơn vị đầu mối thúc đẩy đóng vai trò của cả Đơn vị đầu mối của Cơ quan chủ quản và Đơn vị đầu mối của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với nền tảng đó.

c) Doanh nghiệp nòng cốt phát triển nền tảng số quốc gia (Doanh nghiệp nòng cốt) là doanh nghiệp Việt Nam đăng ký đầu tư nghiên cứu, làm chủ công nghệ, phát triển nền tảng đạt yêu cầu, tiêu chí của nền tảng số quốc gia đó.

3. Cơ quan chủ quản, Bộ Thông tin và Truyền thông và các doanh nghiệp nòng cốt bảo đảm nguyên tắc phát triển các nền tảng số quốc gia thân thiện, phổ dụng, dùng chung, có khả năng kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu, hoạt động đồng bộ, tạo hệ sinh thái chuyển đổi số nhanh và hiệu quả, phát huy được sức mạnh tổng thể, tránh việc triển khai phân tán, rời rạc, sử dụng trùng lặp nhiều giải pháp chuyển đối số khác nhau.

IV. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRIỂN KHAI

1. Lập kế hoạch hành động phát triển nền tảng số quốc gia

a) Kế hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông phát triển nền tảng số quốc gia (Kế hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông):

[...]