Quyết định 1858/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Phương án khai thác, sử dụng cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên địa bàn tỉnh Phú Yên

Số hiệu 1858/QĐ-UBND
Ngày ban hành 25/09/2017
Ngày có hiệu lực 25/09/2017
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Yên
Người ký Trần Hữu Thế
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1858/QĐ-UBND

Phú Yên, ngày 25 tháng 9 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN KHAI THÁC, SỬ DỤNG CÁC CẢNG CÁ VÀ KHU NEO ĐẬU TRÁNH TRÚ BÃO CHO TÀU CÁ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ YÊN

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 80/2012/NĐ-CP ngày 08/10/2012 của Chính phủ về quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá;

Căn cứ Thông tư số 52/2013/TT-BNNPTNT ngày 11/12/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết thi hành một số Điều của Nghị định số 80/2012/NĐ-CP ngày 08/10/2012 của Chính phủ về quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tại Tờ trình số 281/TTr-SNN ngày 06/9/2017),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Phương án khai thác, sử dụng các cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên địa bàn tỉnh Phú Yên, với các nội dung như phương án kèm theo.

Điều 2. Quyết định này thay thế Quyết định số 2112/QĐ-UBND ngày 05/9/2016 của UBND tỉnh Phú Yên.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển; Giám đốc Ban Quản lý cảng cá và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Hữu Thế

 

PHƯƠNG ÁN

KHAI THÁC, SỬ DỤNG CÁC CẢNG CÁ VÀ KHU NEO ĐẬU TRÁNH TRÚ BÃO CHO TÀU CÁ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ YÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1858/QĐ-UBND Ngày 25/9/2017 của UBND tỉnh Phú Yên)

I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG PHƯƠNG ÁN

1. Cơ sở pháp lý:

- Nghị định số 80/2012/NĐ-CP ngày 08/10/2012 của Chính phủ về quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá;

- Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ về quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác;

- Thông tư số 52/2013/TT-BNNPTNT ngày 11/12/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết thi hành một số Điều của Nghị định số 80/2012/NĐ-CP ngày 08/10/2012 của Chính phủ về quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá;

2. Cơ sở thực tiễn:

Phú Yên là tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ có chiều dài bờ biển 189km với nhiều cửa sông, lạch, đầm, vịnh cho tàu thuyền cập bến, cảng. Thời gian qua, tỉnh đã quy hoạch, đầu tư xây dựng các cảng cá: Đông Tác, Dân Phước, Tiên Châu, Phú Lạc để tiếp nhận gần 4.000 tàu cá, đặc biệt trên 1.000 tàu khai thác xa bờ, hàng năm bốc dỡ tiêu thụ 40.000 tấn hải sản các loại. Trong đó, sản lượng cá ngừ các loại khai thác hàng năm khoảng 20.000 tấn, riêng cá ngừ đại dương vây vàng, mắt to trung bình khoảng 5.000 ­ 6.000 tấn/năm, là loại thực phẩm có giá trị cao, sử dụng cho ăn tươi (sushi, sashimi..), việc đánh bắt, sơ chế, bảo quản phải thực hiện quy trình nghiêm ngặt theo nhu cầu tiêu dùng của các thị trường, đặc biệt là thị trường Nhật Bản tiêu thụ sản lượng cá ngừ lớn nhất thế giới.

Ngày 31/3/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 668/QĐ-UBND về việc điều chuyển các cảng cá: Dân Phước, thị xã Sông Cầu; Tiên Châu, huyện Tuy An và Phú Lạc, huyện Đông Hòa về Ban Quản lý cảng cá trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý. Nhằm đạt được các mục tiêu:

- Khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác tổ chức quản lý các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và khai thác, sử dụng có hiệu quả các công trình cảng cá: Đông Tác, Dân Phước, Phú Lạc, Tiên Châu nhà nước đã đầu tư, phục vụ phát triển nghề cá theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, góp phần nâng cao hiệu quả đánh bắt thủy sản hàng năm ở mức 54.000 tấn, trong đó cá ngừ đại dương (vây vàng, mắt to) khoảng 6.000 tấn; hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng dịch vụ nghề cá đồng bộ và hiện đại;

- Giảm đầu mối quản lý, khắc phục sự phân tán, hình thành một cơ quan đầu mối tham mưu quản lý thống nhất, đồng bộ; phục vụ yêu cầu quản lý, chỉ đạo, điều hành sản xuất lĩnh vực khai thác thủy sản;

- Trợ giúp các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong cảng bốc dỡ, bảo quản và vận chuyển sản phẩm thủy sản nhằm làm giảm tổn thất sau khai thác và tăng giá trị sản phẩm khai thác; bố trí, xếp hàng hóa lưu thông thuận lợi, giải quyết công việc làm cho nhiều lao động thông qua hoạt động đánh bắt và dịch vụ hậu cần thủy sản nhất là cho các tàu khai thác xa bờ, tạo điều kiện để các tàu khai thác vươn khơi xa bám biển dài ngày, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của tổ quốc;

Để góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cần tổ chức thực hiện quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng, duy tu, bảo dưỡng các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ hậu cần cho khai thác hải sản nói chung và khai thác cá ngừ nói riêng; nâng cao chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm cho sản phẩm khai thác thủy sản; sắp xếp các tàu cá neo đậu tránh trú bão thuận lợi an toàn, giảm thiểu thiệt hại trong mùa bão lũ; quản lý, cải thiện điều kiện vệ sinh các cảng cá và môi trường vùng nước neo đậu tàu cá; thu thập thông tin, dữ liệu nghề khai thác, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu chế biến và xuất khẩu; góp phần giảm chi phí chuyến biển; giảm tỷ lệ tổn thất về chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm thủy sản khai thác, nhất là những sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao, tăng thu nhập cho ngư dân; tạo việc làm ổn định cho dân cư ven biển.

[...]