Quyết định 179/2003/QĐ-TTg về Chương trình, kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị - Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 179/2003/QĐ-TTg
Ngày ban hành 03/09/2003
Ngày có hiệu lực 22/09/2003
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Tài nguyên - Môi trường

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 179/2003/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 03 tháng 9 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 179/2003/QĐ-TTG NGÀY 03 THÁNG 9 NĂM 2003 VỀ CHƯƠNG TRÌNH, KẾ HOẠCH CỦA CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT CỦA BỘ CHÍNH TRỊ - BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHOÁ IX VỀ TIẾP TỤC SẮP XẾP, ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG, LÂM TRƯỜNG QUỐC DOANH

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị quyết số 28 NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2003 của Bộ Chính trị,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị - Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nguyễn Tấn Dũng

(Đã ký)

 

CHƯƠNG TRÌNH, KẾ HOẠCH

CỦA CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT BỘ CHÍNH TRỊ - BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHOÁ IX VỀ TIẾP TỤC SẮP XẾP, ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG, LÂM TRƯỜNG QUỐC DOANH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 179/2003/QĐ-TTg ngày 03 tháng 9 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ)

Mục tiêu của Chương trình, kế hoạch là tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị về Tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng bền vững tài nguyên đất đai, tài nguyên rừng, vườn cây lâu năm và cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện có; hình thành các vùng sản xuất nông, lâm sản hàng hoá tập trung, chuyên canh, thâm canh quy mô lớn gắn với chế biến và tiêu thụ; nâng cao hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, bảo vệ môi trường sinh thái và góp phần xoá đói, giảm nghèo. Thúc đẩy ứng dụng nhanh và có hiệu quả các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nông, lâm nghiệp; Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng nông, lâm trường và phân định rõ nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và nhiệm vụ công ích; tăng cường quản lý nhà nước đối với nông, lâm trường.

Yêu cầu của Chương trình, kế hoạch là trên cơ sở quán triệt đầy đủ quan điểm, mục tiêu và nội dung của Nghị quyết, cụ thể hóa thành các văn bản pháp quy để triển khai thực hiện Nghị quyết một cách đồng bộ, đầy đủ, kịp thời và có hiệu quả.

I. TIẾP TỤC SẮP XẾP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG, LÂM TRƯỜNG QUỐC DOANH

1. Phân loại, sắp xếp nông, lâm trường theo phương hướng, nhiệm vụ của Nghị quyết đề ra, gồm:

- Nông, lâm trường làm nhiệm vụ kinh doanh là chủ yếu, thực hiện sản xuất, kinh doanh và hạch toán theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

- Nông, lâm trường làm nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh nhưng phải đảm nhận một phần chức năng xã hội và an ninh, quốc phòng (vùng sâu, biên giới, hải đảo).

- Nông, lâm trường làm nhiệm vụ công ích là chủ yếu, hoạt động theo loại hình doanh nghiệp dịch vụ, công ích.

2. Rà soát phương hướng, nhiệm vụ của từng nông, lâm trường quốc doanh để tiếp tục đổi mới hoặc giải thể.

Nông trường:

a/ Nông trường cần tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả.

Nông trường chuyên canh cây lâu năm có cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh: Tập trung thâm canh diện tích vườn cây đã trồng, gắn với đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở chế biến hiện có hoặc xây dựng cơ sở chế biến mới (có các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nông trường tham gia cổ phần); chỉ mở rộng diệc tích trồng mới khi có dự án thực sự hiệu quả.

b/ Nông trường cần tiếp tục duy trì nhưng chuyển đổi phương hướng, nhiệm vụ.

- Nông trường chuyên canh mía, dứa, dâu tằm, bông, thuốc lá...; tổ chức lại sản xuất gắn với doanh nghiệp chế biến; chuyển sang sản xuất giống, xây dựng mô hình tiến bộ kỹ thuật để phục vụ tại nông trường và thúc đẩy phát triển sản xuất trong vùng.

- Nông trường sản xuất cây lương thực, cây hàng năm khác, chăn nuôi chuyển hẳn sang sản xuất giống, xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để chuyển giao cho nông dân sản xuất; đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở chế biến hiện có hoặc xây dựng cơ sở chế biến mới; đồng thời tổ chức kinh doanh để hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

- Nông trường ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số có yêu cầu phục vụ cho định canh, định cư, an ninh quốc phòng chỉ quản lý một số diện tích phù hợp để sản xuất giống, xây dựng mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật và xây dựng cơ sở chế biến để phục vụ đồng bào trong vùng; kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng.

[...]