KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG GIAI ĐOẠN 2011 – 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1771/QĐ-UBND ngày 22/8/2011 của Uỷ ban nhân
dân tỉnh Hà Giang)
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Mục đích
Thực hiện Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý
trên địa bàn tỉnh Hà Giang để nhằm nâng cao nhận thức về dân trí pháp lý cho
người nghèo, đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thuộc
nhóm “yếu thế” của xã hội có điều kiện để tiếp cận với dịch vụ pháp lý
miễn phí của Nhà nước, góp phần đảm bảo cho mọi người (dù giàu hay nghèo) đều
được bình đẳng trước pháp luật và thực hiện công bằng xã hội. Mặt khác phát triển
trợ giúp pháp lý là để phù hợp với tiến trình cải cách tư pháp, cải cách hành
chính, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế tổ chức thực hiện pháp
luật và định hướng phát triển ngành Tư pháp; kịp thời thể chế hoá và tổ chức thực
hiện chính sách trợ giúp pháp lý trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là
thành viên, góp phần bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân và bảo vệ
công lý.
2. Yêu cầu
- Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý trước hết
phải phù hợp với yêu cầu và tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo;
- Trợ giúp pháp lý phải gắn với cơ sở, hướng về
cơ sở, được tổ chức thực hiện lồng ghép trong các chương trình, dự án, chính
sách giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa; an sinh xã hội, chính sách dân vận và dân tộc
để gắn tăng trưởng kinh tế với thực hiện dân chủ bảo đảm công bằng xã hội.
II. TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC
MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC
1. Mục tiêu chung
Phát triển trợ giúp pháp lý ổn định, bền vững, đảm
bảo cung ứng dịch vụ trợ giúp pháp lý kịp thời, đầy đủ có chất lượng cho người
được trợ giúp pháp lý trên cơ sở phát huy vai trò nòng cốt trong tổ chức thực
hiện của Nhà nước, huy động triệt để sự tham gia của các nguồn lực xã hội, sự hỗ
trợ của cộng đồng Quốc tế, các cơ quan tổ chức doanh nghiệp và cá nhân góp phần
bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của công dân khi có vướng mắc pháp luật,
bảo vệ công lý, công bằng xã hội, tăng hiệu quả thực thi công vụ và ý thức tuân
thủ, chấp hành pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Bảo đảm đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý và
truyền thông pháp luật nhằm nâng cao nhận thức về trợ giúp pháp lý cho người
dân:
- Đẩy mạnh các hình thức truyền thông pháp luật
xuống cơ sở phù hợp với phong tục tập quán và đặc thù của từng dân tộc, đảm bảo
đáp ứng từ 50 – 70% người dân biết về quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí của
Nhà nước, biết về các thông tin liên quan đến tổ chức và hoạt động trợ giúp
pháp lý, biết được địa chỉ của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý.
- Hàng năm tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động từ
25 – 30% số xã trong tỉnh; Tăng tỷ lệ số vụ việc thông qua hình thức tham gia tố
tụng, đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ
giúp pháp lý (Đáp ứng khoảng 20% số vụ án về hình sự, hành chính, lao động,
hôn nhân gia đình…đưa ra xét xử tại địa phương có Trợ giúp viên, Luật sư là cộng
tác viên tham gia tố tụng từ giai đoạn điều tra hoặc khởi tố vụ án); Bảo đảm
từ 90% trở lên số vụ việc yêu cầu tư vấn pháp luật được hoàn thành từ 30% số vụ
việc kiến nghị thi hành pháp luật của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý được
giải quyết triệt để.
- Thường xuyên hướng dẫn về nghiệp vụ và duy trì
tốt hoạt động của Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, tổ chức các chuyên đề để lồng
ghép tư vấn pháp luật cho đồng bào dân tộc tại các đợt sinh hoạt Câu lạc bộ trợ
giúp pháp lý (khoảng 30% số Câu lạc bộ/năm được tổ chức sinh hoạt chuyên đề,
nói chuyện về pháp luật).
- Bảo đảm các hoạt động trợ giúp pháp lý tại trụ
sở của Trung tâm, Chi nhánh, đáp ứng trên 50% nhu cầu trợ giúp pháp lý cho người
dân.
2.2. Tạo nguồn lực đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp
lý và truyền thông pháp luật:
- Kiện toàn tổ chức bộ máy của Trung tâm Trợ
giúp pháp lý, thành lập Chi nhánh trợ giúp pháp lý tại 04 huyện nghèo và các
huyện còn lại theo lộ trình của Đề án.
- Phát triển đội ngũ Trợ giúp pháp lý có tính chất
chuyên nghiệp, đáp ứng 90% nhu cầu trợ giúp pháp lý tại các huyện trong tỉnh.
Hàng năm cử từ 02 cán bộ trở lên có đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia học lớp
Luật sư và nghiệp vụ trợ giúp pháp lý để tạo nguồn trợ giúp viên pháp lý; mở rộng
mạng lưới cộng tác viên trợ giúp pháp lý ở cơ sở, đặc biệt là đối với già làng,
trưởng thôn, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng. Hàng năm tổ chức các
lớp tập huấn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý, cập nhật các văn bản pháp luật mới, bồi
dưỡng kiến thức pháp luật cho các cộng tác viên tham gia trợ giúp pháp lý, bảo
đảm 100% số người thực hiện trợ giúp pháp lý được tập huấn.
- Khuyến khích, huy động các tổ chức hành nghề
luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý đảm bảo
đáp ứng nhu cầu đa dạng về trợ giúp pháp lý của người dân ở các lĩnh vực pháp
luật.
- Bảo đảm 100% các xã, thị trấn, vùng sâu, vùng
xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đều có Câu lạc bộ trợ
giúp pháp lý.
3. Các giải pháp thực hiện
3.1. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước:
- Đổi mới cơ chế quản lý Nhà nước về trợ giúp
pháp lý tương ứng với sự phát triển của mạng lưới tổ chức thực hiện về trợ giúp
pháp lý, đặc biệt phát triển mạng lưới tổ chức trợ giúp pháp lý xã hội và cộng
đồng.
- Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, đầu tư
xây dựng hệ cơ sở dữ liệu vụ việc trợ giúp pháp lý bảo đảm khoa học, linh hoạt,
đầy đủ và chính xác các thông số, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, thống kê…
- Đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cho hoạt động
trợ giúp pháp lý tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới.
3.2. Tăng cường về nguồn lực, năng lực để thực
hiện trợ giúp pháp lý:
- Hàng năm bổ sung và tăng thêm biên chế cho
Trung tâm và các Chi nhánh trợ giúp pháp lý ở cấp huyện đảm bảo từ nay đến năm
2015 Trung tâm và các Chi nhánh có đủ biên chế theo lộ trình Đề án.
- Tăng cường năng lực của các tổ chức hành nghề
Luật sư và các tổ chức xã hội tham gia trợ giúp pháp lý để dân trở thành lực lượng
thực hiện trợ giúp pháp lý chủ yếu; xây dựng cơ chế để các luật sư thực hiện
trách nhiệm xã hội của mình đối với công tác trợ giúp pháp lý, hàng năm các Luật
sư có nghĩa vụ thực hiện một số vụ việc trợ giúp pháp lý nhất định không nhận
thù lao, giúp đỡ người nghèo, đối tượng chính sách và người dân tộc thiểu số có
điều kiện kinh tế khó khăn.
3.3. Tăng cường công tác truyền thông về trợ
giúp pháp lý:
- Tham mưu, đề xuất đưa trợ giúp pháp lý và truyền
thông pháp luật thành một nội dung của công tác dân vận, về việc thực hiện quy
chế dân chủ ở cơ sở; tăng cường trách nhiệm của các cơ quan thông tin đại chúng
trong tuyên truyền, phổ biến về công tác này.
- Thực hiện đồng bộ nhiều hình thức trợ giúp
pháp lý và truyền thông pháp luật phù hợp với trình độ, phong tục tập quán và đặc
thù của từng dân tộc như: thông qua các đợt trợ giúp pháp lý lưu động hoặc
thông qua việc lồng ghép với các lễ hội văn hoá, chợ phiên hoặc hoạt động tôn
giáo.
- Đẩy mạnh truyền thông bằng các hình thức: biên
soạn, in ấn và phát hành tờ gấp pháp luật, in sao bằng tiếng dân tộc phát tại
các phiên chợ hoặc loa phát thanh của thôn, bản; cung cấp các thông tin giới
thiệu về trợ giúp pháp lý cho các cơ quan tiến hành tố tụng, trụ sở Uỷ ban nhân
dân các cấp, trường học, Bưu điện văn hoá xã…
- Thực hiện trợ giúp pháp lý lồng ghép với các
chương trình, đề án có mục tiêu liên quan để phát huy có hiệu quả tổng hợp các
lĩnh vực mà Nhà nước có hỗ trợ nhằm bảo đảm tiết kiệm về ngân sách và thời gian
của đồng bào.
4. Các hình thức thực hiện
và lộ trình thực hiện
4.1. Hoạt động truyền thông pháp luật:
- Cung cấp bảng tin giới thiệu về trợ giúp pháp
lý tại trụ sở Uỷ ban nhân dân các xã, các trường học và các điểm Bưu điện văn
hoá xã, trước hết ưu tiên đối với các xã đặc biệt khó khăn thuộc 06 huyện nghèo
theo Nghị quyết 30a (Đồng Văn, Mèo vạc, Yên Minh, Quản Bạ, Hoàng Su Phì và
Xín Mần).
+ Năm 2011: Tiến hành cung cấp bảng tin giới thiệu
về trợ giúp pháp lý cho Uỷ ban nhân dân các xã với số lượng: 112 Biển;
+ Năm 2012: Tiếp tục cung cấp bảng tin cho các
xã, thị trấn còn lại;
+ Năm 2013: Cung cấp cho các điểm Bưu điện văn
hoá xã;
+ Năm 2014 – 2015: Cung cấp cho các Trường tiểu học,
Phổ thông Cơ sở tại các xã, thị trấn trong tỉnh.
- Biên soạn, in và phát hành các loại tờ gấp
pháp luật cung cấp cho người dân tại các đợt trợ giúp pháp lý lưu động; số lượng
in cho cả giai đoạn từ 400.000 đến 500.000 tờ mỗi loại.
4.2. Các hoạt động trợ giúp pháp lý cụ thể:
4.2.1. Cử Trợ giúp viên, Luật sư tham gia tố
tụng và đại diện ngoài tố tụng:
Hàng năm cử trợ giúp viên pháp lý. Luật sư cộng
tác viên tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng cho người được trợ giúp
pháp lý (dự kiến thực hiện từ 100 đến 150 vụ việc/năm trong đó số vụ việc do
trợ giúp viên tham gia từ 80 đến 100 vụ việc).
4.2.2. Hoạt động tư vấn pháp luật:
Tăng số vụ việc tư vấn thông qua các đợt trợ
giúp pháp lý lưu động và thông qua tư vấn bằng văn bản do các cộng tác viên thực
hiện, hàng năm thực hiện từ 800 đến 1.000 số vụ việc tư vấn. Trong đó số vụ việc
do trợ giúp viên thực hiện từ 500 đến 700 vụ việc; cộng tác viên thực hiện từ
100 đến 300 vụ việc.
4.2.3. Trợ giúp pháp lý lưu động:
Thường xuyên tổ chức các đợt trợ giúp pháp lý
lưu động đến tận thôn, bản thuộc các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh (phấn đấu
mỗi năm tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động từ 60 xã trở lên)
4.2.4. Các hình thức trợ giúp pháp lý khác:
Thường xuyên hướng dẫn các Câu lạc bộ trợ giúp
pháp lý tổ chức sinh hoạt đều đặn, duy trì và ổn định về cách thức tổ chức sinh
hoạt.
4.3. Nâng cao năng lực cho người thực hiện trợ
giúp pháp lý:
Hàng năm tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho
trợ giúp viên pháp lý, chuyên viên và cộng tác viên của Trung tâm; các thành
viên chủ chốt của Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, bảo đảm số người thực hiện trợ
giúp pháp lý được bồi dưỡng kiến thức pháp luật đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp
lý cho người dân.
+ Mỗi năm tổ chức từ 02 đến 03 hội nghị tập huấn
cho các thành viên chủ chốt của Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý (dự kiến mỗi lớp
có từ 80 đến 100 người).
+ Mỗi năm tổ chức 01 đợt tập huấn nghiệp vụ cho
chuyên viên, cộng tác viên, thành viên của Hội đồng phối hợp liên ngành và các
cơ quan tiến hành tố tụng (số lượng 80 người/hội nghị)
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Phân công trách nhiệm
1.1. Sở Tư pháp:
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, các
tổ chức, đoàn thể có liên quan; Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai
thực hiện tốt các nội dung của kế hoạch này.
- Chủ trì và phối hợp với các ngành liên quan thực
hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chiến lược này; định
kỳ hàng năm, 05 năm sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình
thực hiện chiến lược trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh, trình Chủ tịch Uỷ ban
nhân dân tỉnh quyết định điều chỉnh các mục tiêu, nội dung giải pháp cho phù hợp
với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý xây dựng
Chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung cụ thể cho từng năm bảo
đảm phù hợp với các mục tiêu, nội dung và giải pháp của kế hoạch.
- Chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý xây dựng dự
toán ngân sách hàng năm trong đó có các nội dung liên quan đến trỉển khai, thực
hiện chiến lược.
1.2. Sở Tài Chính:
Hàng năm cân đối kinh phí, xác định mức ngân
sách phù hợp với yêu cầu phát triển trợ giúp pháp lý cấp cho Trung tâm trợ giúp
pháp lý Nhà nước tỉnh để triển khai các nội dung của Chiến lược theo kế hoạch
đã đề ra.
1.3. Sở Nội vụ:
Chủ trì phối hợp với Sở Tư Pháp xác định, bổ
sung định mức biên chế đợc giao hàng năm cho các đơn vị sự nghiệp trong đó có
Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh (Sở Tư Pháp) trình UBND tỉnh xem xét
quyết định.
1.4. Sở Thông tin và Truyền thông:
Phối hợp với Sở Tư pháp và các sở ngành liên quan
chỉ đạo các cơ quan truyền thông đại chúng thực hiện truyền thông về tổ chức và
hoạt động trợ giúp pháp lý.
1.5. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố:
Chỉ đạo các phòng, ban liên quan và Uỷ ban nhân
dân các xã, phường, thị trấn triển khai, thực hiện có hiệu quả các hoạt động trợ
giúp pháp lý ở địa phương.
1.6. Đề nghị Toà án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát
nhân dân tỉnh và các cơ quan tiến hành tố tụng khác chỉ đạo các cơ quan theo
ngành dọc thuộc quyền quản lý của mình thực hiện tốt công tác phối hợp về trợ
giúp pháp lý nhằm nâng cao chât lượng tham gia tố tụng cho người được trợ giúp
pháp lý.
1.7. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh
và các tổ chức thành viên:
Tham gia tích cực trong việc tổ chức giám sát và
phản biện xã hội về tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý; vận động, tập hợp các tổ
chức thành viên tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý.
2. Chế độ thông tin, báo cáo
- Định kỳ 06 tháng, 01 năm các địa phương, các sở,
ban, ngành có trách nhiệm thống kê, báo cáo kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch
gửi về Sở Tư Pháp (Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước) để tổng hợp báo cáo Uỷ
ban nhân dân tỉnh, Thủ tướng Chính phủ theo định kỳ hoặc đột xuất.
- Sở Tư pháp có trách nhiệm theo dõi, phối hợp tổng
hợp báo cáo bằng văn bản với uỷ ban nhân dân tỉnh về quá trình triển khai thực
hiện Kế hoạch.
Trên đây là kế hoạch triển khai thực hiện Chiến
lược phát triển trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2011 –
2015, trong quá trình triển khai thực hiệu nếu có khó khăn vướng mắc các đơn vị
kịp thời phản ánh về Sở Tư pháp để tổng hợp trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét
quyết định./.