Quyết định 174/QĐ-UBND ban hành những giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 do tỉnh Tây Ninh ban hành

Số hiệu 174/QĐ-UBND
Ngày ban hành 16/01/2014
Ngày có hiệu lực 16/01/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Tây Ninh
Người ký Nguyễn Thị Thu Thủy
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 174/QĐ-UBND

 Tây Ninh, ngày 16 tháng 01 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH NHỮNG GIẢI PHÁP, NHIỆM VỤ CHỦ YẾU CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2014

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 01/NQ-CP, ngày 02 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014;

Căn cứ Nghị quyết số 35/2013/NQ-HĐND, ngày 06 tháng 12 năm 2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VIII kỳ họp thứ 10 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này những giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh năm 2014.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Nguyễn Thị Thu Thủy

 

NHỮNG GIẢI PHÁP, NHIỆM VỤ CHỦ YẾU CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2014

(Ban hành kèm theo Quyết định số 174/QĐ-UBND, ngày 14 tháng 01 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Theo nhận định của Trung ương tình hình kinh tế thế giới có những khởi sắc trong năm 2014, tăng trưởng toàn cầu về cơ bản đang trên đà phục hồi, dù còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro và chưa vững chắc. Trong nước, chính trị - xã hội ổn định, kinh tế có nhiều chuyển biến đúng hướng; các giải pháp, chính sách hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của Chính phủ đã cho thấy những hiệu quả bước đầu. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức trong ngắn hạn và chưa thể tăng trưởng cao trong 1-2 năm tới.

Trong tỉnh, quá trình hội nhập quốc tế đã cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh và mở ra cơ hội đầu tư cho nhiều doanh nghiệp, các doanh nghiệp từng bước ổn định sản xuất, giảm bớt khó khăn; các dự án đang triển khai xây dựng ở các Khu công nghiệp, các dự án thương mại, dịch vụ đi vào hoạt động sẽ là động lực để kinh tế của tỉnh tăng trưởng cao hơn năm 2013. Tuy vậy, nền kinh tế của tỉnh chỉ có khả năng khôi phục nhẹ, sức cạnh tranh chưa cao, nhu cầu nguồn lực để thực hiện 3 Chương trình đột phá còn nhiều hạn chế. Việc đảm bảo an sinh xã hội, ứng phó với thiên tai, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, an ninh biên giới là những vấn đề đang và sẽ tiếp tục gây khó khăn đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014.

Để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014 đạt kết quả cao nhất, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu sau:

I. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU CHỦ YẾU CỦA KẾ HOẠCH NĂM 2014

1. Mục tiêu chung

Kiên trì và năng động thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát lạm phát, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm điều kiện cần thiết cho kinh tế phục hồi và tăng trưởng hợp lý. Tiếp tục ưu tiên nguồn lực thực hiện có hiệu quả các khâu đột phá quan trọng, tạo tiền đề tăng trưởng cao hơn trong những năm tiếp theo. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Bảo đảm quốc phòng và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

2. Chỉ tiêu chủ yếu

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh đã đề ra 22 chỉ tiêu chủ yếu (bao gồm: 09 chỉ tiêu về lĩnh vực kinh tế, 07 chỉ tiêu về lĩnh vực xã hội và 06 chỉ tiêu về lĩnh vực môi trường). Một số chỉ tiêu cơ bản như sau: Phấn đấu Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng trên 12%; GDP bình quân đầu người đạt 2.380 USD; Giá trị sản xuất nông – lâm – thủy sản tăng 5%; Giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN tăng 16,5%; Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng 12%; Kim ngạch xuất khẩu tăng 20%; Thu ngân sách tăng 2,02%; Đầu tư phát triển trên địa bàn chiếm tỷ lệ 35% GDP; Giảm tỷ lệ hộ nghèo 2,0%; Tạo điều kiện giải quyết việc làm cho 20.000 lao động; Tỷ lệ lao động qua đào tạo, dạy nghề chiếm 55% tổng lao động xã hội; Tỷ lệ che phủ của rừng đạt 32,9%.

II. CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo, điều hành của Trung ương, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh đảm bảo các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội; cụ thể hóa thành những mục tiêu, nhiệm vụ phù hợp với điều kiện thực hiện của tỉnh.

2. Đẩy mạnh thực hiện các chương trình đột phá và triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách để huy động tối đa các nguồn lực tài chính tham gia vào đầu tư phát triển trên địa bàn. Chú trọng hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ sở một số Khu, cụm công nghiệp để thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

3. Tích cực khai thác, nuôi dưỡng các nguồn thu, phấn đấu tăng thu ngân sách địa phương để đáp ứng nhu cầu chi trên địa bàn. Thu ngân sách phải gắn liền với quản lý, tiết kiệm chi, đảm bảo chi hiệu quả, đúng mục đích, góp phần ngăn ngừa lãng phí và tham nhũng. Quan tâm tiết kiệm trong chi thường xuyên, mua sắm tài sản và chi cho đầu tư xây dựng cơ bản.

4. Đẩy mạnh sản xuất ngành, lĩnh vực để phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao nhất. Tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh phát triển sản xuất và thị trường trong nước. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng nông, lâm thủy sản; có giải pháp hiệu quả, dài hạn hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm ổn định, bền vững, nhất là các nông sản chủ lực như mía, mì, cao su... Khuyến khích, hỗ trợ xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm; đẩy mạnh chương trình khuyến công, khuyến nông. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa và thương mại biên giới. Phối hợp và phát huy lợi thế trong liên kết vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đông Nam bộ. Quyết liệt thực hiện các biện pháp chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, xây dựng hệ thống hàng rào kĩ thuật. Đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Huy động nguồn lực xã hội nhằm nâng cao chất lượng hoạt động và đa dạng hóa các loại hình du lịch, kêu gọi đầu tư vào các khu du lịch trọng điểm.

[...]