Quyết định 1733/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án đổi mới công tác tiếp công dân do tỉnh Lâm Đồng ban hành

Số hiệu 1733/QĐ-UBND
Ngày ban hành 05/08/2010
Ngày có hiệu lực 05/08/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Huỳnh Đức Hòa
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN 
TỈNH LÂM ĐỒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1733/QĐ-UBND

Đà Lạt, ngày 05 tháng 08 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN ĐỔI MỚI CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 858/QĐ-TTg ngày 14/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quyết định phê duyệt Đề án đổi mới công tác tiếp công dân;

Thực hiện Văn bản số 1844/TTCP-VP ngày 29/6/2010 của Thanh tra Chính phủ về việc triển khai thực hiện Đề án đổi mới về công tác tiếp công dân.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án đổi mới công tác tiếp công dân.

Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./-

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Huỳnh Đức Hòa

 

KẾ HOẠCH

V/V TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN ĐỔI MỚI CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN.
(Kèm theo Quyết định số 1733/QĐ-UBND ngày 05/8/2010 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng)

Thực hiện Đề án đổi mới công tác tiếp công dân được phê duyệt theo Quyết định 858/QĐ-TTg ngày 14/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Lâm Đồng xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

A. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

I. Mục tiêu:

Kiện toàn về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan tiếp công dân nhằm tăng cường hiệu quả công tác tiếp công dân của các cơ quan Nhà nước; nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp và Thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước trong công tác tiếp công dân; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, góp phần xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

II. Yêu cầu:

1. Quán triệt chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về công tác tiếp dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.

2. Đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho người dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác tiếp công dân hiện nay.

3. Làm rõ vị trí, vai trò, cơ cấu tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của cơ quan tiếp công dân, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, phát huy quyền dân chủ của nhân dân.

4. Nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, gắn việc tiếp công dân với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của các cơ quan Nhà nước.

B. NỘI DUNG ĐỔI MỚI CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN

I. Nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp, Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước trong công tác tiếp công dân.

1. Chủ tịch UBND các cấp, Thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước phải nhận thức đầy đủ mục đích, yêu cầu và ý nghĩa của công tác tiếp công dân, coi việc tiếp công dân là nhiệm vụ chính trị của cơ quan, tổ chức. Công tác tiếp công dân phải là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chương trình, kế hoạch công tác của cơ quan, tổ chức. Việc kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức phải gắn với việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong công tác tiếp công dân.

2. Chủ tịch UBND các cấp, Thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước phải chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong công tác tiếp công dân; ban hành nội quy, quy chế tiếp công dân; bố trí cán bộ có phẩm chất, năng lực làm công tác tiếp công dân; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện làm việc cần thiết cho Trụ sở tiếp công dân; phối hợp với các cơ quan, đoàn thể quần chúng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân.

3. Chủ tịch UBND các cấp, Thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước phải trực tiếp tiếp công dân định kỳ theo quy định, không kể việc tiếp công dân theo yêu cầu, nhiệm vụ đột xuất. Trong trường hợp có lý do chính đáng thì phân công cấp phó tiếp và thông báo công khai cho công dân biết. Không được cử người không có thẩm quyền giải quyết công việc làm nhiệm vụ tiếp công dân thay mình. Sau khi tiếp công dân phải trả lời kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân.

[...]