QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU
QUẢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC GIAI ĐOẠN 2010 - 2015
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày
26/11/2003;
Căn cứ Luật Điện lực ngày 03/12/2004;
Căn cứ Nghị định số 102/2003/NĐ-CP ngày
03/9/2003 của Chính phủ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;
Căn cứ Quyết định số 79/2006/QĐ-TTg ngày
14/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình thực hiện mục
tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giai đoạn 2006 -
2015;
Căn cứ Quyết định số 80/2006/QĐ-TTg ngày
14/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình tiết kiệm điện
giai đoạn 2006 - 2010;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại
Tờ trình số 652/TTr-SCT ngày 04/6/2009,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chương
trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010
- 2015 với nội dung chủ yếu sau đây:
1.
Sự cần thiết xây dựng và triển khai Chương trình sử dụng năng lượng tiết
kiệm và hiệu quả
Trong thời kỳ công
nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, năng lượng là yếu tố có tầm quan trọng đặc
biệt, đảm bảo cho hoạt động bình thường và phát triển sản xuất, là nhu cầu thiết
yếu để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, là nguồn động lực
cho phát triển kinh tế - xã hội. Sự thiếu hụt năng lượng trong một thời gian
dài sẽ là nhân tố kìm hãm sự phát triển liên tục của nền kinh tế, gây hiệu ứng
xấu đối với tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Biểu thị tăng trưởng kinh
tế thông qua chỉ số tăng trưởng tổng giá trị sản phẩm xã hội (GDP) và thu nhập
GDP trên đầu người luôn có quan hệ khăng khít với mức tăng trưởng nhu cầu sử dụng
năng lượng. Trong khi đó, nguồn năng lượng truyền thống có thể khai thác để
cung cấp cho nhu cầu của xã hội không phải là vô tận;
Trong sản xuất công
nghiệp ở Bình Phước, do nhiều nguyên nhân khác nhau như trình độ công nghệ lạc
hậu của thiết bị, chưa chú ý đúng mức đến việc quản lý năng lượng trong từng
doanh nghiệp, việc sử dụng năng lượng chưa hợp lý, tổn thất cao...;
Sử dụng năng lượng
trong dịch vụ, sinh hoạt đời sống còn nhiều lãng phí. Do đó, đòi hỏi phải đầu
tư lớn cho phát triển các nguồn năng lượng và hệ thống cung ứng năng lượng để
đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày một tăng cao;
Sử dụng năng lượng tiết
kiệm, hiệu quả đã được đánh giá là một trong những lựa chọn ưu tiên thực hiện
chiến lược phát triển bền vững trong thế kỷ 21. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và
hiệu quả đã được chứng minh là biện pháp rẻ hơn trong nhiều trường hợp, chi phí
bỏ ra để tiết kiệm được 1 kWh điện năng hay nhiệt năng của nhiên liệu sẽ ít hơn
nhiều so với chi phí đầu tư để sản xuất ra 1 kWh trong các nhà máy điện, mặc dù
đều có chung ý nghĩa là cung cấp thêm cho lưới điện 1 kWh;
Triển
khai Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại Bình Phước hiện
nay sẽ mang lại ý nghĩa xã hội sâu sắc; đáp ứng yêu cầu tiết kiệm năng lượng
trong sản xuất, tiêu dùng; giảm mức đầu tư rất cao hiện nay cho sản xuất năng
lượng; góp phần phục vụ việc nâng cao mức độ đảm bảo an ninh, an toàn năng lượng,
tự chủ năng lượng, đảm bảo phát triển năng lượng bền vững, đáp ứng nhiệm vụ bảo
vệ môi trường, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước; tác động đến phong
cách sống của mỗi người dân, góp phần xây dựng nếp sống xã hội theo hướng văn
minh, hiện đại. Đồng thời, triển khai Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm
và hiệu quả còn là một trong những hoạt động hội nhập khu vực, phù hợp với tình
hình chung của cả nước;
Năng lượng có vai trò đặc biệt
quan trọng trong việc duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao, cải thiện đời sống
nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự xã hội và phát triển bền
vững.
2. Mục
tiêu của Chương trình
2.1.
Mục tiêu tổng quát
a)
Tổ chức xây dựng và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng
tiết kiệm, hiệu quả trên địa bàn tỉnh theo đúng yêu cầu, chỉ đạo của Chính phủ
và Thủ tướng Chính phủ;
b)
Nâng cao nhận thức, năng lực của các tổ chức, cá nhân để thực hiện và duy trì
các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả một cách bền vững.
2.2. Mục tiêu cụ thể
Phấn đấu tiết kiệm từ 5% đến
8% tổng mức tiêu thụ năng lượng trong giai đoạn 2010 - 2015 so với dự báo, trên
cơ sở các mục tiêu cụ thể như sau:
a) Xây dựng, ban hành các
văn bản quy định, hướng dẫn hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả,
tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm
và hiệu quả trên địa bàn tỉnh;
b) Xây dựng mô hình quản lý
năng lượng để áp dụng cho 8 doanh nghiệp, tòa nhà sử dụng nhiều năng lượng trước
năm 2012 và cho 50% doanh nghiệp, tòa nhà sử dụng nhiều năng lượng trước năm
2015;
c) Đến năm 2012 hoàn thành
việc thay thế đèn tiết kiệm năng lượng cho các cơ quan,
đơn vị thụ hưởng từ ngân sách nhà nước trên địa bàn thị xã Đồng Xoài. Từ năm
2010 trở đi, 100% trụ sở cơ quan, đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước, doanh
nghiệp có vốn của Nhà nước được đầu tư xây dựng mới trụ sở theo mô hình Tòa nhà
tiết kiệm năng lượng phải sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng;
d) Đến năm 2012, 100% đèn
chiếu sáng công cộng hiện hữu được thay thế bằng các loại đèn tiết kiệm năng lượng.
Từ năm 2010 trở đi, các hệ thống chiếu sáng công cộng xây dựng mới đều phải sử
dụng các loại đèn tiết kiệm năng lượng hoặc các loại đèn có 2 cấp công suất;
đ) Phấn đấu đến năm 2012,
50% các tòa nhà, khách sạn đưa vào sử dụng máy đun nước nóng bằng năng lượng mặt
trời; từ năm 2010 các tòa nhà, khách sạn khi xây dựng mới phải đưa vào sử dụng
hệ thống đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời. Khuyến khích, hỗ trợ việc xây dựng nhà máy phát điện chạy bằng sức nước, bằng
năng lượng mặt trời…;
e)
Triển khai thí điểm cuộc vận động xây dựng mô hình: Sử dụng năng lượng tiết kiệm
trong mỗi hộ gia đình ở 08 huyện, thị xã;
f)
Tuyên truyền sâu rộng trong các cơ quan, đơn vị và nhân dân nhằm nêu cao ý thức
tiết kiệm điện, góp phần ổn định cung cấp điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh
hoạt; hạn chế đến mức thấp nhất việc ngừng, giảm cung cấp điện có thể xảy ra;
g)
Thông qua việc nâng cao nhận thức về tiết kiệm trong sử dụng điện, mỗi hộ sử dụng
điện (không phân biệt cơ quan, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hay hộ sử dụng
điện sinh hoạt) đều phải có kế hoạch và biện pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu
quả nhằm tiết giảm điện năng;
h)
Qua thực hiện kế hoạch, hình thành được ý thức thường xuyên của các cá nhân và
hộ sử dụng điện để đạt mục tiêu: Giảm từ 10% đến 15% điện năng sử dụng bình
quân hàng tháng của mỗi hộ;
i)
Thực hiện tiết kiệm ít nhất 10% chi phí điện năng sử dụng hàng năm của cơ quan
đơn vị.
3. Nội dung Chương trình
3.1.
Tăng cường quản lý nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
a)
Nội dung
-
Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của địa phương và hướng dẫn triển khai
thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của trung ương liên quan đến hoạt động
sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh,
dịch vụ, quản lý hạ tầng đô thị, quản lý các tòa nhà trong tiêu dùng sinh hoạt…;
-
Xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, ứng dụng công nghệ và sản
phẩm tiết kiệm năng lượng trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn các quy định về khuyến
khích trang bị, sử dụng các thiết bị có dán tem tiết kiệm năng lượng, về lâu
dài quy định bắt buộc sử dụng các sản phẩm có dán tem năng lượng;
- Đào tạo, tập huấn nhằm
nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác quản lý năng lượng của các ngành, các
cấp;
- Xây dựng cơ sở dữ liệu
năng lượng tỉnh Bình Phước.
b) Phân công thực hiện
Sở Công Thương chủ trì, phối
hợp với Sở Tài chính, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Xây dựng và Sở Tư pháp và
các địa phương, đơn vị có liên quan thực hiện.
c) Thời gian thực hiện
- Hoàn thành trước năm 2012;
- Riêng phần xây dựng cơ sở
dữ liệu năng lượng hoàn thành trước năm 2015.
3.2. Tuyên truyền, phổ biến
thông tin, nâng cao nhận thức của cộng đồng, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết
kiệm và hiệu quả
a) Nội dung
- Xây dựng các chuyên đề về
sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả định kỳ hàng tháng trên Báo và sóng của
Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Bình Phước;
- Phát hành tờ rơi, tờ dán,
quảng cáo, sách hướng dẫn về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả về an toàn
điện đến các cộng đồng dân cư và 100% các trường tiểu học, phổ thông trung học,
trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh;
- Tổ chức tọa đàm, trao đổi,
tập huấn về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả ít nhất 02 lần mỗi năm cho tất
cả các đối tượng ở mục 3, 4, 5, 6, 7, 8 của Chương trình này);
b)
Phân công thực hiện
-
Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Báo và Đài
Phát thanh - Truyền hình Bình Phước; các sở, ngành, địa phương có liên quan tổ
chức thực hiện;
-
Điện lực Bình Phước phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng để tăng cường
các hoạt động tuyên truyền tiết kiệm điện; lập và thực hiện kế hoạch tuyên truyền
tiết kiệm điện, hướng dẫn sử dụng điện hợp lý, thông báo lịch cắt giảm điện khi
thiếu điện phù hợp với tình hình cung cấp điện và các quy định của Nhà nước;
- Ủy
ban nhân dân các huyện, thị xã chỉ đạo việc đưa nội dung tiết kiệm điện vào
chương trình truyền thanh ở địa phương.
c) Thời gian thực hiện: Tổ
chức thực hiện hàng năm.
3.3. Sử dụng năng lượng
tiết kiệm và hiệu quả tại công sở, cơ sở y tế, giáo dục
a) Nội dung
- Xây dựng, triển khai các
biện pháp tiết kiệm điện đối với từng loại thiết bị sử dụng điện;
- Từ năm 2010, tất cả hệ thống
chiếu sáng công sở, cơ sở y tế, giáo dục khi xây dựng mới chỉ sử dụng các loại
đèn tiết kiệm năng lượng;
- Đến năm 2012, hoàn thành
việc thay thế bóng huỳnh quang hiệu suất thấp (T10) và tăng phô thông thường bằng
bóng đèn huỳnh quang hiệu suất cao (T8, T5) và tăng phô tiết kiệm năng lượng, sử
dụng đèn compact thay đèn sợi đốt tại các vị trí thích hợp ở tất cả các công sở,
cơ sở y tế, giáo dục trên địa bàn tỉnh.
b) Phân công thực hiện
- Sở Công Thương phối hợp Sở
Tài chính, Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng, ban hành các biện pháp tiết kiệm
năng lượng và các tiêu chuẩn thiết bị điện dùng trong công sở, cơ sở y tế, giáo
dục;
- Lãnh đạo cơ quan, đơn vị
có trách nhiệm ban hành quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại
cơ quan, đơn vị mình nhằm đảm bảo thực hiện chỉ tiêu tiết kiệm điện do Ủy ban
nhân dân tỉnh giao hàng năm; theo dõi, kiểm tra việc thực hiện và báo cáo định
kỳ hàng quý về Sở Công Thương;
- Sở Công Thương chủ trì, phối
hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế xây dựng kế hoạch, đề án thực hiện thay thế
đèn chiếu sáng thế hệ cũ bằng đèn chiếu sáng tiết kiệm điện, hiệu suất cao cho
các cơ sở giáo dục, y tế trên địa bàn tỉnh; thực hiện thống nhất trong toàn
ngành việc sử dụng các thiết bị hiệu suất cao, tiết kiệm điện khi đầu tư mới;
- Sở Công Thương hỗ trợ, phối
hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện các nội dung trên; có kế hoạch kiểm tra
việc triển khai thực hiện của các cơ quan đơn vị, hàng năm tổng hợp báo cáo Ủy
ban nhân dân tỉnh;
- Ủy ban nhân dân các huyện,
thị xã xây dựng kế hoạch, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp tiết
kiệm năng lượng của các cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý.
3.4. Sử dụng năng lượng
tiết kiệm và hiệu quả trong chiếu sáng công cộng
a) Nội dung
- Kiểm tra, đánh giá chế độ
chiếu sáng công cộng theo các tiêu chuẩn chiếu sáng hiện hành, đảm bảo nguyên tắc
chiếu sáng hiệu quả, tiết kiệm (tiêu chuẩn Việt Nam TCXDVN 259:2001);
- Xây dựng đề án cải tạo hệ
thống chiếu sáng công cộng; thay đèn cao áp 02 cấp công suất, tủ điều khiển
thông thường bằng tủ điều khiển tiết kiệm điện. Phấn đấu đến năm 2015 toàn bộ hệ
thống chiếu sáng công cộng trong tỉnh sử dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ
tiết kiệm điện;
- Từ năm 2010, tất cả các hệ
thống chiếu sáng công cộng đầu tư mới phải sử dụng các loại đèn tiết kiệm năng
lượng hoặc tủ điều khiển tiết kiệm năng lượng.
b) Phân công thực hiện
- Sở Công Thương hướng dẫn,
kiểm tra việc thực hiện của các cơ quan, đơn vị;
- Sở Xây dựng chủ trì, phối
hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã thực hiện;
- Điện lực Bình Phước hỗ trợ
các cơ quan, đơn vị, cải thiện hệ thống điện nhằm tạo thuận tiện cho việc thay
thế, trang bị mới hệ thống chiếu sáng công cộng, chiếu sáng giao thông;
3.5. Sử dụng năng lượng
tiết kiệm và hiệu quả trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất
a) Nội dung
-
Hướng dẫn, kiểm tra doanh nghiệp, cơ sở sản xuất xây dựng và thực hiện các giải
pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; bố trí sản xuất hợp lý, đảm bảo sử
dụng đúng công suất và biểu đồ phụ tải đã đăng ký trong hợp đồng mua bán điện;
- Hướng dẫn, hỗ trợ các
doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hình thành hệ thống quản lý năng lượng, tạo chuyển
biến tích cực trong quản lý, sử dụng năng lượng;
- Hỗ trợ xây dựng mô hình quản
lý năng lượng ở 08 doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm được lựa chọn;
- Tổ chức các lớp tập huấn về
quản lý năng lượng cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn;
- Phổ biến các tài liệu về
quản lý năng lượng, phổ biến kinh nghiệm từ các mô hình thành công ở trong và
ngoài nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;
- Hỗ trợ các doanh nghiệp thực
hiện kiểm toán năng lượng; từng bước xây dựng cơ chế, phương thức hỗ trợ doanh
nghiệp sản xuất thực hiện việc đầu tư nâng cấp, cải tiến, hợp lý hóa công nghệ
sử dụng năng lượng nhằm hạ thấp suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị sản phẩm;
-
Hỗ trợ 30% chi phí cho các doanh nghiệp đổi mới dây chuyền cũ bằng dây chuyền sử
dụng tiết kiệm năng lượng, tối đa không quá 250 triệu đồng/doanh nghiệp.
b) Phân công thực hiện
- Sở Công Thương chỉ đạo
Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh; các tổ chức tư vấn,
doanh nghiệp, cơ sở sản xuất xây dựng kế hoạch chi tiết và tổ chức triển khai
thực hiện;
- Các doanh nghiệp, cơ sở sản
xuất có trách nhiệm lập kế hoạch, triển khai thực hiện các biện pháp tiết kiệm
năng lượng tại đơn vị mình;
- Sở Công Thương phối hợp với
Điện lực Bình Phước theo dõi, kiểm tra các doanh nghiệp,
cơ sở sản xuất trong việc thực hiện hợp đồng mua bán điện đã ký; xử lý các trường
hợp sử dụng điện không đúng mục đích, không đúng biểu đồ đã đăng ký.
3.6. Sử dụng năng lượng
tiết kiệm và hiệu quả trong các tòa nhà
a) Nội dung
- Khảo sát, đánh giá hiện trạng
sử dụng năng lượng trong các tòa nhà sử dụng năng lượng lớn trên địa bàn. Xây dựng
thí điểm mô hình quản lý năng lượng cho 5 tòa nhà, khách sạn được lựa chọn trên
địa bàn tỉnh;
- Tập huấn, hướng dẫn thực
hiện Quy chuẩn xây dựng Việt Nam đối với các công trình xây dựng sử dụng năng
lượng có hiệu quả (ban hành kèm theo Quyết định số 40/2005/QĐ-BXD ngày
17/11/2005 của Bộ Xây dựng) cho các tổ chức, cá nhân tham gia thiết kế, thi
công xây dựng công trình. Thực hiện thẩm định thiết kế theo Quy chuẩn xây dựng
nêu trên đối với tất cả các tòa nhà xây dựng mới trên địa bàn tỉnh kể từ năm
2010;
- Nâng cao các giải pháp sử
dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong các công trình xây dựng thông qua việc
tư vấn, thẩm định, giám sát thi công, cấp phép xây dựng.
b) Phân công thực hiện
- Sở Công Thương chủ trì, phối
hợp với các sở, ngành, các tổ chức liên quan thực hiện việc khảo sát đánh giá hiện
trạng, xây dựng mô hình quản lý năng lượng và tổ chức tập huấn về quản lý năng
lượng trong các tòa nhà;
- Sở Xây dựng chủ trì tổ chức
thực hiện việc tập huấn, hướng dẫn về các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm
và hiệu quả trong tư vấn, thiết kế, thi công, cấp phép xây dựng công trình;
- Các sở chuyên ngành, đơn vị
tư vấn thẩm định thiết kế phải áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm,
hiệu quả trong quá trình thẩm định thiết kế.
3.7. Sử dụng năng lượng
tiết kiệm và hiệu quả trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ
a) Nội dung
- Tuyên truyền đến các hộ
gia đình hạn chế sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện lớn trong giờ cao điểm,
khuyến khích sử dụng các loại bóng đèn tiết kiệm điện như bóng compact hoặc
bóng đèn huỳnh quang T8, T5, chấn lưu hiệu suất cao, thiết bị điện có dán nhãn
tiết kiệm năng lượng, ngắt các thiết bị điện không sử dụng ra khỏi nguồn điện;
- Các nhà hàng, cơ sở dịch vụ
thương mại... phải tuân thủ nghiêm các quy định tại địa phương về chiếu sáng tiết
kiệm, hiệu quả và giảm nhu cầu sử dụng điện khi thiếu điện; sử dụng các loại
bóng đèn chiếu sáng tiết kiệm năng lượng; hạn chế sử dụng điện vào mục đích quảng
cáo trong giờ cao điểm tối;
- Khuyến khích sử dụng các sản
phẩm có dán tem năng lượng, sử dụng các thiết bị tiêu thụ các loại năng lượng mới,
năng lượng thay thế;
- Ở mỗi huyện, thị xã trong
tỉnh lựa chọn từ 10 đến 20 hộ gia đình để hỗ trợ xây dựng mô hình thí điểm: Sử
dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hộ gia đình.
b) Phân công thực hiện
Sở Công Thương chủ trì, phối
hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và các sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân
các huyện, thị xã thực hiện.
3.8. Sử dụng năng lượng
tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động giao thông vận tải; khai thác tối ưu
năng lực của phương tiện, thiết bị giao thông, giảm thiểu lượng nhiên liệu tiêu
thụ, hạn chế lượng phát thải vào môi trường
a) Nội dung
- Xây dựng các chương trình, kế hoạch tiết kiệm
năng lượng cụ thể thông qua việc khai thác tối ưu mạng lưới đường bộ, hợp lý
hóa phương tiện giao thông vận tải; phát triển loại hình vận tải năng lực cao,
vận chuyển khách, hàng hóa khối lượng lớn;
- Ứng dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết
kiệm, hiệu quả đối với các phương tiện giao thông vận tải thông qua công tác quản
lý kỹ thuật, ứng dụng khoa học, công nghệ mới; xây dựng, điều chỉnh hợp lý các
định mức kinh tế kỹ thuật trong quá trình sản xuất, duy tu, bảo dưỡng các
phương tiện giao thông.
b) Phân công thực hiện
Sở Giao thông - Vận tải chủ trì, phối hợp với
các sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã phối hợp thực hiện.
3.9. Phổ biến thiết bị
gia nhiệt nước bằng năng lượng mặt trời, các loại đèn tiết kiệm điện và khuyến
khích sử dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng sinh học
a) Nội dung
- Tổ chức trưng bày, giới
thiệu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong tỉnh tiếp cận
các sản phẩm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;
- Cung cấp thông tin, tuyên
truyền, phổ biến về hiệu quả sử dụng các loại thiết bị mới;
- Hướng dẫn, tổ chức lắp đặt
sử dụng thí điểm thiết bị gia nhiệt nước bằng năng lượng mặt trời, sử dụng năng
lượng từ Bioga, sử dụng các dạng năng lượng thay thế khác;
- Xây dựng dự án hỗ trợ các
đơn vị sử dụng thiết bị gia nhiệt từ năng lượng mặt trời (bình nước nóng sử dụng
năng lượng mặt trời) hỗ trợ 30% kinh phí mua trang thiết bị;
- Xây dựng đề án hỗ trợ đồng
bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số sử dụng điện chiếu sáng bằng năng
lượng mặt trời. Hỗ trợ 100% kinh phí mua thiết bị đối với đồng bào dân tộc và
50% đối với hộ người Kinh.
b) Phân công thực hiện
Sở Công Thương chủ trì, phối
hợp với các tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức thực hiện.
4. Các
giai đoạn thực hiện Chương trình
Chương trình được chia làm 2
giai đoạn:
- Giai đoạn 1 (2010 - 2012):
Triển khai thí điểm một số trong nội dung Chương trình; cuối giai đoạn 1 tổ chức
sơ kết, đánh giá, điều chỉnh nội dung Chương trình cho giai đoạn sau;
- Giai đoạn 2 (2013 - 2015):
Triển khai đồng bộ nội dung Chương trình; cuối giai đoạn 2 tổ chức tổng kết,
đánh giá kết quả.
Điều 2.
Các giải pháp chủ yếu thực hiện Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu
quả trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010 - 2015
1. Giải pháp về tài chính
Phối hợp các nguồn vốn cấp từ
ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, vốn tài trợ của các tổ chức, cá nhân
trong và ngoài nước, vốn của các doanh nghiệp tham gia thực hiện Chương trình,
cụ thể:
- Nguồn vốn từ ngân sách thực
hiện chương trình (bao gồm vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng
năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do Bộ Công Thương quản lý và vốn ngân sách địa
phương);
- Nguồn vốn sự nghiệp khoa học
để hỗ trợ thực hiện các đề tài, dự án khoa học liên quan đến tiết kiệm năng lượng;
- Nguồn vốn tài trợ của tổ
chức, cá nhân trong và ngoài nước dùng để thực hiện các chuyên đề, dự án sử dụng
năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được thống nhất;
- Nguồn vốn của doanh nghiệp
tham gia chương trình dùng để đầu tư cho kiểm toán năng lượng, thực hiện các giải
pháp, đổi mới công nghệ nhằm đáp ứng việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu
quả của doanh nghiệp, tạo ra sản phẩm tiết kiệm năng lượng.
2. Giải pháp về đầu tư
đào tạo nâng cao năng lực và khoa học và công nghệ
- Chú trọng đầu tư cho công
tác tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức của cộng đồng về sử dụng năng
lượng tiết kiệm và hiệu quả, về sử dụng năng lượng mới, năng lượng thay thế;
- Thực hiện đầu tư có chọn lọc
trong việc tăng cường năng lực cho các tổ chức tư vấn (thiết kế, hỗ trợ kỹ thuật,
kiểm toán năng lượng, bộ phận quản lý năng lượng) trong lĩnh vực sử dụng năng
lượng tiết kiệm và hiệu quả;
- Đầu tư cho công tác đào tạo
nhằm nâng cao năng lực cán bộ quản lý năng lượng của cơ quan quản lý nhà nước
và doanh nghiệp;
- Thực hiện các đề tài, dự
án về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sản xuất sản phẩm tiết kiệm
năng lượng, áp dụng sản xuất sạch hơn; ứng dụng các dạng năng lượng không gây ô
nhiễm môi trường, năng lượng mới, năng lượng tái tạo; xây dựng mô hình sử dụng
năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và nghiên cứu nhân rộng trên địa bàn tỉnh.
Điều 3.
Tổ chức thực hiện Chương trình
1. Sở Công Thương có trách
nhiệm tham mưu, điều phối, kiểm tra mọi hoạt động của Chương trình để đạt mục
tiêu đề ra với từng đối tượng. Hàng năm đánh giá việc thực hiện, báo cáo Ủy ban
nhân dân tỉnh và Bộ Công Thương;
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư có
kế hoạch cân đối đảm bảo nguồn vốn ngân sách tỉnh cho các hoạt động của Chương
trình; kêu gọi nguồn vốn tài trợ từ các dự án nước ngoài về sử dụng năng lượng
tiết kiệm và hiệu quả;
3. Sở Tài chính căn cứ vào
hướng dẫn của Trung ương, dự toán kinh phí của các đơn vị được phân công thực
hiện Chương trình và khả năng cân đối ngân sách hàng năm, tổng hợp, báo cáo Ủy
ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định;
4. Sở Khoa học và Công nghệ
ưu tiên bố trí kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ cho các chương trình, dự án
thúc đẩy ứng dụng thiết bị khoa học công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và
hiệu quả;
5. Điện lực Bình Phước đẩy mạnh
việc thực hiện chương trình giảm tổn thất điện năng trong từng giai đoạn theo
quy định của Nhà nước;
6. Sở Thông tin và Truyền
thông, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước và Báo Bình Phước có biện pháp
tuyên truyền rộng rãi và thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng;
7.
Trên cơ sở nội dung của Chương trình này, căn cứ chức năng nhiệm vụ đã được
phân công, Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã
có trách nhiệm chỉ đạo, cụ thể hóa thành các nhiệm vụ kế hoạch hàng năm của cơ
quan, đơn vị mình, triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân
dân tỉnh về kết quả thực hiện;
8. Trong quá trình thực hiện,
nếu có khó khăn, vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung, Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh,
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã phản ảnh đến Sở Công Thương để tổng
hợp, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo.
Điều 4. Giám đốc Sở Công Thương có trách nhiệm tổ chức,
triển khai thực hiện Chương trình theo đúng quy định hiện hành.
Điều 5. Các ông (bà): Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh;
Giám đốc Sở Công Thương, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và
Công nghệ, Sở Tư pháp, Sở Xây dựng, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giao thông
- Vận tải, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Điện lực Bình Phước; Chủ tịch Ủy
ban nhân dân các huyện, thị xã; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách
nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực thi
hành kể từ ngày ký./.