Quyết định 172-HĐBT năm 1982 về tiền tệ, tín dụng thanh toán trong thời gian trước mắt do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 172-HĐBT
Ngày ban hành 09/10/1982
Ngày có hiệu lực 09/10/1982
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Tố Hữu
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 172-HĐBT

Hà Nội, ngày 09 tháng 10 năm 1982

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 172-HĐBT NGÀY 9 THÁNG 10 NĂM 1982 VỀ TIỀN TỆ, TÍN DỤNG, THANH TOÁN TRONG THỜI GIAN TRƯỚC MẮT

Nhằm sử dụng tiền tệ, tín dụng, ngân hàng như những công cụ có hiệu lực để cải tạo và phát triển kinh tế, tăng cường quản lý kinh tế - tài chính, Hội đồng Bộ trưởng quyết định:

1. Mọi hoạt động tiền tệ, tín dụng,thanh toán của Ngân hàng Nhà nước phải hướng vào việc phục vụ và thúc đẩy sản xuất phát triển , mở rộng lưu thông hàng hoá, đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa và góp phần xây dựng, hoàn chỉnh cơ chế quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa.

Thông qua các hoạt động tiền tệ, tín dụng , thanh toán, ngân hàng phải phát huy vai trò kiểm tra, giám đốc các hoạt động kinh tế, không ngừng nâng cao hiệu quả đồng vốn, mở rộng lưu thông tiền tệ có tổ chức, đẩy lùi và xoá bỏ tệ cho vay lãi nặng; thực hiện vai trò trung tâm tiền mặt, trung tâm tín dụng và trung tâm thanh toán trong nền kinh tế quốc dân.

2. Cùng với việc tận dụng vốn tự có của các xí nghiệp và tổ chức kinh tế, Nhà nước dùng nguồn vốn ngân sách đầu tư vào các công trình xây dựng cơ bản thuộc kế hoạch Nhà nước bằng phương thức cấp phát và tín dụng. Các cơ quan tài chính có trách nhiệm cân đối số vốn đầu tư, kịp thời chuyển đủ số vốn đầu tư sang ngân hàng theo kế hoạch; Ngân hàng cấp phát và cho vay trong phạm vi số vốn ngân sách Nhà nước chuyển sang.

Mặt khác, bằng nguồn vốn tự huy động, ngân hàng phát triển tín dụng đối với những công trình xây dựng cơ bản trong khu vực kinh tế quốc doanh không thuộc kế hoạch dầu tư tập trung của Nhà nước, chủ yếu nhằm vào những mục tiêu đầu tư theo chiều sâu và giúp đỡ xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật đối với khu vực kinh tế tập thể.

3. Ngân hàng phải bảo đảm kịp thời và đầy đủ mọi nhu cầu vay vốn lưu động hợp lý của các đơn vị kinh tế quốc doanh và tập thể, trước hết là các nhu cầu về vốn sản xuất và thu mua nắm nguồn hàng vào tay Nhà nước. Khối lượng tín dụng nhất thiết phải phù hợp với khối lượng giá trị vật tư, hàng hoá bảo đảm; phân biệt rành mạch phạm vi vốn của xí nghiệp, của ngân sách cấp phát và của tín dụng ngân hàng, bảo đảm quan hệ tài chính hợp lý.

Ngân hàng áp dụng lãi suất phạt đối với các khoản nợ không có vật tư, hàng hoá làm bảo đảm và phải thu hồi kịp thời, đầy đủ số nợ này.

Đối với các khoản vốn lưu động phải do ngân sách Nhà nước cấp phát, nhưng cơ quan tài chính chưa cấp đủ thì Ngân hàng tạm thời cho vay để khỏi trở ngại đến hoạt động của xí nghiệp và phải hạch toán riêng; cơ quan tài chính phải trả lại số vốn đó cho ngân hàng theo số thực tế đã phát sinh hàng tháng.

4. Ngân hàng cần đẩy mạnh thu hút kiều hối, tranh thủ tín dụng quốc tế nhằm mở rộng việc cho các xí nghiệp, các tổ chức kinh tế vay ngoại tệ để nhập nguyên liệu và phụ tùng cần thiết cho sản xuất, hoặc nhập hàng hoá rồi thanh toán bằng hàng xuất.

Để được vay ngoại tệ, xí nghiệp phải lập phương án sản xuất, kinh doanh cụ thể , kể cả việc xuất khẩu và thanh toán ngoại tệ, trình bộ trưởng Bộ chủ quản (nếu là xí nghiệp trung ương) hoặc chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố ,đặc khu trực thuộc trung ương (nếu là xí nghiệp địa phương) duyệt. Sau khi cùng ngân hàng trung ương xem xét nhu cầu và khả năng bảo đảm sử dụng vốn vay có hiệu quả kinh tế, cơ quan chủ quản giao kế hoạch pháp lệnh cho xí nghiệp.

Trong việc sử dụng vốn vay bằng ngoại tệ, xí nghiệp phải chấp hành các chế độ của Nhà nước về quản lý ngoại tệ, về tín dụng ngân hàng và về xuất nhập khẩu; phải bảo đảm sản xuất và kinh doanh có lãi bằng ngoại tệ, thanh toán được số ngoại tệ đã vay (cả gốc lẫn lãi) và nộp tích luỹ bằng ngoại tệ cho Nhà nước dưới hình thức quyền sử dụng ngoại tệ. Trường hợp xí nghiệp bị lỗ về ngoại tệ, bộ trưởng Bộ chủ quản hoặc chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu phải trích từ nguồn vốn tự có về ngoại tệ của ngành hoặc địa phương để hoàn lại cho ngân hàng số ngoại tệ đã vay, kể cả gốc lẫn lãi.

5. Đối với các tư nhân và tổ hợp đã được cấp giấy phép sản xuất kinh doanh, ngân hàng cho vay đủ số vốn cần thiết cho các nhu cầu sản xuất, kinh doanh, trước hết là các nhu cầu vốn để thực hiện hợp đồng đã ký với các xí nghiệp, cơ quan Nhà nước, với điều kiện người vay bảo đảm trả nợ đúng hạn và chấp hành nghiêm chỉnh chính sách quản lý thị trường và chính sách thuế của Nhà nước.

6. Giá cả để cho vay và để chi trả tiền mua vật tư, hàng hoá phải theo đúng các quy định của Nhà nước về mức giá và về phân cấp quản lý giá.

7. Ngân hàng Nhà nước áp dụng lãi suất đối với các trường hợp như sau:

- Xí nghiệp hoạt động tốt (hoàn thành tốt kế hoạch Nhà nước, sử dụng có hiệu quả vốn tự có và vốn vay, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước, hoàn trả nợ vay trước hạn...) được ưu đãi trong cho vay, thanh toán và cấp phát tiền mặt và được hưởng lãi suất cho vay ưu đãi bằng 75% lãi suất bình thường.

- Xí nghiệp hoạt động kém, không thực hiện được các tiêu chuẩn nói trên thì ngân hàng phải tích cực giúp đỡ khắc phục khuyết điểm; nếu sau nhiều lần giúp đỡ mà không có tiến bộ thì ngân hàng áp dụng các chế tài tín dụng, thanh toán như áp dụng mức lãi suất cao, cho vay có điều kiện cam kết, có bảo lĩnh; đình chỉ một phần hoặc toàn bộ việc cho vay, xí nghiệp phải thanh toán tiền mua hàng theo những thể thức bắt buộc...

- Lợi tức phải trả tiền vay về các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xây dựng cơ bản bình thường trong kế hoạch tín dụng thì được tính vào giá thành sản phẩm, giá thành công trình xây dựng , phí lưu thông.

- Các khoản vay vốn phát sinh do khuyết điểm chủ quan của đơn vị thì phải chịu mức lãi suất cao hơn từ 2 đến 3 lần lãi suất bình thường và số lợi tức này phải trích từ lợi nhuận của đơn vị để trả ngân hàng.

- Các khoản tiền vay sử dụng đạt hiệu quả kinh tế cao thì được giảm 25% mức lãi so với lãi suất bình thường, và số lợi tức được giảm này được bổ sung vào lợi nhuận của đơn vị.

8. Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm đáp ứng đầy đủ và kịp thời mọi nhu cầu hợp lý về tiền mặt của các đơn vị kinh tế quốc doanh, công tư hợp doanh và tập thể, các cơ quan Nhà nước, các đơn vị lực lượng vũ trang, các đoàn thể và tổ chức xã hội, các tư nhân kinh doanh công thương nghiệp (sau đây gọi tắt là các đơn vị).

Các đơn vị phải mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng và phải chấp hành nghiêm chỉnh các chế độ của Nhà nước về quản lý tiền mặt và về thanh toán không dùng tiền mặt; không được để tiền mặt tồn quỹ hoặc toạ chi quá mức đã được ngân hàng thoả thuận. Nếu đơn vị và ngân hàng phục vụ không thoả thuận được về định mức tồn quỹ tiền mặt và định mức toạ chi thì báo cáo lên cơ quan quản lý cấp trên quyết định.

Các đơn vị phải gửi cho ngân hàng phục vụ mình kế hoạch tiền mặt hàng quý (có chia ra tháng) và chấp hành đúng đắn kế hoạch đã thống nhất với ngân hàng. Hàng tháng, phải báo cáo cho ngân hàng biết chính xác tình hình thu, chi tiền mặt, số tiền đã toạ chi và tồn quỹ cuối tháng. Ngân hàng phải xem xét và bổ khuyết kịp thời, trước khi tiếp tục cung ứng tiền mặt tháng kế tiếp cho đơn vị.

Hàng năm, Ngân hàng Nhà nước phải lập kế hoạch tiền mặt trình Hội đồng bộ trưởng phê duyệt cùng một lần với việc phê duyệt kế hoạch Nhà nước. Các cấp, các ngành chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt chỉ tiêu kế hoạch tiền mặt được Nhà nước giao.

9. Những hộ tư nhân kinh doanh công thương nghiệp và dịch vụ có doanh thu tới mức do chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quy định (theo sự hướng dẫn của tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước buộc phải kê khai mức vốn tự có và mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng để được cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh. Những hộ chỉ mở tài khoản nhưng không giao dịch tiền mặt và thanh toán qua ngân hàng thì Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã xem xét, xử lý.

10. Trong khu vực Nhà nước, ngân hàng cấp phát và kiểm soát chi tiêu quỹ tiền lương theo mức thực hiện kế hoạch đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh và xây dựng cơ bản theo quỹ tiền lương được duyệt đối với các đơn vị dự toán.

Trường hợp xí nghiệp giảm bớt được lao động mà vẫn hoàn thành hoặc hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất, kinh doanh, xây dựng cơ bản, thì ngân hàng vẫn cấp phát đủ quỹ tiền lương theo mức thực hiện kế hoạch.

[...]