Quyết định 17/2007/QĐ-UBND phê duyệt Đề án kiện toàn mạng lưới thú y thủy sản và khuyến ngư cơ sở do tỉnh Bình Định ban hành

Số hiệu 17/2007/QĐ-UBND
Ngày ban hành 09/08/2007
Ngày có hiệu lực 19/08/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Định
Người ký Vũ Hoàng Hà
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/2007/QĐ-UBND

Quy Nhơn, ngày 09 tháng 8 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN KIỆN TOÀN MẠNG LƯỚI THÚ Y THỦY SẢN VÀ KHUYẾN NGƯ CƠ SỞ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03/12/2004;

Căn cứ Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y và Nghị định số 56/2005/NĐ-CP ngày 26/4/2005 của Chính phủ về khuyến nông, khuyến ngư;

Căn cứ Nghị quyết số 14/2007/NQ-HĐND ngày 19/7/2007 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X, kỳ họp thứ 9;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thủy sản và Chánh Văn phòng UBND tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Kiện toàn mạng lưới thú y thủy sản và khuyến ngư cơ sở với nội dung chủ yếu như sau:

I. Mạng lưới thú y thủy sản

1. Cấp tỉnh: Trạm Thú y thủy sản trực thuộc Chi cục BVNL thủy sản.

* Chức năng

Trạm Thú y thủy sản là đơn vị sự nghiệp giúp Chi cục trưởng thực hiện chức năng quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và thú y thủy sản đối với các tổ chức, cá nhân nuôi trồng, chế biến, vận chuyển thủy sản trong toàn tỉnh.

* Nhiệm vụ

- Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về sản xuất, kinh doanh giống, di giống, nhập giống, các loại thức ăn, thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật thú y sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.

- Tham gia hướng dẫn ứng dụng quy phạm thực hành nuôi tốt, quy tắc nuôi có trách nhiệm trong vùng nuôi thủy sản theo quy định của pháp luật. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn trong việc kiểm soát ảnh hưởng của thuốc bảo vệ thực vật và chất thải công nghiệp đến môi trường nuôi trồng thủy sản ở địa phương.

- Thực hiện quan trắc môi trường và cảnh báo dịch bệnh thủy sản theo quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Thực hiện hoạt động dập tắt dịch bệnh thủy sản và phục hồi môi trường sau khi dịch bệnh được dập tắt.

- Kiểm tra điều kiện an toàn vệ sinh cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản, tàu cá, cảng cá, chợ cá, cơ sở thu gom, cở sở chế biến thủy sản thủ công.

- Thực hiện chương trình kiểm soát dư lượng kháng sinh, hóa chất độc hại trong thủy sản nuôi.

- Thực hiện công tác thông tin, thống kê, báo cáo, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản; trong quan trắc môi trường nuôi thủy sản.

* Định biên cán bộ

- Số lượng : 8 người.

+ Quản lý chất lượng : 3 người

+ Thú y thủy sản : 3 người

+ Kiểm nghiệm, xét nghiệm : 2 người

- Trình độ: Đại học nuôi trồng thủy sản, chế biến thủy sản.

2. Cấp huyện: Trạm Thú y thủy sản huyện, thành phố ven biển.

[...]