Quyết định 17/2006/QĐ-UBND về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU về đẩy mạnh phát triển công nghiệp tỉnh Trà Vinh đến năm 2010

Số hiệu 17/2006/QĐ-UBND
Ngày ban hành 05/05/2006
Ngày có hiệu lực 15/05/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Trà Vinh
Người ký Trần Hoàn Kim
Lĩnh vực Doanh nghiệp

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TRÀ VINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/2006/QĐ-UBND

Trà Vinh, ngày 05 tháng 5 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 09-NQ/TU NGÀY 29/7/2004 CỦA TỈNH ỦY TỈNH TRÀ VINH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 29/7/2004 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển công nghiệp tỉnh Trà Vinh đến năm 2010;

Theo Đề nghị của Giám đốc Sở Công nghiệp và Chánh Văn phòng UBND tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 09 - NQ-TU ngày 29/7/2004 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển công nghiệp tỉnh Trà Vinh đến năm 2010.

Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Công nghiệp và Thủ trưởng các Sở, Ban ngành tỉnh có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã căn cứ Quyết định này thi hành.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Trần Hoàn Kim

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 09-NQ/TU NGÀY 29/7/2004 CỦA TỈNH UỶ TRÀ VINH VỀ ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TỈNH TRÀ VINH ĐẾN NĂM 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 17/2006/QĐ-UBND ngày 05/5/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh)

I. Đánh giá tổng quát tình hình phát triển công nghiệp tỉnh Trà Vinh:

Từ sau tái lập tỉnh năm 1992, ngành công nghiệp tỉnh Trà Vinh có điểm xuất phát rất thấp, trải qua các mốc giai đoạn phát triển 1992 - 1995: tốc độ tăng bình quân 15,58%; 1996 - 2000 tăng 5,40%; 2001-2005 dự kiến tăng bình quân 23,21%, đã thể hiện sự tăng trưởng ngày càng cao của toàn ngành công nghiệp. Theo đó tỷ trọng giá trị (GDP) công nghiệp được tăng dần trong tổng số GDP toàn tỉnh, lấy mốc năm 1992 GDP công nghiệp chiếm khoảng 5%, năm 2005 dự kiến GDP công nghiệp sẽ chiếm 9,92% trong tổng giá trị GDP toàn tỉnh;

Các cơ sở sản xuất, đã phát triển cả chiều rộng, lẫn chiều sâu, với nhiều ngành nghề đa dạng, nhiều loại hình sản xuất, đã thể hiện sự thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh; đặc biệt từ các năm gần đây, một số nhà máy mó'i được đầu tư và cải tiến công nghệ, mở rộng sản xuất như: Than hoạt tính, chế biến thủy, hải sản, chế biến dừa, mía đường, nước khoáng, dược phẩm, may mặc xuất khẩu..., một số ngành nghề truyền thống như: Đan đát thảm lát, sản xuất gạch ngói, lương thực, thực phẩm... cũng được khôi phục và phát triển, đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong nông thôn cũng như tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp;

Tuy nhiên, ngành công nghiệp tỉnh Trà Vinh đang còn gặp nhiều khó khăn do một số lĩnh vực then chốt như Nông nghiệp, thuỷ sản đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển công nghiệp còn quá ít, đồng thời có nhiều ngành nghề, lĩnh vực còn áp dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu; trình độ lao động kỹ thuật thấp, trình độ quản lý còn hạn chế dẫn đến hiệu quả kinh tế chưa cao, nhiều sản phẩm chưa đủ sức cạnh tranh, thị trường không ổn định, đã cản trở nhiều đến sự phát triển chung của doanh nghiệp và của ngành. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách về quản lý kinh tế nói chung và quản lý ngành nói riêng còn nhiều bất cập giữa các ngành, các vùng lãnh thổ. Chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư của địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới. Thủ tục đầu tư đã từng bước được đổi mới nhưng vẫn chưa tạo được sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Cơ sở hạ tầng trong những năm qua tuy đã được chú trọng đáng kể, nhưng vẫn chưa đáp ứng được so với yêu cầu;

Hiện tại tỉnh chỉ mới đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật giai đoạn I Cụm phát triển công nghiệp Long Đức, bước đầu đã có 05 doanh nghiệp đầu tư với giá trị sản lượng sản xuất chưa đáng kể;

Những thành tựu mà ngành công nghiệp đã đạt được, cùng với những dự án, chương trình đang triển khai, sẽ từng bước tạo điều kiện cho nền kinh tế của tỉnh nói chung và của ngành công nghiệp nói riêng phát triển, đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, đẩy mạnh phát triển kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, tăng sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế tỉnh nhà.

II. Phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu phát triển công nghiệp đến năm 2010:

1. Phương hướng chung:

Tập trung khai thác nguồn nội lực, tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài, thu hút đầu tư vào sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Trên cơ sở khai thác các tiềm năng, lợi thế của tỉnh để tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm sản xuất tại địa phương với các thị trường trong và ngoài nước;

Chú ý đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ thiết bị tiên tiến, hiện đại, bắt kịp với yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của các thị trường trên thế giới. Từ đó, chủ động tạo thị phần ổn định cho các sản phẩm có tính chiến lược của từng doanh nghiệp nói riêng và của tỉnh ta nói chung;

Quan tâm thu hút các dự án đầu tư có trình độ công nghệ kỹ thuật cao, bố trí hợp lý các dự án thu hút nhiều lao động, khuyến khích các loại hình doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, thu hồi vốn nhanh; củng cố và từng bước hình thành các làng nghề, các Khu, Cụm, điểm công nghiệp để có điều kiện đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất công nghiệp và có điều kiện xử lý, bảo vệ môi trường thiên nhiên, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành, địa phương.

2. Nhiệm vụ trọng tâm:

Tập trung chỉ đạo phát triển 3 nhóm chương trình ưu tiên đầu tư sau đây:

[...]