Quyết định 1657/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia "Nghiên cứu sản xuất vắc xin sử dụng cho người đến năm 2030" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 1657/QĐ-TTg |
Ngày ban hành | 01/10/2021 |
Ngày có hiệu lực | 01/10/2021 |
Loại văn bản | Quyết định |
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký | Vũ Đức Đam |
Lĩnh vực | Thể thao - Y tế |
THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1657/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 01 tháng 10 năm 2021 |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
Căn cứ Luật Dược ngày 06 tháng 4 năm 2016;
Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia “Nghiên cứu sản xuất vắc xin sử dụng cho người đến năm 2030” (sau đây viết tắt là Chương trình) với nội dung như sau:
1. Nghiên cứu làm chủ công nghệ sản xuất vắc xin sử dụng cho người (sau đây viết tắt là vắc xin); nâng cao trình độ, năng lực của các tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước, sẵn sàng đối phó với dịch bệnh mới phát sinh.
2. Phấn đấu 100% vắc xin trong nước đạt tiêu chuẩn tương đương với tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm cho Chương trình tiêm chủng mở rộng và một số vắc xin khác; từng bước đưa vắc xin Việt Nam tham gia thị trường quốc tế.
3. Đến năm 2025, làm chủ công nghệ sản xuất 10 loại vắc xin và sản xuất được tối thiểu 03 loại vắc xin; đến năm 2030, làm chủ được công nghệ sản xuất 15 loại vắc xin và sản xuất được tối thiểu 05 loại vắc xin.
II. CÁC NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách và rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật thúc đẩy nghiên cứu, thử nghiệm, cấp phép sử dụng vắc xin sản xuất trong nước. Đặc biệt, nghiên cứu xây dựng chính sách riêng đáp ứng yêu cầu linh hoạt trong ứng phó xử lý vắc xin đại dịch.
2. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ truyền thống, ưu tiên công nghệ mRNA, công nghệ protein tái tổ hợp, công nghệ vector vi rút v.v... phục vụ sản xuất vắc xin Covid-19, vắc xin ung thư, vắc xin phối hợp nhiều thành phần và các vắc xin khác đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch bệnh.
a) Triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu làm chủ công nghệ sản xuất vắc xin.
b) Nhập khẩu công nghệ mới, công nghệ tiên tiến phục vụ nghiên cứu sản xuất vắc xin và giải mã, làm chủ, cải tiến công nghệ phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.
c) Hợp tác nghiên cứu, tăng cường trao đổi thông tin với chuyên gia, tổ chức khoa học và công nghệ ngoài nước có uy tín nhằm giải quyết những vấn đề khoa học và công nghệ trong nước; hình thành các nhóm nghiên cứu đủ năng lực tiếp thu, làm chủ, hoàn thiện và sáng tạo công nghệ phục vụ mục tiêu sản xuất vắc xin.
d) Ưu tiên đầu tư mua quyền sở hữu, quyền sử dụng và bí quyết công nghệ; thuê chuyên gia, tư vấn nước ngoài hỗ trợ nghiên cứu, phát triển sản phẩm vắc xin.
3. Hỗ trợ nâng cao tiềm lực nghiên cứu sản xuất vắc xin.
a) Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực nghiên cứu, nhân lực kỹ thuật đủ năng lực ứng dụng, làm chủ công nghệ thông qua quá trình triển khai các nhiệm vụ thuộc Chương trình; thu hút sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và của các nước phát triển để đào tạo nhân lực cho các hoạt động phát triển vắc xin.
b) Nâng cấp, đầu tư mới một số trang thiết bị kỹ thuật phục vụ hoạt động nghiên cứu, đo kiểm, thử nghiệm sản phẩm thông qua các nhiệm vụ thuộc Chương trình.
c) Tổ chức các Hội nghị, Hội thảo khoa học trong nước và quốc tế về nghiên cứu sản xuất vắc xin.
4. Thực hiện cơ chế đặc thù hỗ trợ nghiên cứu sản xuất vắc xin.
a) Tổ chức, doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin được hưởng chính sách ưu đãi như sản phẩm quốc gia, sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và công nghệ được khuyến khích chuyển giao.
b) Đối với vắc xin phòng chống đại dịch được hỗ trợ tối đa 100% kinh phí dành cho nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng, sản xuất thử nghiệm, kiểm định, mua bảo hiểm và hỗ trợ kinh phí cho người tình nguyện.