Quyết định 1646/QĐ-UBND năm 2023 về Đề án đẩy mạnh phân cấp đối với Ủy ba nhân dân cấp huyện, cấp xã và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang

Số hiệu 1646/QĐ-UBND
Ngày ban hành 23/08/2023
Ngày có hiệu lực 23/08/2023
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Giang
Người ký Nguyễn Văn Sơn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1646/QĐ-UBND

Hà Giang, ngày 23 tháng 8 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN ĐẨY MẠNH PHÂN CẤP ĐỐI VỚI ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP HUYỆN, CẤP XÃ VÀ CƠ QUAN CHUYÊN MÔN THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước;

Căn cứ Nghị quyết số 30/NQ-HĐND ngày 15 tháng 7 năm 2023 của HĐND tỉnh Hà Giang thông qua Đề án đẩy mạnh phân cấp đối với UBND cấp huyện, cấp xã và cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 393/TTr-SNV ngày 11 tháng 8 năm 2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Đề án đẩy mạnh phân cấp đối với Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh (Kèm theo Đề án).

Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các Sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Chủ tịch các xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Bộ Nội vụ;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Văn phòng UBND tỉnh: Các PCVP, CV NCTH, Trung tâm TT - CB;
- HĐND các huyện, thành phố;
- HĐND xã, phường, thị trấn;
- Lưu: VT, NCPC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Sơn

 

ĐỀ ÁN

ĐẨY MẠNH PHÂN CẤP ĐỐI VỚI ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP HUYỆN, CẤP XÃ VÀ CƠ QUAN CHUYÊN MÔN THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định 1646/QĐ-UBND ngày 23/8/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang)

Phần 1

THỰC TRẠNG, SỰ CẦN THIẾT, CƠ SỞ PHÁP LÝ

I. THỰC TRẠNG PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG THỜI GIAN QUA

1. Kết quả đạt được

a) Công tác chỉ đạo, điều hành

Thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 21/3/2016 của Chính phủ về phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ (Nghị quyết 21) và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 24/6/2020 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực và các văn bản chỉ đạo, điều hành trong quá trình triển khai thực hiện (Nghị quyết 99);

Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 208/KH-UBND ngày 23/8/2016 triển khai Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 21/3/2016 của Chính phủ về phân cấp quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh Hà Giang, Công văn số 3238/UBND-NCPC ngày 18/10/2022 về việc thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/02/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước; đồng thời, đã tổ chức triển khai, quán triệt có hiệu quả Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 21/3/2016 của Chính phủ và Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 24/6/2020 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực, đảm bảo các mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc, các ngành, lĩnh vực cần tập trung phân cấp quản lý nhà nước, các nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết đã đề ra.

Qua đó, các Sở, ban, ngành đã chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh (UBND tỉnh) triển khai phân cấp một số lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý để tạo sự chủ động cho các cơ quan, đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực thi nhiệm vụ; góp phần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. UBND tỉnh đã ban hành các văn bản về phân cấp, ủy quyền thực hiện nhiệm vụ cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã đối với các lĩnh vực theo quy định, gồm: Lĩnh vực Nội vụ, lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường, lĩnh vực Tài chính, lĩnh vực Kế hoạch đầu tư[1].

b) Hiệu quả của việc thực hiện phân cấp

- Trong thời gian qua, UBND tỉnh cũng đã tăng cường chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các quy định về phân cấp. Theo đó, các Sở, ban, ngành, địa phương đã chủ động triển khai thực hiện đối với các nhiệm vụ được phân cấp và đã đạt được một số kết quả tích cực như: (1) Giúp việc phân công nhiệm vụ giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương ngày càng cụ thể, rõ ràng, xác định được trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp trong thực thi công vụ; (2) Việc thực hiện phân cấp gắn liền với việc đổi mới cơ chế hoạt động, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị và gắn với công tác cải cách thủ tục hành chính trong giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp; (3) Nâng cao tính chủ động và tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương; từng bước xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, “ban - phát” trong hoạt động quản lý nhà nước; (4) Phát huy và sử dụng có hiệu quả hơn nhân lực, vật lực tại chỗ của từng cơ quan, đơn vị.

- Một số kết quả nổi bật đối với từng lĩnh vực như sau:

+ Phân cấp lĩnh vực Tài chính, ngân sách: (1) Tạo khuôn khổ pháp lý về quản lý ngân sách nhà nước thống nhất, đồng bộ theo nguyên tắc tập trung, dân chủ; tiềm lực tài chính quốc gia và quy mô ngân sách nhà nước được phát triển; đảm bảo an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia; (2) Đảm bảo vai trò, quyền hạn, tăng cường tính chủ động của HĐND các cấp trong việc quyết định dự toán ngân sách, phân bổ ngân sách và quyết toán ngân sách địa phương; (3) Cơ chế phân cấp quản lý ngân sách nhà nước đã khuyến khích các địa phương phấn đấu tăng thu ngân sách để có nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; (4) Phân cấp quản lý ngân sách nhà nước góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu ngân sách địa phương, phấn đấu tăng tỷ trọng cho chi đầu tư phát triển, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý ngân sách nhà nước.

+ Phân cấp về quản lý đầu tư: (1) Việc phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư công đã tạo khung pháp lý để triển khai việc lập, phân bổ, tổng hợp, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm; Xác định rõ vai trò, nhiệm vụ của các cơ quan gắn với thẩm quyền cụ thể trong việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư. Việc phân bổ vốn đầu tư đảm bảo tính công khai, minh bạch; đồng thời, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu; (2) Việc phân cấp trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cho UBND các huyện, thành phố, các ngành (quyết định chủ trương đầu tư, phân cấp các nguồn vốn như đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương, các Chương trình mục tiêu quốc gia) được đẩy mạnh, tạo điều kiện cho UBND cấp huyện, các ngành nâng cao trách nhiệm và tính chủ động trong việc triển khai thực hiện, năng lực quản lý của các chủ đầu tư ngày càng được nâng lên, dần dần đáp ứng tốt hơn yêu cầu của công tác quản lý đầu tư xây dựng.

[...]