Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Quyết định 164-QĐ/TW năm 2024 về Quy trình giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng trực thuộc Trung ương và đảng viên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý do Ban Chấp hành Trung ương ban hành

Số hiệu 164-QĐ/TW
Ngày ban hành 06/06/2024
Ngày có hiệu lực 06/06/2024
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Ban Chấp hành Trung ương
Người ký Lương Cường
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
-------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 164-QĐ/TW

Hà Nội, ngày 06 tháng 6 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY TRÌNH GIẢI QUYẾT TỐ CÁO ĐỐI VỚI TỔ CHỨC ĐẢNG TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG VÀ ĐẢNG VIÊN LÀ CÁN BỘ THUỘC DIỆN TRUNG ƯƠNG QUẢN LÝ

- Căn cứ Điều lệ Đảng;

- Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khoá XIII;

- Căn cứ Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng;

- Xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương,

BỘ CHÍNH TRỊ QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy trình giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng trực thuộc Trung ương và đảng viên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.

Điều 2. Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy, tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương; các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương; Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 2.
- Lưu Văn phòng Trung ương Đảng.

T/M BỘ CHÍNH TRỊ




Lương Cường

 

QUY TRÌNH

GIẢI QUYẾT TỐ CÁO ĐỐI VỚI TỔ CHỨC ĐẢNG TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG VÀ ĐẢNG VIÊN LÀ CÁN BỘ THUỘC DIỆN TRUNG ƯƠNG QUẢN LÝ
(Kèm theo Quyết định số 164-QĐ/TW, ngày 06/6/2024 của Bộ Chính trị)

I- BƯỚC CHUẨN BỊ

1. Thành lập đoàn giải quyết tố cáo và xây dựng kế hoạch giải quyết tố cáo:

- Ủy ban Kiểm tra Trung ương (hoặc cơ quan tham mưu, giúp việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư được Thường trực Ban Bí thư giao) làm việc với người tố cáo để xác định rõ danh tính, địa chỉ người tố cáo; tổ chức đảng, đảng viên bị tố cáo và nội dung tố cáo; tham mưu thành lập đoàn giải quyết tố cáo (sau đây gọi là đoàn kiểm tra) và kế hoạch giải quyết tố cáo.

- Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành quyết định thành lập đoàn và kế hoạch giải quyết tố cáo, căn cứ tính chất, nội dung tố cáo để quyết định trưởng đoàn, thành phần, số lượng thành viên đoàn kiểm tra cho phù hợp. Kế hoạch giải quyết tố cáo phải xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, đối tượng, mốc thời gian, phương pháp, thời gian tiến hành... Thời hạn giải quyết tố cáo không quá 180 ngày kể từ ngày ban hành quyết định thành lập đoàn kiểm tra, trường hợp cần thiết có thể quyết định gia hạn thời gian giải quyết nhưng không quá 60 ngày.

2. Đoàn kiểm tra nghiên cứu đơn tố cáo, xây dựng đề cương yêu cầu tổ chức đảng, đảng viên bị tố cáo báo cáo giải trình; dự kiến lịch làm việc của đoàn kiểm tra, nội quy hoạt động, phân công nhiệm vụ từng thành viên đoàn kiểm tra; chuẩn bị các văn bản, tài liệu có liên quan.

3. Văn phòng Trung ương Đảng bảo đảm kinh phí và các điều kiện cần thiết phục vụ đoàn kiểm tra thực hiện nhiệm vụ.

II- BƯỚC TIẾN HÀNH

1. Đoàn kiểm tra hoặc đại diện đoàn kiểm tra triển khai quyết định, kế hoạch giải quyết tố cáo, thống nhất lịch làm việc với tổ chức đảng, đảng viên bị tố cáo và đại diện tổ chức đảng quản lý đảng viên; yêu cầu tổ chức đảng, đảng viên bị tố cáo chuẩn bị báo cáo theo đề cương, cung cấp hồ sơ, tài liệu; chỉ đạo tổ chức, cá nhân có liên quan phối hợp thực hiện.

2. Tổ chức đảng, đảng viên bị tố cáo chuẩn bị báo cáo giải trình bằng văn bản và hồ sơ; tài liệu có liên quan gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư (qua đoàn kiểm tra).

3. Đoàn kiểm tra thẩm tra, xác minh:

- Đoàn kiểm tra nghiên cứu báo cáo, hồ sơ, tài liệu và chứng cứ nhận được; tiến hành thẩm tra, xác minh, làm việc với người tố cáo, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến nội dung tố cáo và tổ chức đảng, đảng viên bị tố cáo.

Trong quá trình thẩm tra, xác minh, đoàn kiểm tra gặp và làm việc trực tiếp với người tố cáo (nếu cần) để xác định lại, giải trình, bổ sung và làm rõ thêm về nội dung tố cáo; hướng dẫn người tố cáo thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình; thực hiện các biện pháp bảo vệ người tố cáo theo quy định. Khi cần điều chỉnh, bổ sung về nội dung, thời gian giải quyết, yêu cầu cần đánh giá, thẩm định, giám định chuyên môn, kỹ thuật của các cơ quan chức năng để làm căn cứ kết luận nội dung tố cáo thì đoàn kiểm tra báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định.

- Đoàn kiểm tra xây dựng dự thảo báo cáo kết quả giải quyết tố cáo.

[...]