Quyết định 1633/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt quy hoạch phát triển thương mại đến năm 2020 do tỉnh Lâm Đồng ban hành

Số hiệu 1633/QĐ-UBND
Ngày ban hành 29/07/2011
Ngày có hiệu lực 08/08/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Huỳnh Đức Hòa
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1633/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 29 tháng 7 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI TỈNH LÂM ĐỒNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Thông tư số 17/2010/TT-BTC ngày 05 tháng 5 năm 2010 của Bộ Công thương Quy định về nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phát triển ngành thương mại;

Căn cứ văn bản số 8018/BCT/TTTN ngày 10 tháng 8 năm 2010 của Bộ Công thương về việc góp ý dự thảo Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Lâm Đồng;

Căn cứ Quyết định số 1367/QĐ-UBND ngày 12/6/2009 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng về việc phê duyệt Đề cương quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Lâm Đồng đến 2020 và kinh phí lập quy hoạch.

Xét công văn số 516/SCT ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Sở Công thương về việc tiếp thu và chỉnh sửa Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Lâm Đồng đến 2020 kèm hồ sơ thuyết minh quy hoạch;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu sau đây:

I. Quan điểm phát triển.

1. Phát triển thương mại tỉnh Lâm Đồng một cách đồng bộ tương xứng với tiềm năng và khai thác tối đa lợi thế so sánh của các tiểu vùng trong toàn tỉnh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Phát triển thương mại trở thành đòn bẩy để phát triển các ngành sản xuất và dịch vụ khác, góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phân công lao động xã hội, thực hiện các mục tiêu kinh tế -xã hội của tỉnh. Phát triển thương mại phải phù hợp với chiến lược tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và định hướng phát triển thương mại của cả nước.

2. Phát triển thương mại trên cơ sở gắn thị trường Lâm Đồng với thị trường vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Đông Nam bộ, Tây Nguyên nhằm tổ chức tốt lưu thông hàng hóa, kích thích tiêu dùng trong dân cư; sớm hội nhập với thị trường khu vực và thế giới trên nền tảng nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và các sản phẩm chủ lực của Lâm Đồng.

3. Trong phát triển thương mại phải đa dạng các loại hình sở hữu đối với doanh nghiệp thương mại. Quan tâm phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh. Phát triển một cách đồng bộ và hợp lý cơ cấu bán buôn và bán lẻ; gắn kết giữa hiện đại và truyền thống tạo thêm việc làm cho người lao động, ổn định cuộc sống của đồng bào các vùng khó khăn, bảo vệ tốt môi trường sinh thái, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

4. Chú trọng đầu tư nâng cấp mạng lưới cơ sở vật chất kỹ thuật thương mại, lấy thị trường đô thị làm trọng tâm, hỗ trợ thúc đẩy phát triển thị trường nông thôn nhất là vùng sâu, vùng xa.

5. Ưu tiên phát triển quan hệ, năng lực thương mại tại các thị trường tiêu thụ lớn trong nước nhằm mở rộng tiêu thụ sản phẩm được sản xuất ra trên địa bàn tỉnh, trong đó thực hiện tốt chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho vùng sâu, vùng xa; xây dựng và quảng bá thương hiệu các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ Tỉnh, kết hợp giữa xúc tiến xuất khẩu với xúc tiến du lịch;

II. Mục tiêu phát triển.

Đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng của ngành thương mại trên cơ sở khai thác có hiệu quả các tiềm năng và lợi thế phù hợp với yêu cầu thị trường trong và ngoài nước thúc đẩy quá trình mở rộng và tăng cường các mối quan hệ thương mại giữa Lâm Đồng với bên ngoài, tạo bước chuyển biến nhanh từ nền thương mại nhỏ, manh mún tiến lên nền thương mại văn minh, hiện đại đặt biệt chú ý bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, các hộ kinh doanh nhỏ, các doanh nghiệp thương mại trong tỉnh, trong nước trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

- Tốc độ tăng GDP ngành thương nghiệp đạt bình quân 19 - 19,5%/năm trong giai đoạn 2011 - 2015 và 19,5 - 20,0%/năm trong giai đoạn 2016 - 2020.

- Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 25 - 26%/năm giai đoạn 2010 - 2015 và 20 - 25%/năm giai đoạn 2016 - 2020.

- Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh từ 21,5 - 22,5%/năm giai đoạn 2010 - 2015 và 20 - 21%/năm giai đoạn 2016 - 2020. Tỷ lệ hàng hóa lưu chuyển qua các loại hình thương mại hiện đại từ 15 - 20% vào năm 2015 và từ 25 - 30% vào năm 2020.

III. Định hướng phát triển thương mại tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020.

1. Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trên thị trường trong nước:

- Phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm của tỉnh tại các thị trường đô thị lớn trong cả nước, trong đó đặc biệt chú trọng thị trường thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

- Từng bước thiết lập cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trong tỉnh, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử.

- Quy hoạch xây dựng các khu vực thương mại - dịch vụ trên địa bàn tỉnh với quy mô phù hợp, thực hiện đầy đủ các khâu của quá trình thương mại, từ thu gom, phân loại, sơ chế, bảo quản và vận chuyển đến thị trường tiêu thụ chính.

- Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh tìm kiếm cơ hội kinh doanh và đầu tư phát triển cơ sở kinh doanh tại các thị trường tiêu thụ chính.

[...]