Quyết định 1617/QĐ-BCT năm 2021 về Quy chế làm việc của Bộ Công thương

Số hiệu 1617/QĐ-BCT
Ngày ban hành 24/06/2021
Ngày có hiệu lực 24/06/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Nguyễn Hồng Diên
Lĩnh vực Thương mại,Bộ máy hành chính

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1617/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 24 tháng 06 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ LÀM VIỆC CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 138/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;

Theo đề nghị của Chánh Văn phòng Bộ.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế làm việc của Bộ Công Thương.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 244/QĐ-BCT ngày 23 tháng 01 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quy chế làm việc của Bộ Công Thương.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ và các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Lãnh đạo Bộ;
- Công đoàn Công Thương Việt Nam;
- Đảng ủy, Công đoàn, Đoàn Thanh niên Bộ;
- Các Sở Công Thương;
- Lưu: VT, VP.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Hồng Diên

 

QUY CHẾ LÀM VIỆC CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG

(Ban hành kèm theo Quyết định số 1617/QĐ-BCT ngày 24 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định nguyên tắc làm việc; chế độ trách nhiệm; quan hệ công tác; cách thức, quy trình giải quyết công việc của Bộ Công Thương (sau đây gọi tắt là “Bộ”).

2. Quy chế này áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ; các tổ chức, cá nhân có quan hệ công tác với Bộ.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Lãnh đạo Bộ” là Bộ trưởng và các Thứ trưởng.

2. “Thủ trưởng đơn vị” là Vụ trưởng, Cục trưởng, Tổng cục trưởng, Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo, Chánh Văn phòng Hội đồng cạnh tranh, Viện trưởng các Viện thuộc Bộ, Hiệu trưởng các Trường thuộc Bộ, Tổng biên tập các Báo, Tạp chí thuộc Bộ, Giám đốc Trung tâm, Nhà xuất bản.

3. “Phó Thủ trưởng đơn vị” là Phó Vụ trưởng, Phó Cục trưởng, Phó Tổng cục trưởng, Phó Chánh Văn phòng Bộ, Phó Chánh Thanh tra Bộ, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo, Phó Chánh Văn phòng Hội đồng cạnh tranh, Phó Viện trưởng các Viện thuộc Bộ, Phó Hiệu trưởng các Trường thuộc Bộ, Phó Tổng biên tập các Báo, Phó Tạp chí thuộc Bộ, Phó Giám đốc Trung tâm, Nhà xuất bản.

4. “Lãnh đạo đơn vị” là Thủ trưởng đơn vị và Phó Thủ trưởng đơn vị.

5. “Các đơn vị thuộc Bộ” bao gồm: Vụ, Cục, Tổng cục, Văn phòng, Thanh tra Bộ, Văn phòng Ban cán sự đảng Bộ; Văn phòng Hội đồng cạnh tranh; Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế; Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực; Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về các dự án trọng điểm về dầu khí và đơn vị khác được quy định tại văn bản do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành.

6. “Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ” bao gồm các: Viện, Trường, Trung tâm và Báo Công Thương, Tạp chí Công Thương, Nhà xuất bản Công Thương.

[...]