QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC ĐÀO TẠO TỈNH HƯNG YÊN GIAI ĐOẠN 2006
- 2010, MỘT SỐ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2015
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
Căn cứ
Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ
Luật Giáo dục ngày 14/6/2005;
Căn cứ
Quyết định số 201/2001/QĐ-TTg ngày 28/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc
phê duyệt “Chiến lược phát triển giáo dục 2001-2010”;
Căn cứ
Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 17/7/2006 Hội nghị lần thứ ba Ban chấp hành Đảng bộ
tỉnh khoá XVI Về chương trình phát triển giáo dục - đào tạo giai đoạn 2006 -
2010, một số định hướng đến năm 2015;
Theo đề
nghị của sở Giáo dục Đào tạo tại Tờ trình số 601/GD&ĐT-KHTC ngày 28 tháng 4
năm 2008,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án thực hiện Chương trình phát
triển giáo dục đào tạo tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2006 - 2010, một số định hướng đến
năm 2015 với các nội dung chủ yếu sau đây:
1. Mục
tiêu:
- Đến năm 2010, thu hút 50 -
55% số cháu vào nhà trẻ (năm 2015: 70 - 80%), 90% số cháu vào mẫu giáo (năm
2015: 95%), 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1; 100% học sinh tiểu học vào lớp 6, trên
80% học sinh THCS vào lớp 10 (các loại hình); 15% học sinh tốt nghiệp THCS được
học nghề, trên 25% học sinh tốt nghiệp THPT vào Đại học, Cao đẳng so với học
sinh lớp 12 cùng năm và đạt trên 30% vào năm 2015.
- Thực hiện chuẩn hoá 80% giáo
viên mầm non, 100% giáo viên phổ thông trong đó có trên 20% giáo viên mầm non,
60% giáo viên tiểu học và THCS, 15% giáo viên THPT, 50% cán bộ quản lý giáo dục
trên chuẩn vào năm 2010; đến năm 2015, thực hiện chuẩn hoá 100% giáo viên mầm
non, 100% giáo viên phổ thông, trong đó 30% giáo viên mầm non, 70% giáo viên tiểu
học, THCS, 20% giáo viên THPT, 100% cán bộ quản lý giáo dục trên chuẩn.
- Có 100% phòng học phổ thông
kiên cố cao tầng vào năm 2010; 100% phòng học mầm non kiên cố vào năm 2012.
- Xây dựng trên 25% trường mầm
non, trên 90% trường tiểu học, trên 50% trường THCS và trên 50% trường THPT đạt
chuẩn quốc gia. Đến năm 2015, trên 50% trường mầm non, 100% trường tiểu học,
trên 80% trường THCS, trên 70% trường THPT đạt chuẩn quốc gia.
- Toàn tỉnh hoàn thành phổ cập
bậc trung học vào trước năm 2015.
- Tăng tỷ lệ đào tạo công nhân
có trình độ trung cấp, tỷ lệ người lao động qua đào tạo đạt trên 40% vào năm
2010.
- Tập trung triển khai Đề án
xây dựng khu đại học Phố Hiến. Phát triển trường chuyên nghiệp và dậy nghề.
Nâng cấp trường Trung học Kinh tế Kỹ thuật Tô Hiệu, Trung học Y tế, Trường
Trung cấp Việt Hàn thành trường Cao đẳng. Nâng cấp trường Cao đẳng Sư phạm
thành trường Đại học đa ngành, đa hệ trước năm 2020.
2. Các giải
pháp chủ yếu:
2.1. Tăng cường sự lãnh đạo,
chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các cấp, các ngành:
Các cấp, các ngành tăng cường sự
lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư gắn với kiểm tra việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu
phát triển giáo dục và đào tạo. Tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành,
các tổ chức kinh tế xã hội trong việc thực hiện mục tiêu phát triển sự nghiệp
giáo dục và đào tạo.
Chú trọng giáo dục chính trị tư
tưởng, đạo đức, lối sống; đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên, xây dựng củng
cố tổ chức Đảng, đoàn thể trong các nhà trường. Thực hiện tốt quy chế dân chủ
trong các cơ quan quản lý giáo dục, các trường học.
Đổi mới cơ chế quản lý giáo dục
theo hướng phân cấp và tăng quyền chủ động của các cơ sở giáo dục và đào tạo.
2.2. Quy hoạch, mở rộng mạng
lưới trường học, tăng quy mô đào tạo trên địa bàn:
Rà soát, điều chỉnh, bổ sung
quy hoạch phát triển mạng lưới các trường học, bậc học đáp ứng nhu cầu đào tạo
nguồn nhân lực cho sự nghiệp CNH - HĐH. Phát triển giáo dục cân đối về quy mô
loại hình, chuyển dần sang xây dựng mô hình giáo dục mở. Quy hoạch mạng lưới
các trường đào tạo trên địa bàn. Ưu tiên, khuyến khích thành lập các trường
trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề ngoài công lập để đào tạo tại chỗ, tạo
cơ hội cho học sinh THPT và sau tốt nghiệp THPT được học nghề, đáp ứng nhu cầu
lao động của các doanh nghiệp, khu công nghiệp, làng nghề và xuất khẩu lao động.
Đào tạo nghề theo hướng tiếp cận
với công nghệ hiện đại; đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ có trình độ chuyên môn,
kỹ thuật cao và tác phong công nghiệp, am hiểu pháp luật và thông lệ quốc tế.
Khuyến khích, tạo điều kiện thuận
lợi thành lập các trường THPT ngoài công lập ở các huyện Văn Lâm, Văn Giang;
các trường cần xây dựng CSVC theo quy định đảm bảo trường đạt chuẩn quốc gia.
Đa dạng hoá các loại hình đào tạo đi đôi với tăng cường quản lý, nâng cao chất
lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống giáo dục đào tạo.
Tập trung xúc tiến xây dựng và
triển khai dự án khu đại học Phố Hiến đảm bảo yêu cầu hiện đại, phát triển lâu
dài.
2.3. Phát triển đội ngũ
nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới sự nghiệp giáo dục
và đào tạo:
Xây dựng củng cố, tăng cường
đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đảm bảo cơ cấu, số lượng
và chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục theo hướng chuẩn hoá, hiện đại
hoá, xã hội hoá. Ưu tiên tuyển dụng các giáo viên trên chuẩn đào tạo của bậc học.
Có kế hoạch bồi dưỡng, sử dụng hợp lý giáo viên chưa đạt chuẩn, giáo viên dạy
trái cấp, trái môn đào tạo. Đảm bảo chỉ tiêu đào tạo, không để thiếu giáo viên
âm nhạc, mỹ thuật, thể thao, công nghệ, thư viện, thiết bị, y tế học đường; Sở
Giáo dục và Đào tạo, Trường Cao đẳng sư phạm, các đơn vị được giao thực hiện tốt
việc bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý về chính trị,
tư tưởng, đạo đức lối sống và năng lực chuyên môn nghiệp vụ. Định kỳ phân loại
chất lượng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Khắc phục tình trạng giáo
viên và cán bộ quản lý không đạt chuẩn hoặc yếu kém về phẩm chất, trình độ
phương pháp giảng dạy, quản lý.
Đẩy mạnh thực hiện đổi mới
phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh.
Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực
tiễn, nhà trường gắn với gia đình và xã hội. Chủ động phát hiện, tuyển chọn và
bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp. Thực hiện tốt nhiệm vụ đổi mới chương trình
giáo dục phổ thông. Thực hiện tốt quy chế thi, tuyển sinh.
2.4. Đẩy mạnh xã hội hoá,
tăng cường nguồn lực đầu tư cho phát triển sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo:
Tiếp tục dành ưu tiên ngân sách
nhà nước để đầu tư phát triển giáo dục đào tạo, đồng thời tích cực khai thác sử
dụng có hiệu quả các nguồn lực và tạo động lực để phát triển sự nghiệp giáo dục
và đào tạo. Tổ chức chỉ đạo thực hiện tốt Đề án kiên cố hóa trường, lớp học
giai đoạn 2008 - 2012 gắn với việc quy hoạch và chuẩn hóa trường, lớp học theo
quy định để đạt trường chuẩn quốc gia; có cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến
khích các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển giáo dục và đào tạo.
Tiếp tục xây dựng môi trường
giáo dục lành mạnh, giáo dục nhà trường phải phối hợp chặt chẽ với gia đình và
các tổ chức đoàn thể, xã hội. Quan tâm chăm sóc, tạo điều kiện cho trẻ em có
hoàn cảnh đặc biệt, thiệt thòi được đến trường và hoà nhập cộng đồng.
Phát triển các tổ chức khuyến học
từ tỉnh đến cơ sở, trường học, dòng họ... với nhiều hình thức đa dạng, phong
phú. Kịp thời động viên, khuyến khích các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt vượt
khó học giỏi. Phát triển các trung tâm ngoại ngữ, tin học, văn hoá, tại các đơn
vị, tổ chức để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho người lao động. Mở rộng
các hình thức gắn với nâng cao chất lượng đào tạo vừa học, vừa làm, đào tạo từ
xa, ngắn hạn; đào tạo liên thông, liên kết. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các
Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm học tập cộng đồng, đẩy mạnh xây dựng
xã hội học tập.
Củng cố thành quả phổ cập giáo
dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở; hoàn thành phổ cập giáo dục
trung học vào trước năm 2015.
Thực hiện đúng, đủ các chỉ tiêu
về tỷ lệ huy động trẻ em vào nhà trẻ, mẫu giáo, học sinh nhập học đầu các bậc học,
học sinh chuyển cấp; có giải pháp hữu hiệu khắc phục tình trạng học sinh lưu
ban, bỏ học, ngồi nhầm lớp.
Đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc
gia, nhất là ở bậc trung học theo đúng tiêu chuẩn quy định. Thành lập mới trường
THPT, trường THCN, trường nghề để thực hiện phân luồng học sinh theo quy định.
Tập trung xây dựng phòng học đồng bộ, từng bước hiện đại hoá ở các cấp học, bậc
học. Phấn đấu đến năm 2012, 100% trường phổ thông có thư viện, phòng đọc, nhà
hiệu bộ, phòng học bộ môn; mỗi huyện thị có 1 nhà tập đa năng theo tiêu chuẩn
Việt Nam. Triển khai Đề án dạy ngoại ngữ ở các trường phổ thông, nâng cao chất
lượng dạy ngoại ngữ ở các trường THPT, THCS. Triển khai ứng dụng công nghệ tin
học trong toàn ngành. Đến trước năm 2010, 100% các trường triển khai dạy tin học
theo quy định và kết nối Internet.
2.5. Tăng cường quản lý
nhà nước về giáo dục - đào tạo:
Tăng cường công tác quản lý Nhà
nước và chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ; kịp thời ngăn chặn các biểu hiện thiếu
kỷ cương nề nếp, tuỳ tiện; loại trừ các biểu hiện tiêu cực trong thi cử, đánh
giá, xếp loại, dạy thêm, học thêm tràn lan, chú trọng phòng chống các tai tệ nạn
xã hội xâm nhập học đường.
Thực hiện đúng quy định của nhà
nước về phân cấp quản lý, tăng quyền chủ động cho các cơ sở giáo dục đi đôi với
thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo trên địa bàn.
Coi trọng công tác quản lý các
trường ngoài công lập, các trung tâm giáo dục thường xuyên trong việc chăm lo
các điều kiện để nâng cao chất lượng hiệu quả giáo dục, thực hiện đúng các quy định hiện hành về quy chế và tổ chức hoạt động
các trường ngoài công lập của các đơn vị giáo dục về lĩnh vực đào tạo và hoạt động
tài chính.
Tăng cường công tác thanh tra,
kiểm tra, đánh giá, xếp loại, xử lý theo quy định; đảm bảo mỗi cơ sở giáo dục
được kiểm tra một năm một lần.
Điều 2. Tổ
chức thực hiện
1. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ
trì, phối hợp với các sở ngành liên quan có trách nhiệm:
a) Tổ chức quán triệt thực hiện
Nghị quyết 04/NQ-TU và quyết định này trong toàn ngành; tổ chức, theo dõi kiểm
tra, đánh giá và tổng hợp kết quả, định kỳ báo cáo UBND tỉnh và Bộ Giáo dục và
Đào tạo.
b) Tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ
đạo nhằm cụ thể hoá và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nội dung quyết định
này.
c) Đôn đốc và phối hợp với UBND
các huyện, thị xã kiểm tra các phòng giáo dục đào tạo, các đơn vị quản lý giáo
dục trực thuộc tỉnh thực hiện Đề án.
d) Tranh thủ sự giúp đỡ của Bộ
Giáo dục và Đào tạo, sự hợp tác của các cơ sở giáo dục, các cơ quan thuộc các bộ ngành trên địa
bàn.
2. Các Sở: Tài chính, Kế hoạch
và Đầu tư, Nội Vụ, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Lao động Thương binh và
Xã hội và các sở ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được
giao, chủ động phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu, đề xuất việc cụ thể
hoá Đề án; chú trọng tham mưu đảm bảo đủ nguồn lực, huy động các nguồn lực khác
triển khai thực hiện; đề xuất chế độ khuyến khích, hỗ trợ, đầu tư để phát triển
sự nghiệp giáo dục đào tạo trình UBND tỉnh xem xét quyết định.
3. UBND các huyện, thị xã có
trách nhiệm:
a) Tổ chức, quán triệt, phổ biến,
xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện Đề án phát triển giáo dục đào tạo tỉnh
Hưng Yên giai đoạn 2006 - 2010, một số định hướng đến năm 2015 đến các cơ sở
giáo dục đào tạo thuộc phân cấp quản lý, đến các trường, nhân dân và các cấp
chính quyền, các đoàn thể xã hội.
b) Chỉ đạo phòng giáo dục đào tạo,
các cơ sở giáo dục thuộc phân cấp quản lý triển khai có hiệu quả Đề án phát triển
giáo dục đào tạo tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2006 - 2010, một số định hướng đến năm
2015.
c) Tổng hợp báo cáo 6 tháng,
hàng năm và báo cáo khác theo quy định; tổng kết rút kinh nghiệm, kịp thời đề
xuất với tỉnh về chế độ chính sách để thực hiện tốt Đề án này.
4. Các cơ sở giáo dục đào tạo
có trách nhiệm:
a) Tổ chức nghiên cứu, quán triệt,
triển khai thực hiện Đề án theo nhiệm vụ cụ thể của nhà trường.
b) Chủ động, tích cực đổi mới
công tác quản lý giáo dục, thực hiện tốt các quy định về đánh giá giáo viên, học
sinh; vận động giáo viên tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ,
đổi mới phương pháp dạy học, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “hai không”
trong ngành giáo dục với các nội dung cụ thể từng năm học; xây dựng trường
thành trường học thân thiện.
c) Chăm lo các điều kiện về cơ
sở vật chất, phát triển đội ngũ nhà giáo, đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục
nhằm thực hiện tốt các mục tiêu nhiệm vụ của nhà trường giai đoạn 2006 - 2010,
một số định hướng đến năm 2015.
Điều 3. Quyết định có hiệu
lực kể từ ngày ký.
Điều 4. Ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở,
ngành: Giáo dục - Đào tạo, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và
Môi trường, Xây dựng, Lao động Thương binh và Xã hội, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Chủ
tịch UBND các huyện, thị xã; Chủ tịch hội đồng trường và Hiệu trưởng các trường,
Giám đốc các trung tâm trên địa bàn tỉnh và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu
trách nhiệm thi hành quyết định này./.