Quyết định 1610/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân tỉnh Bình Phước giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020

Số hiệu 1610/QĐ-UBND
Ngày ban hành 09/07/2010
Ngày có hiệu lực 09/07/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Phước
Người ký Giang Văn Khoa
Lĩnh vực Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1610/QĐ-UBND

Đồng Xoài, ngày 09 tháng 07 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN SỰ NGHIỆP CHĂM SÓC VÀ BẢO VỆ SỨC KHỎE NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC GIAI ĐOẠN 2010-2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/11/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định số 194/2006/QĐ-TTg ngày 24/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Phước thời kỳ 2006-2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số 79/TT-SYT ngày 18/6/2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân tỉnh Bình Phước giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020 (có quy hoạch kèm theo), với các nội dung chính như sau:

I. Quan điểm quy hoạch:

Phát triển sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020 nhằm hoàn thiện hệ thống cơ sở y tế phục vụ nhiệm vụ nâng cao sức khỏe, tăng tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của nhân dân tỉnh Bình Phước, với những quan điểm chỉ đạo sau:

1. Đổi mới và hoàn thiện hệ thống y tế theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển; phát triển bảo hiểm y tế toàn dân theo tinh thần Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23/02/2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;

2. Thực hiện tốt 5 quan điểm trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân đến năm 2000 và 2020 theo Nghị quyết số 37/CP ngày 20/6/1996 của Chính phủ, như sau:

- Đầu tư cho sức khỏe để mọi người đều được chăm sóc sức khỏe chính là đầu tư cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân và mỗi gia đình;

- Bản chất nhân đạo và định hướng xã hội chủ nghĩa của hoạt động y tế đòi hỏi sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe;

- Dự phòng tích cực và chủ động;

- Kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền dân tộc;

- Xã hội hóa sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Đồng thời xác định các mục tiêu phát triển sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân đến năm 2020, xác định tuổi thọ trung bình 75 tuổi (năm 2015 là 71 tuổi). Tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi còn 15-18‰ (năm 2015 là 25‰). Tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi còn 20‰ (năm 2015 khoảng 32‰). Tỷ lệ trẻ em mới đẻ có trọng lượng dưới 2500g giảm còn 5% (năm 2015 là 6%). Tỷ lệ trẻ em <5 tuổi suy dinh dưỡng còn 15%. Làm giảm hẳn tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ chết của các bệnh truyền nhiễm. Nâng cao chất lượng và hiệu quả chăm sóc sức khỏe, thực hiện công bằng trong chăm sóc sức khỏe. Củng cố và phát triển hệ thống y tế quốc gia theo hướng hiện đại.

3. Mọi người được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, có điều kiện tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng, được sống trong cộng đồng an toàn, phát triển tốt về thể chất và tinh thần theo quy định tại Quyết định số 35/2001/QĐ-TTg ngày 19/3/2001 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân giai đoạn 2001-2015.

4. Quy hoạch tổng thể phát triển sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân tỉnh Bình Phước phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển về kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam theo Quyết định số 146/2004/QĐ-TTg ngày 13/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ về phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, tỉnh Bình Phước cùng một số tỉnh khác sẽ phát triển trên vành đai kinh tế - đô thị lớn bao quanh Tp. Hồ Chí Minh. Căn cứ quy hoạch của ngành Y tế đối với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm, tỉnh Bình Phước cần phát triển các chuyên khoa phổ cập, các bệnh viện đa khoa, một số chuyên khoa làm vành đai vệ tinh cho các trung tâm, các bệnh viện chuyên khoa sâu, kỹ thuật cao của Tp. Hồ Chí Minh. Đến năm 2015, Bình Phước có trên 2060 giường bệnh (20-22 giường bệnh/10.000 dân, trong đó có 2 giường ngoài công lập) và năm 2020, có trên 3.150 giường bệnh (22-25 giường bệnh/10.000 dân, trong đó có 5 giường ngoài công lập). Về hệ y tế dự phòng, tỉnh cần đầu tư phát triển chuyên ngành để đảm nhiệm chức năng nhiệm vụ y tế dự phòng hiện nay và cho sự phát triển trong tương lai của tỉnh. Tiếp tục đầu tư phát triển y tế cơ sở, thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu một cách hiệu quả.

5. Phù hợp Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Phước thời kỳ 2006-2020, xác định mục tiêu sự nghiệp chăm sóc sức khỏe của tỉnh Bình Phước là đến năm 2015: 100% số xã có bác sĩ. Năm 2010, có trên 7 bác sĩ/10.000 dân, trên 18 giường bệnh/10.000 dân, năm 2015: có 10 bác sĩ/10.000 dân, 22 giường bệnh/10.000 dân và năm 2020: Có 15 bác sĩ /10.000 dân, 25 giường bệnh/10.000 dân. Năm 2015, trẻ suy dinh dưỡng (cân nặng theo tuổi) còn 20%, năm 2015 còn 15% và năm 2020 còn dưới 10%. Tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh còn 1‰ vào năm 2015. Năm 2015, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đến là 1,42%, năm 2015 là 1,3% và năm 2020 là 1,2%.

6. Quy hoạch phản ảnh được những đòi hỏi của thực tiễn trên cơ sở đánh giá thực trạng mạng lưới tổ chức, các hoạt động y tế và tình hình bệnh tật của người dân tỉnh Bình Phước giai đoạn 1999 - 2009, các dự báo phát triển kinh tế - xã hội, và xu hướng bệnh tật ở tỉnh Bình Phước giai đoạn từ nay đến năm 2020.

II. Nội dung quy hoạch

1. Mục tiêu tổng quát

Làm giảm tỷ lệ mắc và chết các bệnh nhiễm trùng, bệnh dịch, thanh toán hoặc khống chế đến mức thấp nhất đối với các bệnh có vắc xin phòng ngừa. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh đi đôi với nâng cao tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ người bệnh. Chủ động phòng, chống các bệnh không lây, các vấn đề sức khỏe có xu hướng tăng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, bảo vệ sức khỏe trẻ em, thanh thiếu niên, người dân tộc thiểu số, người lao động và các chương trình y tế mục tiêu. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác y tế, nâng cao sức khỏe cho mọi đối tượng, tăng tuổi thọ trung bình và chất lượng cuộc sống cho người dân.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Thời kỳ đến năm 2015

[...]