ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1607/QĐ-UBND
|
Bình Dương, ngày
03 tháng 6 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC CÔNG BỐ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH NỘI BỘ TRONG HỆ THỐNG HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC THUỘC
PHẠM VI CHỨC NĂNG QUẢN LÝ CỦA SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH BÌNH DƯƠNG
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính
phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 15 tháng 9
năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch rà soát, đơn giản
hóa thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn
2022-2025;
Căn cứ Quyết định số 856/QĐ-BKHCN ngày 10 tháng
5 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc công bố thủ tục hành
chính nội bộ mới ban hành, thủ tục hành chính nội bộ bị bãi bỏ trong hệ thống
hành chính nhà nước thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công
nghệ tại Tờ trình số 30/TTr-SKHCN ngày 17 tháng 5 năm 2024.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Công bố kèm theo
Quyết định này 01 thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước
thuộc phạm vi chức năng của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương.
(Chi tiết tại: Phần I - Danh mục TTHC; Phần II -
Nội dung cụ thể của TTHC)
Điều 2. Quyết định này có
hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy
ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; Thủ trưởng các Sở, ban,
ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân
các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (Cục KSTTHC);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- LĐVP, HCC, Website;
- Lưu: VT, Thắm.
|
CHỦ TỊCH
Võ Văn Minh
|
PHẦN
I
DANH MỤC THỦ TỤC HÀNH CHÍNH NỘI BỘ TRONG HỆ THỐNG HÀNH
CHÍNH NHÀ NƯỚC THUỘC PHẠM VI CHỨC NĂNG QUẢN LÝ CỦA SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH
BÌNH DƯƠNG
(Ban hành Kèm
theo Quyết định số: 1607/QĐ-UBND ngày 03 tháng 6 năm 2024 của Chủ tịch Ủy ban
nhân dân tỉnh Bình Dương)
DANH MỤC THỦ TỤC
HÀNH CHÍNH
STT
|
Tên thủ tục
hành chính
|
Lĩnh vực
|
Cơ quan thực hiện
|
Trang
|
01
|
Thủ tục thực hiện giám định chất lượng và giá trị
máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ trong dự án đầu tư
|
Hoạt động khoa học
và công nghệ
|
Sở Khoa học và
Công nghệ
|
|
PHẦN
II
NỘI DUNG CỤ THỂ CỦA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
(Ban hành Kèm
theo Quyết định số: 1607/QĐ-UBND ngày 03 tháng 6 năm 2024 của Chủ tịch Ủy ban
nhân dân tỉnh Bình Dương)
1. Thủ tục thực hiện giám định
chất lượng và giá trị máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ trong dự án đầu
tư
a) Trình tự thực hiện:
- Cơ quan yêu cầu giám định (là cơ quan quản lý nhà
nước về đầu tư hoặc cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN) gửi văn bản yêu cầu
tổ chức việc giám định theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục của Quyết định số
33/2023/QĐ-TTg, kèm theo các tài liệu cung cấp thông tin về dấu hiệu vi phạm
trong dự án đầu tư không thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc
hội, Thủ tướng Chính phủ đến cơ quan chuyên môn về KH&CN thuộc Ủy ban nhân
dân cấp tỉnh (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh) nơi thực hiện dự án đầu tư.
Trường hợp Sở Khoa học và Công nghệ đồng thời là cơ
quan yêu cầu giám định thì bỏ qua bước yêu cầu tổ chức việc giám định.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận được
văn bản yêu cầu tổ chức việc giám định, Sở Khoa học và Công nghệ xem xét các
căn cứ để thực hiện giám định và sự cần thiết của việc tổ chức giám định.
Trường hợp không đủ căn cứ để thực hiện giám định
hoặc không cần thiết tổ chức việc giám định, Sở Sở Khoa học và Công nghệ ban
hành văn bản gửi cơ quan yêu cầu giám định, nêu rõ lý do không tổ chức việc
giám định.
Trường hợp có đủ căn cứ và cần thiết phải tổ chức
việc giám định, Sở Khoa học và Công nghệ ban hành văn bản (theo Mẫu số 02 quy định
tại Phụ lục của Quyết định số 33/2023/QĐ-TTg) gửi nhà đầu tư đề nghị báo cáo và
cung cấp các hồ sơ, tài liệu liên quan đến chất lượng và giá trị máy móc, thiết
bị, dây chuyền công nghệ của dự án.
- Trong thời hạn 15 ngày, kể từ khi nhận được văn bản
đề nghị của Sở Khoa học và Công nghệ, nhà đầu tư cung cấp 01 bản báo cáo kèm
theo bản sao có chứng thực (hoặc có xác nhận sao y bản chính của nhà đầu tư)
các hồ sơ, tài liệu liên quan đến chất lượng và giá trị máy móc, thiết bị, dây
chuyền công nghệ trong dự án đầu tư cho Sở Khoa học và Công nghệ.
- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ khi nhận được báo
cáo và các hồ sơ, tài liệu của nhà đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ quyết định
thành lập Hội đồng tư vấn KH&CN và tổ chức họp Hội đồng để xem xét, cho ý
kiến về chất lượng và giá trị của máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ trong
dự án đầu tư.
Trường hợp phiên họp Hội đồng chưa đủ căn cứ để cho
ý kiến về chất lượng và giá trị của máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ hoặc
có nhiều ý kiến không thống nhất, Hội đồng xem xét, tư vấn thực hiện giám định
thông qua tổ chức giám định được chỉ định và các nội dung cần giám định.
- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ khi nhận được kiến
nghị của Hội đồng về việc thực hiện giám định thông qua tổ chức giám định được
chỉ định, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức lựa chọn, ban hành văn bản đề nghị
giám định và cấp chứng thư giám định (theo Mẫu số 03 quy định tại Phụ lục của
Quyết định số 33/2023/QĐ-TTg), tiến hành thỏa thuận, ký hợp đồng giám định với
tổ chức giám định được chỉ định. Nội dung, thời gian và kinh phí thực hiện giám
định quy định tại Hợp đồng giám định.
Trường hợp phải đấu thầu lựa chọn tổ chức giám định,
Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức đấu thầu, thời gian và trình tự, thủ tục thực
hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
- Trong thời hạn 15 ngày, kể từ khi nhận được chứng
thư giám định do tổ chức giám định được chỉ định cấp, Sở Khoa học và Công nghệ
tổ chức họp Hội đồng tư vấn KH&CN lần thứ hai, cho ý kiến về chất lượng và
giá trị của máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ trong dự án đầu tư.
- Trong thời hạn 15 ngày, kể từ khi nhận được ý kiến
của Hội đồng tư vấn KH&CN về chất lượng và giá trị máy móc, thiết bị, dây
chuyền công nghệ trong dự án đầu tư, Sở KH&CN xem xét các nội dung kiến nghị
của Hội đồng để kết luận về chất lượng và giá trị máy móc, thiết bị, dây chuyền
công nghệ trong dự án đầu tư, gửi cơ quan yêu cầu giám định và các cơ quan, đơn
vị có liên quan để thực hiện theo quy định của pháp luật.
Trường hợp cần thiết, Sở Khoa học và Công nghệ lấy
thêm ý kiến của chuyên gia độc lập để xem xét, kết luận.
b) Cách thức thực hiện: Cơ quan yêu cầu
giám định gửi hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Sở Khoa học và Công
nghệ tỉnh - Tầng 11, Tháp A, Trung tâm hành chính tỉnh, phường Hòa Phú, thành
phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương; hoặc gửi hồ sơ trực tuyến (thực hiện sau khi
có hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ).
c) Thành phần, số lượng hồ sơ:
Thành phần hồ sơ: Văn bản yêu cầu tổ chức việc giám
định kèm theo các tài liệu cung cấp thông tin về dấu hiệu vi phạm trong dự án đầu
tư.
Số lượng hồ sơ: 01 bộ hồ sơ.
d) Thời hạn giải quyết:
- Trường hợp không thông qua tổ chức giám định được
chỉ định: 65 ngày;
- Trường hợp phải thực hiện giám định thông qua tổ
chức giám định được chỉ định: 110 ngày;
- Trường hợp phải đấu thầu lựa chọn tổ chức giám định
được chỉ định, thời gian có thể kéo dài thêm. Thời gian thực hiện đấu thầu theo
quy định của pháp luật về đấu thầu.
đ) Đối tượng thực hiện TTHC:
Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư hoặc cơ quan quản
lý nhà nước về KH&CN.
e) Cơ quan giải quyết TTHC: Sở Khoa học
và Công nghệ.
g) Kết quả thực hiện TTHC:
Văn bản kết luận về chất lượng và giá trị máy móc,
thiết bị dây chuyền công nghệ trong dự án đầu tư.
h) Lệ phí: Không
i) Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai: Văn bản yêu
cầu tổ chức việc giám định (Mẫu số 01 Phụ lục của Quyết định số
33/2023/QĐ-TTg)
k) Yêu cầu, điều kiện thực hiện TTHC:
Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, cơ quan quản lý
nhà nước về KH&CN có căn cứ xác định nhà đầu tư có dấu hiệu vi phạm về ứng
dụng, chuyển giao công nghệ trong quá trình thực hiện dự án đầu tư theo quy định
của pháp luật về chuyển giao công nghệ.
l) Căn cứ pháp lý của TTHC:
Luật Đầu tư năm 2020;
Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính
phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;
Quyết định số 33/2023/QĐ-TTg ngày 19/12/2023 của Thủ
tướng Chính phủ quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện giám định chất lượng
và giá trị máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ trong dự án đầu tư.
Mẫu
số 01.
(Quyết định số 33/2023/QĐ-TTg)
Kính gửi: Cơ
quan có thẩm quyền[2]
Căn cứ Quyết định số ..../2023/QĐ-TTg ngày ...tháng
...năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục thực
hiện giám định chất lượng và giá trị máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ
trong dự án đầu tư;
Ngày...tháng...năm ……, …………(cơ quan yêu cầu giám định)
có căn cứ xác định Nhà đầu tư…………………… có dấu hiệu vi phạm về ứng dụng, chuyển
giao công nghệ trong quá trình thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật
về chuyển giao công nghệ, cụ thể như sau:
1. Thông tin về dự án (tên dự án; tên nhà đầu tư; địa
điểm thực hiện dự án; lĩnh vực đầu tư; quy mô của dự án):
……………………………………………………………………………………
2. Cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của
dự án: …………………………
3. Tài liệu cung cấp thông tin về dấu hiệu vi phạm:
- Lừa dối, giả tạo trong việc lập Hồ sơ dự án đầu
tư: …………………………………………
- Lừa dối, giả tạo trong việc lập Hợp đồng chuyển
giao công nghệ: …………………………
- Triển khai thực hiện dự án đầu tư không đúng với
hồ sơ đã đăng ký: ……………………
- Triển khai hợp đồng chuyển giao công nghệ không
đúng với hồ sơ đăng ký hoặc cấp phép: …………………………………………………………………………………………………………
………… (cơ quan yêu cầu giám định) đề nghị …………(cơ
quan có thẩm quyền) tổ chức việc giám định chất lượng và giá trị máy móc, thiết
bị, dây chuyền công nghệ trong dự án nêu trên và gửi kết quả giám định đến
……………… (cơ quan yêu cầu giám định) sau khi hoàn thành việc giám định.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu: …………
|
THỦ TRƯỞNG CƠ
QUAN YÊU CẦU
GIÁM ĐỊNH
(Ký tên, đóng dấu)
|
[1] Cơ quan yêu cầu
giám định là cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư hoặc cơ quan quản lý nhà nước về
KH&CN.
[2] Cơ quan có thẩm
quyền là Bộ KH&CN đối với dự án có dấu hiệu vi phạm thuộc thẩm quyền chấp
thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ; hoặc là cơ quan
chuyên môn về KH&CN thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi thực hiện dự án đối
với dự án có dấu hiệu vi phạm không thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu
tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ.