Quyết định 1607/QĐ-UBND năm 2023 về Kế hoạch sản xuất cây trồng chủ lực và tiềm năng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long

Số hiệu 1607/QĐ-UBND
Ngày ban hành 10/07/2023
Ngày có hiệu lực 10/07/2023
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Long
Người ký Nguyễn Văn Liệt
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1607/QĐ-UBND

Vĩnh Long, ngày 10 tháng 7 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH SẢN XUẤT CÂY TRỒNG CHỦ LỰC VÀ TIỀM NĂNG ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Quyết định số 4085/QĐ-BNN-TT ngày 27/10/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt đề án phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 01/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2030;

Căn cứ Quyết định số 1316/QĐ-UBND ngày 02/6/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Quyết định số 1314/QĐ-UBND ngày 03/6/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành kế hoạch triển khai đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long nhằm phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh đề ra giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 135/TTr- SNN&PTNT ngày 21/6/2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Kế hoạch sản xuất cây trồng chủ lực và tiềm năng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long”.

Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch sản xuất cây trồng chủ lực và tiềm năng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long; Tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả phát triển sản phẩm cây trồng chủ lực và tiềm năng của tỉnh theo quy định.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Nông nghiệp & PTNT;
- TT.TU, TT. HĐND tỉnh;
- CT, các PCT.UBND tỉnh;
- LĐVP. UBND tỉnh;
- Phòng KT-NV;
- Lưu: VT.4.01.05.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Liệt

 

KẾ HOẠCH

SẢN XUẤT CÂY TRỒNG CHỦ LỰC VÀ TIỀM NĂNG ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG
(Kèm theo Quyết định số 1607/QĐ-UBND ngày 10 tháng 7 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long)

Căn cứ Quyết định số 4085/QĐ-BNN-TT ngày 27/10/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt đề án phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 01/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2030;

Căn cứ Quyết định số 1316/QĐ-UBND ngày 02/6/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Quyết định số 1314/QĐ-UBND ngày 03/6/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long về việc ban hành kế hoạch triển khai đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long nhằm phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh đề ra giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nhằm định hướng và đề ra giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất cây trồng chủ lực và tiềm năng trên địa bàn tỉnh với quy mô lớn và tập trung, chất lượng cao theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại và thích ứng với biến đổi khí hậu, liên kết trong sản xuất-chế biến-tiêu thụ, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, tăng giá trị xuất khẩu, thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch sản xuất cây trồng chủ lực và tiềm năng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, với các nội dung như sau:

I. KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH

Mục tiêu của kế hoạch thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2025 xác định đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả, hướng đến phát triển bền vững. Phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, chất lượng và hiệu quả, giá trị gia tăng cao, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, tập trung đẩy mạnh phát triển các sản phẩm đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm, thực hành nông nghiệp tốt đối với cây ăn trái, đồng thời phát triển sản xuất kết hợp du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp. Trọng tâm nhất, thực hiện đẩy mạnh các hoạt động tổ chức sản xuất, sơ chế, chế biến, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường; xây dựng chương trình hỗ trợ, phát triển nhóm sản phẩm nông sản chủ lực và tiềm năng của tỉnh theo Quyết định số 527/QĐ- UBND ngày 06/3/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Vĩnh Long. Đồng thời, nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 01/12/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2030, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 45/2022/NQ-HĐND ngày 14/12/2022 ban hành quy định chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Nghị quyết đã quy định chính sách hỗ trợ về ứng dụng công nghệ cao lĩnh vực trồng trọt và sử dụng phân hữu cơ đối với cơ sở có sản xuất các nông sản trồng trọt chủ lực và tiềm năng của tỉnh như: lúa, khoai lang, bưởi Năm Roi, bưởi Da Xanh, cam Sành; nhãn, xoài, sầu riêng, chôm chôm, thanh long, dừa, mít; rau củ quả thực phẩm.

Cho đến nay, diện tích cây trồng chủ lực và tiềm năng của tỉnh đạt trên 180.000 ha. Trong đó, diện tích gieo trồng lúa hàng năm chiếm cao nhất 112.393 ha, tiếp theo diện tích trồng cây cam Sành: 17.734 ha (tập trung tại các huyện Trà Ôn, Tam Bình và Vũng Liêm) và bưởi: 8.971 ha (đặc biệt là bưởi Năm Roi trồng tập trung tại thị xã Bình Minh, huyện Trà Ôn và huyện Tam Bình). Riêng đối với nhóm cây ăn quả chủ lực và tiềm năng (cam, bưởi, xoài, nhãn, chôm chôm, sầu riêng, mít, dừa) có diện tích gần 60.000 ha, với sản lượng trên 1,3 triệu tấn/năm. Các vùng sản xuất tập trung có tiềm năng từng bước hình thành với quy mô lớn, có thể nghiên cứu áp dụng những tiến bộ kỹ thuật cho năng suất, chất lượng cao phục vụ nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, hiện nay giá trị sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết, nhất là sản xuất tập trung tạo ra hàng hóa quy mô lớn; diện tích sử dụng giống chất lượng cao; diện tích sử dụng giống chất lượng cao; tỷ lệ diện tích cây trồng chủ lực và tiềm năng áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt hoặc tương đương tương đối thấp, chưa đáp ứng với mục tiêu đặt ra về thực hiện ”Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” của tỉnh Vĩnh Long.

Vì vậy, việc xác định mục tiêu và định hướng các nội dung cho kế hoạch đẩy mạnh sản xuất cây trồng chủ lực và tiềm năng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long là rất cần thiết nhằm góp phần xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững, có sức cạnh tranh cao; góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, ổn định kinh tế xã hội, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

[...]