Quyết định 1607/QĐ-BYT năm 2009 ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 29-CT/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW “Về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” của ngành Y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 1607/QĐ-BYT
Ngày ban hành 12/05/2009
Ngày có hiệu lực 12/05/2009
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Nguyễn Quốc Triệu
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường,Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 1607/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 12 tháng 05 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 29-CT/TW CỦA BAN BÍ THƯ VỀ VIỆC TIẾP TỤC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 41-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ (KHÓA IX) “VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG THỜI KỲ ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC” CỦA NGÀNH Y TẾ

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Nghị định số 188/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 21 tháng 01 năm 2009 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) “Về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) “Về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” của ngành Y tế.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ; Chánh Thanh tra Bộ; Vụ trưởng, Cục trưởng, Tổng Cục trưởng các Vụ, Cục, Tổng Cục; Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- UBND các tỉnh (để phối hợp chỉ đạo);
- Các Thứ trưởng (để phối hợp chỉ đạo);
- Các Ủy viên Ban cán sự Đảng Bộ Y tế;
- Đảng ủy cơ quan Bộ Y tế;
- Các Vụ, Cục, Văn phòng, Thanh tra Bộ Y tế;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế;
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Website Bộ Y tế;
- Lưu: VT, DPMT.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Quốc Triệu

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHỈ THỊ 29-CT/TW CỦA BAN BÍ THƯ VỀ VIỆC TIẾP TỤC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 41-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ (KHÓA IX) “VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG THỜI KỲ ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC” CỦA NGÀNH Y TẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1607/QĐ-BYT ngày 12 tháng 5 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Bảo vệ môi trường là yếu tố bảo đảm sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị quốc gia và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế. Ngày 15/11/2004, Bộ Chính trị (khóa IX) đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW “Về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Trong thời gian qua, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, ngành Y tế đã triển khai nhiều hoạt động tích cực để giải quyết những vấn đề bức xúc về môi trường liên quan tới sức khỏe tại cộng đồng, không ngừng đưa ra những giải pháp cải thiện tình trạng gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở y tế nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dân. Nhận thức của người dân về bảo vệ sức khỏe trước các tác động xấu của môi trường ngày càng được nâng cao. Các phong trào vệ sinh phòng bệnh đã được triển khai và là những mô hình tốt để nhân ra diện rộng. Nhiều dịch bệnh nguy hiểm liên quan đến môi trường đã được khống chế và đẩy lùi. Tình trạng gây ô nhiễm môi trường tại các cơ sở y tế dần được khắc phục, đặc biệt là các bệnh viện gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ. Công tác xã hội hóa nhằm huy động nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động quản lý chất thải y tế đã được ưu tiên thực hiện. Nhiều bệnh viện lớn của trung ương và địa phương đã đầu tư hệ thống xử lý chất thải phù hợp và thực hiện tốt công tác quản lý chất thải y tế. Nhiều cơ sở sản xuất thuốc đã đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP). Kết quả đạt được là, các yếu tố môi trường có hại cho sức khỏe đã từng bước được khắc phục, đặc biệt là những nơi bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Tuy vậy, trước sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, sự gia tăng dân số và tốc độ đô thị hóa nhanh, môi trường ngày càng bị ô nhiễm, việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường của ngành Y tế, đặc biệt là vấn đề quản lý và xử lý chất thải bệnh viện còn gặp không ít khó khăn, thách thức và đòi hỏi có thời gian để khắc phục. Đầu tư kinh phí, trang thiết bị, giải pháp về công nghệ cho các hoạt động bảo vệ môi trường chưa đáp ứng được so với nhu cầu; mạng lưới cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường ngành Y tế chưa được kiện toàn, năng lực cán bộ chưa đáp ứng được với yêu cầu nhiệm vụ được giao. Cơ chế chính sách về bảo vệ môi trường chưa hoàn chỉnh. Đối với vệ sinh môi trường nông thôn, theo báo cáo của các địa phương có 75% số dân số nông thôn được tiếp cận với nguồn nước hợp vệ sinh và 60% số hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh. Tuy vậy, theo điều tra đánh giá thực tế tỷ lệ còn thấp hơn nhiều. Tỷ lệ người dân rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh mới chỉ đạt 12%. Về môi trường lao động, hàng năm chỉ khoảng 3% doanh nghiệp được giám sát môi trường lao động, trong đó 18,5% số mẫu vượt tiêu chuẩn cho phép. Đối với quản lý chất thải y tế, theo kết quả điều tra của Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường (2006) thấy tỷ lệ bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải tuyến Trung ương là 71%; tuyến tỉnh là 46%; tuyến huyện là 30% và bệnh viện tư là 85%. Tính chung trên phạm vi cả nước; tỷ lệ bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải là 37%. Tỷ lệ bệnh viện có thực hiện phân loại chất thải rắn y tế là 95,6% và thu gom chất thải rắn y tế hàng ngày là 90,9%. Tuy nhiên chỉ có khoảng 50% các bệnh viện trên thực hiện phân loại, thu gom chất thải rắn y tế đạt yêu cầu theo Quy chế quản lý chất thải y tế. Tỷ lệ bệnh viện xử lý chất thải rắn y tế bằng lò đốt tại chỗ hoặc lò đốt tập trung là 73,3%.

Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng và để triển khai có hiệu quả các hoạt động bảo vệ môi trường của ngành Y tế trong thời gian tới, Bộ Y tế xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 21/01/2009 của Ban Bí thư Trung ương về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Triển khai có hiệu quả các yêu cầu và nhiệm vụ tại Chỉ thị số 29-CT/TW của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) “Về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” nhằm ngăn ngừa, hạn chế các tác động xấu đối với môi trường; khắc phục ô nhiễm môi trường, trước hết là ở những nơi đã bị ô nhiễm nghiêm trọng; giảm thiểu các tác động có hại tới sức khỏe người dân do ô nhiễm môi trường.

2. Mục tiêu cụ thể

- Đẩy mạnh các hoạt động của cộng đồng về bảo vệ môi trường, nhân rộng các phong trào vệ sinh phòng bệnh nhằm hạn chế, ngăn ngừa ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường tới sức khỏe, đặc biệt là các hoạt động liên quan tới việc sử dụng nguồn nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh, thực hành tốt hành vi vệ sinh cá nhân góp phần giảm tỷ lệ mắc và chết các bệnh, dịch do ô nhiễm môi trường gây nên.

- Tăng cường kiểm soát môi trường lao động nhằm hạn chế các yếu tố nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp.

- Khắc phục cơ bản tình trạng gây ô nhiễm môi trường từ các cơ sở y tế có nguy cơ gây ô nhiễm cao để góp phần bảo vệ sức khỏe của nhân viên y tế và cộng đồng dân cư.

3. Chỉ tiêu phấn đấu:

3.1. Các chỉ tiêu về sức khỏe môi trường

Phấn đấu đến năm 2015:

- 85% dân cư được tuyên truyền, sử dụng nước đạt tiêu chuẩn vệ sinh.

- 70% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh và thực hiện tốt vệ sinh cá nhân

[...]