Quyết định 1603/QĐ-UBND-HC năm 2021 phê duyệt Đề án "Phương pháp điều tra xã hội học về sự phục vụ hành chính của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030"

Số hiệu 1603/QĐ-UBND-HC
Ngày ban hành 21/10/2021
Ngày có hiệu lực 21/10/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Phạm Thiện Nghĩa
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1603/QĐ-UBND-HC

Đồng Tháp, ngày 21 tháng 10 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN "PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRA XÃ HỘI HỌC VỀ SỰ PHỤC VỤ HÀNH CHÍNH CỦA CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030"

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030;

Căn cứ Quyết định số 03/2021/QĐ-UBND ngày 08 tháng 01 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp về ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp;

Căn cứ Quyết định số 1389/QĐ-UBND-HC ngày 11 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Tỉnh về ban hành Kế hoạch cải cách hành chính tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2030;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án "Phương pháp điều tra xã hội học về sự phục vụ hành chính của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- BCĐ CCHC của Chính phủ (b/c);
- VPCP (I,II); Bộ Nội vụ;
- TT/TU; TT/HĐND Tỉnh;
- Các cơ quan, ban Đảng Tỉnh;
- Mặt trận Tổ quốc và các Đoàn thể Tỉnh;
- Các PCT/UBND Tỉnh;
- Lưu: VT, T (KSTTHC).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Phạm Thiện Nghĩa

 

ĐỀ ÁN

PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRA XÃ HỘI HỌC VỀ SỰ PHỤC VỤ HÀNH CHÍNH CỦA CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 1603/QĐ-UBND ngày 21/10/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp)

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH ĐỀ ÁN

Điều tra xã hội học là cách thu thập thông tin từ công chúng thông qua các phiếu hỏi, bảng hỏi giúp cho việc nhìn nhận, đánh giá về những vấn đề, sự kiện, diễn biến của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội; giúp hai bên đánh giá và được đánh giá hiểu rõ nhu cầu của nhau và tìm ra những biện pháp nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng phục vụ, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, địa phương.

Ở tỉnh Đồng Tháp, điều tra xã hội học đo lường sự hài lòng được tiến hành thông qua điều tra trực tiếp tại nhà người dân hoặc tại Bộ phận Một cửa các cấp và được thực hiện hằng năm từ năm 2014 đến nay. Trong quá trình triển khai điều tra đo lường sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự đánh giá tích cực và đồng tình từ người dân, doanh nghiệp khi được bày tỏ ý kiến của mình với các cơ quan cung ứng dịch vụ hành chính công. Công tác điều tra xã hội học đã đạt được những kết quả nhất định, người dân và doanh nghiệp đánh giá cao sự phục vụ của cơ quan hành chính của Tỉnh và đồng tình với việc điều tra xã hội học được tiến hành thường xuyên.

Tuy nhiên, việc điều tra xã hội học đo lường sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp với quy mô toàn tỉnh trong thời gian qua được thực hiện theo nhiều nội dung khác nhau nên chưa có sự kế thừa và thiếu cơ sở để so sánh giữa các năm. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan, địa phương tiến hành điều tra xã hội học trong phạm vi quản lý nhưng thiếu sự thống nhất về tiêu chí, phương thức điều tra; một số nơi vừa thực hiện giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân, doanh nghiệp vừa thực hiện điều tra nên thiếu tính độc lập, khách quan. Nguyên nhân là vì chưa có một hệ thống các công cụ đánh giá chuẩn mực và đồng bộ để theo dõi quá trình triển khai cũng như đánh giá kết quả đạt được về sự phục vụ của các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh một cách khoa học.

Ngoài ra, việc điều tra xã hội học đối với các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của chính sách công do Tỉnh ban hành hiện nay cũng chưa thực hiện rộng rãi với phương pháp thống nhất. Trong khi xã hội đang phát phát triển theo xu hướng dân chủ hóa, việc lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động của chính sách công ngày càng trở thành đòi hỏi chính đáng và cấp thiết. Bởi điều này bảo đảm cho chính sách được xây dựng với nội dung thiết thực và việc triển khai thực hiện trong thực tiễn thuận lợi, hiệu quả hơn.

Từ những thực tế nêu trên, việc ban hành Đề án "Phương pháp điều tra xã hội học về sự phục vụ hành chính của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030" là cần thiết nhằm đề ra phương pháp điều tra xã hội học thống nhất để đánh giá, tìm ra nguyên nhân, các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của cá nhân, tổ chức trên cả hai phương diện đó là: Điều tra xã hội học đo lường sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với việc cung ứng dịch vụ hành chính công của cơ quan hành chính nhà nước và điều tra xã hội học đối với các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của chính sách công do Tỉnh ban hành.

Từ đó, giúp các cơ quan hành chính nhà nước xác định được các giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng phục vụ hành chính công đối với cá nhân, tổ chức. Đồng thời, việc đánh giá các chính sách công sẽ tạo cơ sở vững chắc cho việc quản lý hành chính Nhà nước trong giai đoạn tiếp theo, hướng đến một Nhà nước thực sự của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

II. MỤC TIÊU, YÊU CẦU, PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG CỦA ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung

Đề án "Phương pháp điều tra xã hội học về sự phục vụ hành chính của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030" (sau đây gọi là Đề án) hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sự tham gia của các ngành, các cấp, người dân, doanh nghiệp đối với chất lượng phục vụ và cung ứng dịch vụ hành chính công của các cơ quan hành chính nhà nước; đồng thời, huy động cá nhân, tổ chức tham gia vào quá trình xây dựng, hoạch định, đánh giá kết quả thực hiện các chính sách công của Tỉnh.

[...]