Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 160/2008/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược tổng thể và chính sách bảo hộ sản xuất công nghiệp trong nước phù hợp các cam kết quốc tế, quy định của WTO giai đoạn đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 160/2008/QĐ-TTg
Ngày ban hành 04/12/2008
Ngày có hiệu lực 01/01/2009
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 160/2008/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 04 tháng 12 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC TỔNG THỂ VÀ CHÍNH SÁCH BẢO HỘ SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP TRONG NƯỚC PHÙ HỢP CÁC CAM KẾT QUỐC TẾ, QUY ĐỊNH CỦA WTO GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chiến lược tổng thể và chính sách bảo hộ sản xuất công nghiệp trong nước phù hợp các cam kết quốc tế, quy định của WTO giai đoạn đến năm 2020, với các nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM

1. Các biện pháp bảo hộ sản xuất phải hợp lý, có điều kiện và có lộ trình cắt giảm phù hợp với các cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các cam kết khác của Việt Nam.

2. Các biện pháp bảo hộ của Nhà nước phải hướng tới thúc đẩy và tạo lập lợi thế cạnh tranh cho các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn nói riêng và cho ngành công nghiệp Việt Nam nói chung trên thị trường trong nước và quốc tế.

3. Các biện pháp bảo hộ phải được thực hiện thống nhất bình đẳng đối với mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.

4. Gắn bảo hộ sản xuất trong nước với việc tiếp tục điều chỉnh chức năng quản lý của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

II. MỤC TIÊU

1. Tạo điều kiện trợ giúp các nhà sản xuất trong nước từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường nội địa và từng bước mở rộng thị trường ngoài nước.

2. Tạo điều kiện huy động các nguồn lực trong và ngoài nước vào việc khai thác tiềm năng và lợi thế nhằm đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

3. Góp phần ổn định kinh tế - xã hội đất nước trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế trên cơ sở tạo thêm việc làm, nâng cao đời sống người lao động, đáp ứng nhu cầu hàng hóa của nền kinh tế.

4. Bảo hộ sản xuất trong nước không chỉ hướng tới những mục tiêu kinh tế và bảo vệ lợi ích của các nhà sản xuất, mà còn hướng tới những mục tiêu xã hội và bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng trên thị trường nội địa.

III. CHIẾN LƯỢC BẢO HỘ SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP TRONG NƯỚC PHÙ HỢP VỚI CÁC CAM KẾT QUỐC TẾ, QUY ĐỊNH CỦA WTO

Trên cơ sở các cam kết quốc tế và quy định của WTO, tận dụng các biện pháp thuế và phi thuế nhằm trợ giúp các doanh nghiệp công nghiệp trong nước thuộc mọi thành phần kinh tế, mà trước mắt là tập trung cho các ngành công nghiệp ưu tiên, ngành công nghiệp mũi nhọn, nhằm tạo lập và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường nội địa và từng bước mở rộng thị trường ngoài nước. Bảo hộ phải hướng đến từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như năng lực cạnh tranh của ngành và sản phẩm công nghiệp. Ngược lại, việc nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ góp phần bảo hộ sản xuất công nghiệp.

IV. CÁC CHÍNH SÁCH BẢO HỘ SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP TRONG NƯỚC PHÙ HỢP VỚI CÁC CAM KẾT QUỐC TẾ, QUY ĐỊNH CỦA WTO

1. Nhóm chính sách liên quan đến các biện pháp thuế và phi thuế

a) Chính sách liên quan đến thuế

Tiếp tục bảo hộ thông qua các chính sách thuế phù hợp với các quy định của WTO và cam kết quốc tế của Việt Nam. Áp dụng linh hoạt các phương pháp tính thuế, sử dụng có hiệu quả thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng nhằm bảo vệ sản xuất trong nước.

b) Chính sách liên quan đến các biện pháp phi thuế.

- Thực hiện các chính sách hiện hành về đầu tư, bảo vệ thương mại tạm thời; tổ chức quản lý cạnh tranh, chống bán phá giá, chống trợ cấp; hàng rào kỹ thuật, an toàn vệ sinh dịch tễ …;

- Cải cách chính sách và các quy định liên quan đến thủ tục hải quan. Tiếp tục quản lý chặt chẽ dịch vụ phân phối các mặt hàng có tác động quan trọng đến kinh tế - xã hội (như xăng dầu, dược phẩm, sách, báo, tạp chí, băng hình, thuốc lá, gạo, đường và kim loại quý, phân bón, xi măng …);

- Áp dụng các chính sách bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhằm ngăn chặn các hoạt động gian lận thương mại, vi phạm bản quyền trên cơ sở các quy định của WTO và cam kết quốc tế của Việt Nam.

2. Nhóm chính sách liên quan đến nâng cao khả năng cạnh tranh

a) Chính sách về đầu tư

[...]