Quyết định 16/2007/QĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường Quốc gia đến năm 2020” do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 16/2007/QĐ-TTg
Ngày ban hành 29/01/2007
Ngày có hiệu lực 01/03/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Số: 16/2007/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 29 tháng 01 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT “QUY HOẠCH TỔNG THỂ MẠNG LƯỚI QUAN TRẮC TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG QUỐC GIA ĐẾN NĂM 2020”

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng  11 năm 2005;
Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 20  tháng 5 năm 1998;
Căn cứ Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình khí tượng thủy văn ngày 02 tháng 12 năm 1994;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Phê duyệt “Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia đến năm 2020” (sau đây gọi tắt là Quy hoạch) với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM:

1. Quy hoạch phải có tính kế thừa, tận dụng và phát huy tối đa cơ sở vật chất kỹ thuật và đội ngũ quan trắc viên hiện có; sửa chữa, nâng cấp hoặc đầu tư xây dựng mới các trạm, điểm quan trắc phải tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, yêu cầu bảo vệ tài nguyên - môi trường, đáp ứng nhu cầu cung cấp thông tin, số liệu điều tra cơ bản phục vụ phát triển bền vững đất nước trong từng giai đoạn.

2. Mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia được quy hoạch phải bảo đảm tính đồng bộ, tiên tiến, hiện đại, trên phạm vi toàn lãnh thổ và có đội ngũ cán bộ đủ năng lực để vận hành. Cùng một yếu tố quan trắc, tại mỗi thời điểm và vị trí xác định, việc quan trắc chỉ do một đơn vị sự nghiệp thực hiện theo một quy trình thống nhất.

3. Mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia là một hệ thống mở, liên tục được bổ sung, nâng cấp và hoàn thiện, kết nối và chia sẻ thông tin bảo đảm thông suốt từ trung ương đến địa phương với sự quản lý thống nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

4. Từng bước hiện đại hóa công nghệ, máy móc và thiết bị quan trắc trên cơ sở áp dụng rộng rãi các công nghệ nghiên cứu tạo ra ở trong nước và tiếp thu, làm chủ được các công nghệ tiên tiến của nước ngoài.

5. Hoạt động quan trắc tài nguyên và môi trường để thu thập và cung cấp thông tin, số liệu điều tra cơ bản phục vụ bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước được bảo đảm chủ yếu bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, đồng thời có cơ chế phù hợp để huy động thêm các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Xây dựng mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia bảo đảm thống nhất trên phạm vi cả nước, đồng bộ, tiên tiến và từng bước hiện đại, đáp ứng nhu cầu thu thập và cung cấp thông tin, số liệu điều tra cơ bản về môi trường, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, phục vụ có hiệu quả cho công tác xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường, dự báo, cảnh báo, phòng, tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, phát triển mạnh và bền vững kinh tế - xã hội của đất nước.

2. Mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn:

a) Giai đoạn 2007 - 2010:

- Xây dựng và hoàn thiện cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý và điều hành; đào tạo bổ sung đội ngũ quan trắc viên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia;

- Bổ sung, sửa đổi các quy định, quy trình, quy phạm, chỉ tiêu quan trắc một cách đồng bộ, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ quan trắc của từng lĩnh vực tài nguyên và môi trường cụ thể;

- Củng cố và từng bước hiện đại hoá các trạm quan trắc tài nguyên và môi trường hiện có; xây dựng và đưa vào vận hành ít nhất 1/3 số trạm dự kiến xây mới, trọng tâm là những khu vực, những yếu tố quan trắc có nhu cầu cấp bách phục vụ phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường;

- Xây dựng, củng cố, nâng cấp các trung tâm thông tin, tư liệu môi trường, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn; tăng cường năng lực và bảo đảm truyền tin thông suốt giữa các trạm quan trắc, các trung tâm thông tin, tư liệu tài nguyên và môi trường; tạo lập, quản lý và khai thác có hiệu quả cơ sở dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường.

b) Giai đoạn 2011 - 2015:

­- Tiếp tục củng cố và hiện đại hoá các trạm quan trắc tài nguyên và môi trường đã có; xây dựng và đưa vào vận hành ít nhất 1/2 số trạm còn lại;

- Nâng cấp cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường, bảo đảm thông tin thông suốt, đồng bộ, có hệ thống và độ tin cậy cao;

- Tiếp tục đào tạo bổ sung đội ngũ quan trắc viên, đáp ứng đủ nhu cầu cán bộ của mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia.

c) Giai đoạn 2016 - 2020:

- Hoàn thành việc xây dựng và đưa vào hoạt động có hiệu quả các trạm quan trắc trong Quy hoạch, bảo đảm tính hợp lý, thống nhất, đồng bộ, hiện đại của mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia;

- Nâng cao năng lực đội ngũ quan trắc viên, kỹ thuật viên và cán bộ quản lý, đáp ứng tốt yêu cầu hoạt động của mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia.

III. PHẠM VI CỦA QUY HOẠCH:

Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia đến năm 2020 được giới hạn trong khuôn khổ mạng lưới quan trắc hoạt động tương đối ổn định, lâu dài và việc quan trắc có thể kết hợp được giữa các lĩnh vực môi trường, tài nguyên nước và khí tượng thủy văn. Các trạm quan trắc mang tính đặc thù, phục vụ riêng cho dự báo, cảnh báo về các hiện tượng thiên tai nguy hiểm như lũ quét, sóng thần, động đất và các loại thiên tai khác sẽ được bổ sung, xây dựng theo từng đề án riêng.

IV. CÁC THÀNH PHẦN CƠ BẢN CỦA MẠNG LƯỚI QUAN TRẮC:

[...]