Quyết định 1592/QĐ-UBND năm 2020 về phê duyệt Phương án xử lý chất thải rắn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050

Số hiệu 1592/QĐ-UBND
Ngày ban hành 08/05/2020
Ngày có hiệu lực 08/05/2020
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Nguyễn Đức Quyền
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 1592/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 08 tháng 5 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN TỈNH THANH HÓA ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050.

CHỦ TỊCH UBND TỈNH THANH HOÁ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 ngày 23/6/2014;

Căn cứ Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu; Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Nghị quyết số 236/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, giai đoạn 2020-2025;

Căn cứ Kế hoạch số 144/KH-UBND ngày 06/8/2018 của UBND tỉnh thực hiện Chiến lược quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa;

Căn cứ Quyết định số 21/2019/QĐ-UBND ngày 04/7/2019 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định mức giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh.

Theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 383/TTr- STNMT ngày 29/4/2020; Tờ trình số 409/TTrSTNMT ngày 07/5/2020 về việc đề nghị phê duyệt Phương án xử lý chất thải rắn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Phương án xử lý chất thải rắn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 (sau đây gọi tắt là Phương án) với các nội dung sau:

1. Phạm vi của phương án

Xử lý các loại chất thải rắn gồm: Chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường và nguy hại, chất thải rắn xây dựng, chất thải rắn y tế và bùn thải trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa.

2. Mục tiêu của Phương án

2.1. Mục tiêu chung

- Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện tại Chiến lược Quản lý tổng hợp chất thải rắn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 và Kế hoạch số 144/KH-UBND ngày 06/8/2016 của UBND tỉnh về kế hoạch thực hiện Chiến lược Quản lý tổng hợp chất thải rắn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050;

- Định hướng, phân vùng thu gom, xử lý chất thải rắn; từng bước áp dụng các công nghệ hiện đại trong xử lý chất thải rắn, đảm bảo các loại chất thải rắn phải được phân loại tại nguồn, được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý triệt để bằng những công nghệ tiên tiến và phù hợp, nâng cao tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn toàn tỉnh, hạn chế tối đa lượng chất thải phải chôn lấp nhằm tiết kiệm tài nguyên đất và hạn chế gây ô nhiễm môi trường;

- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải rắn tập trung trên địa bàn tỉnh bằng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường;

- Nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư và hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xử lý chất thải rắn nhằm cải thiện môi trường, mang lại cuộc sống ngày càng bền vững.

2.2. Mục tiêu cụ thể

a) Giai đoạn đến năm 2025:

- 95% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị, 90% tổng lượng rác thải sinh hoạt nông thôn phát sinh phải được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn toàn tỉnh đạt 90%; tỷ lệ chất thải rắn chôn lấp dưới 30%;

+ 100% tổng lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và làng nghề phát sinh được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường;

+ 80% tổng lượng tro, xỉ, thạch cao phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện, sản xuất phân bón, gang thép... được tái chế, tái sử dụng làm nguyên liệu sản xuất, vật liệu xây dựng, san lấp đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường;

+ 100% tổng lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở y tế, nông nghiệp và 85% tổng lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh tại các hộ gia đình được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường;

+ 90% tổng lượng chất thải rắn xây dựng phát sinh tại các đô thị được thu gom, xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; trong đó, 60% được tái sử dụng hoặc tái chế thành các sản phẩm, vật liệu tái chế bằng các công nghệ phù hợp;

[...]