Quyết định 1571/QĐ-UBND năm 2010 về phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020

Số hiệu 1571/QĐ-UBND
Ngày ban hành 17/05/2010
Ngày có hiệu lực 17/05/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Nguyễn Ngọc Quang
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1571/QĐ-UBND

Tam Kỳ, ngày 17 tháng 05 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TỈNH QUẢNG NAM ĐẾN NĂM 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28/02/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Quyết định số 984/QĐ-UBND ngày 30/3/2009 về việc phê duyệt đề cương nhiệm vụ "Xây dựng chiến lược bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 63/TTr-TNMT ngày 26 tháng 4 năm 2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt "Chiến lược bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020" (sau đây gọi tắt là Chiến lược) với các nội dung chính sau đây:

I. Quan điểm chỉ đạo

Việc xây dựng và triển khai các hoạt động của Chiến lược phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

- Công tác bảo vệ môi trường là trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân trong tỉnh; là nội dung cơ bản không thể tách rời trong chủ trương và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh; là cơ sở quan trọng bảo đảm phát triển bền vững, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn của tỉnh.

- Phòng ngừa và ngăn chặn ô nhiễm là nguyên tắc chủ đạo kết hợp với xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên; kết hợp phát huy nội lực với tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

- Phải phù hợp với các mục tiêu của Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010; kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, nguồn lực và điều kiện thực tiễn của Quảng Nam; làm cơ sở cho việc xây dựng các kế hoạch trung hạn và ngắn hạn về môi trường và những lĩnh vực liên quan khác của tỉnh.

- Bảo vệ môi trường phải gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế và bảo đảm tiến bộ xã hội để phát triển bền vững đất nước. Hoạt động bảo vệ môi trường phải thường xuyên, lấy phòng ngừa là chính, kết hợp với khắc phục ô nhiễm, suy thoái và cải thiện chất lượng môi trường.

- Bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường phải được coi là một yếu tố không thể tách rời của quá trình phát triển. Tích cực và chủ động phòng ngừa, ngăn chặn những tác động xấu đối với môi trường do hoạt động của con người gây ra. Cần áp dụng rộng rãi nguyên tắc "người gây thiệt hại đối với tài nguyên và môi trường thì phải bồi hoàn". Phổ biến sâu rộng các quy định hiện hành của nhà nước về công tác bảo vệ môi trường; chủ động gắn kết và có chế tài bắt buộc lồng ghép yêu cầu bảo vệ môi trường trong việc lập quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án phát triển kinh tế-xã hội, xem yêu cầu về bảo vệ môi trường là một tiêu chí quan trọng trong đánh giá phát triển bền vững.

II. Mục tiêu:

1. Mục tiêu chung:

- Hệ thống hóa các văn bản pháp quy liên quan đến bảo vệ môi trường (viết tắt là BVMT) và thể chế quản lý môi trường (viết tắt là QLMT), tập trung vào cơ chế điều phối phối hợp và cơ chế tham gia; tăng cường phương tiện, công cụ QLMT và kiến thức, kỹ năng của cán bộ QLMT; nâng cao nhận thức của cộng đồng về hạn chế nguồn thải, ngăn ngừa ô nhiễm, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

- Giảm thiểu ô nhiễm và cải thiện môi trường không khí, đất, nước; tăng cường quản lý và xử lý chất thải; hạn chế tác động của thiên tai; quy hoạch sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, chú trọng bảo tồn thiên nhiên, giữ gìn đa dạng sinh học; tăng cường phối hợp với các địa phương láng giềng trong hoạt động BVMT liên địa phương và thực thi có hiệu quả các điều ước quốc tế có liên quan đến BVMT mà Chính phủ Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2015:

- Thu gom, vận chuyển và sơ bộ xử lý được 95% tổng lượng chất thải rắn phát sinh tại các đô thị và khu công nghiệp; xử lý được 90% chất thải rắn y tế và chất thải công nghiệp nguy hại bằng những công nghệ phù hợp;

- Kiểm soát được tình trạng ô nhiễm môi trường trong tất cả các lĩnh vực có nguy cơ ô nhiễm cao như: công nghiệp hóa chất; công nghiệp dệt, nhuộm, giày da, giấy, chế biến thực phẩm, khai thác và chế biến tài nguyên khoáng sản; y tế; giao thông vận tải... và tại các điểm nóng, vùng nhạy cảm, đặc biệt là các đoạn sông chảy qua khu vực đô thị.

- Xây dựng kế hoạch sử dụng bền vững tài nguyên nước tại các lưu vực sông.

- Hoàn thiện và nhân rộng các mô hình sản xuất sạch hơn cho các cụm công nghiệp và làng nghề.

- Đạt tỷ lệ che phủ rừng trên 48%, tỷ lệ khu bảo tồn thiên nhiên tăng lên 25%; tỷ lệ đất nông nghiệp được tưới tiêu 85%.

[...]