Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 1531/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 1531/QĐ-UBND
Ngày ban hành 10/10/2012
Ngày có hiệu lực 10/10/2012
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Nam Định
Người ký Nguyễn Văn Tuấn
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

Ủy ban nhân dân
tỈnh nam đỊnH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1531/QĐ-UBND

Nam Định, ngày 10 tháng 10 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN GTVT TỈNH NAM ĐỊNH ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Giao thông Đường bộ; Các luật giao thông: Đường sắt; Đường thủy nội địa; Hàng hải; Hàng không;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-BGTVT-BKHĐT ngày 17 tháng 01 năm 2012 về việc hướng dẫn nội dung, trình tự lập quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải cấp tỉnh;

Căn cứ ý kiến thoả thuận của Bộ GTVT tại văn bản số 6881/BGTVT-KHĐT ngày 20/8/2012;

Căn cứ Quyết định số 2078/QĐ-UBND ngày 14/8/2008 của UBND tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT tỉnh Nam Định đến năm 2010, quy hoạch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ văn bản số 74/CV-HĐND ngày 21/9/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Định về việc chấp thuận điều chỉnh quy hoạch GTVT tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Xét đề nghị của Hội đồng thẩm định điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tại văn bản số 128/TB- UBND ngày 20/6/2012 của UBND tỉnh Nam Định,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với các nội dung sau:

1. Phạm vi và đối tượng áp dụng:

- Phạm vi, quy mô: Trên phạm vi đất liền và vùng biển thuộc địa bàn tỉnh Nam Định.

- Đối tượng quy hoạch: đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt và đường hàng không (bao gồm: Kết cấu hạ tầng Giao thông, Vận tải, Cảng, Bến bãi, Công nghiệp GTVT..v.v...)

2. Quan điểm, mục tiêu quy hoạch:

2.1 Quan điểm:

- Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Nam Định phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định và quy hoạch phát triển giao thông vận tải khu vực và quốc gia; hình thành mạng lưới giao thông liên hoàn, đủ khả năng kết nối phát triển vận tải đa phương thức. Đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững kinh tế của tỉnh và của khu vực đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và những năm tiếp theo.

- Quy hoạch phải đảm bảo tính kế thừa và ổn định, hạn chế tối đa giải phóng mặt bằng tại các khu dân cư đã ổn định. Đưa hệ thống giao thông vào cấp kỹ thuật, những nơi qua đô thị, khu dân cư phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Xây dựng các bến xe khách, bến xe hàng, bãi đỗ xe phục vụ đi lại, du lịch; xây dựng các tuyến tránh đô thị, hình thành đường vành đai thành phố Nam Định và các đường xuyên tâm; nâng cấp hệ thống giao thông thành phố Nam Định có dự phòng quỹ đất để đầu tư hạ tầng phát triển các phương thức vận tải khác như: Tầu điện bánh hơi, bánh sắt, Mêtrô; các công trình giao thông ngầm, các nút giao...

- Từng bước cải tạo các nút giao khác mức giữa giao thông địa phương với các tuyến Quốc lộ và với các tuyến đường có mật độ giao thông cao.

- Giao thông nông thôn: Đưa vào cấp kỹ thuật từ đường xã đến đường huyện, kiên cố hóa hệ thống cầu, cống đạt cấp kỹ thuật.

2.2 Mục tiêu:

- Làm cơ sở để xây dựng và từng bước hoàn chỉnh, hiện đại hóa mạng lưới giao thông vận tải tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; đảm bảo phát triển hệ thống giao thông vận tải một cách khoa học, ổn định, bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và kết nối vùng.

- Tăng quỹ đất để xây dựng hạ tầng giao thông tại các đô thị, bao gồm giao thông động và giao thông tĩnh; đến năm 2020 đất dành cho giao thông thành phố Nam Định - Đô thị loại I đạt 23-25%, các đô thị còn lại đạt 16-20%, trong đó giao thông tĩnh đạt 5-7%.

- Mật độ bình quân đường giao thông tại các khu vực trung tâm đạt từ 6 đến 8 Km/Km2, các khu vực khác đạt từ 3 đến 5 Km/Km2.

3. Nội dung quy hoạch:

[...]