Thứ 5, Ngày 07/11/2024

Quyết định 1511/QĐ-UBND năm 2011 Kế hoạch Triển khai thực hiện Quyết định 32/2010/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án Phát triển nghề Công tác xã hội giai đoạn 2010-2020 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 1511/QĐ-UBND
Ngày ban hành 25/03/2011
Ngày có hiệu lực 25/03/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Hứa Ngọc Thuận
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1511/QĐ-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 25 tháng 3 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 32/2010/QĐ-TTG NGÀY 25 THÁNG 3 NĂM 2010 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NGHỀ CÔNG TÁC XÃ HỘI GIAI ĐOẠN 2010-2020 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25 tháng 3 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển nghề Công tác xã hội giai đoạn 2010-2020 (sau đây gọi tắt là Đề án 32);
Căn cứ Công văn số 1229/LĐTBXH-BTXH ngày 20 tháng 4 năm 2010 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về triển khai Đề án 32;
Xét đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 2494/LĐTBXH-XH ngày 18 tháng 3 năm 2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này “Kế hoạch Triển khai thực hiện Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25 tháng 3 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Phát triển nghề Công tác xã hội giai đoạn 2010-2020 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tài chính, Thủ trưởng các Sở ngành, các đơn vị có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Thủ tướng Chính phủ;
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND. TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP;
- Văn phòng TUvà Các Ban TU;
- Các Ban Hội đồng nhân dân thành phố;
- Các Đoàn thể thành phố;

- Báo, Đài thành phố;
- VPUB: Các PVP; Các Phòng CV;
- Lưu:VT, (VX-LC) P.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hứa Ngọc Thuận

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 32/2010/QĐ-TTG NGÀY 25/3/2010 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NGHỀ CÔNG TÁC XÃ HỘI GIAI ĐOẠN 2010-2020 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số /QĐ-UBND ngày tháng 3 năm 2011 của Chủ tịch Ủy ban nhân thành phố)

Căn cứ Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25 tháng 3 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển nghề Công tác xã hội giai đoạn 2010-2020 (sau đây gọi tắt là Đề án 32);

Căn cứ Công văn số 1229/LĐTBXH-BTXH ngày 20 tháng 4 năm 2010 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về triển khai Đề án 32;

Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25 tháng 3 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển nghề Công tác xã hội giai đoạn 2010-2020 trên địa bàn thành phố với những nội dung chủ yếu như sau:

I. Tình hình chung

1. Hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 400.000 người cao tuổi, 44.352 người tàn tật, 20.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khoảng 130.000 hộ gia đình nghèo (tiêu chí 12 triệu đồng/người/năm), gần 10.000 người nghiện ma tuý, hơn 2.000 người bán dâm (tập trung tại các cơ sở), khoảng 100.000 đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước.

Đội ngũ nhân viên làm việc “công tác xã hội” có trên 5.000 người, bao gồm: trên 2.000 người làm việc trong các cơ sở xã hội, cơ sở cai nghiện..., thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố; trên 1.000 người là cán bộ nhân viên thuộc Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện và là cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phường, xã, thị trấn; khoảng 1.000 người thuộc các Sở, ngành quản lý (Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tư pháp, .....); trên 500 người thuộc các Hội, các đoàn thể (Hội liên hiệp phụ nữ, Thành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh,.....) quản lý; trên 500 người thuộc các cơ sở xã hội ngoài công lập; một số nhân viên xã hội thuộc các Tổ chức nước ngoài.

Có trên 90 cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở chữa bệnh - giáo dục lao động xã hội và các cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó có 30 cơ sở công lập, còn lại là của các tổ chức xã hội và cá nhân thành lập.

2. Từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay, cùng cả nước, thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được những thành tựu vượt bậc trên nhiều lĩnh vực kinh tế – văn hóa, xã hội, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội; đi đôi với tăng trưởng kinh tế là đảm bảo thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Với vai trò là trung tâm về nhiều mặt của khu vực, thành phố Hồ Chí Minh đã hình thành cơ sở hạ tầng kỹ thuật khá hoàn chỉnh, hành thành nhiều khu chế xuất, cơ sở kinh tế và khu đô thị mới; từng bước tạo lập các thị trường lao động, hàng hóa... tạo lực hút mạnh mẽ đối với người dân từ các địa phương khác đến thành phố tìm việc làm, nơi sinh sống mới, hình thành luồng di dân từ nông thôn lên thành thị. Kết quả phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hồ Chí Minh có sự đóng góp nhất định của lực lượng người lao động nhập cư, nhưng một số vấn đề xã hội phức tạp lại nảy sinh trên địa bàn thành phố như tình trạng người thất nghiệp, người lang thang, đặc biệt trẻ em lao động kiếm sống, trẻ em vi phạm pháp luật, bạo lực gia đình, tệ nan ma túy, mại dâm,....

Được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Đảng bộ và chính quyền thành phố, trong công tác an sinh xã hội đã có nhiều chương trình, giải pháp mang tính căn cơ giải quyết tốt những vấn đề xã hội phát sinh từng giai đoạn như: Chương trình xóa đói giảm nghèo nay là chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá, Chương trình phổ cập giáo dục bậc phổ thông trung học, Chương trình bảo hiểm xã hội tự nguyện và chương trình bảo hiểm y tế tự nguyện để mở rộng cho toàn xã hội tham gia, Chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn, Chương trình phòng, chống HIV-AIDS, Chương trình Chăm sóc và bảo vệ trẻ em, Chương trình tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện ma túy, người mại dâm hoàn lương...; Tuy nhiên, nhìn chung hoạt động xã hội vẫn chưa đáp ứng các mục tiêu như mong muốn, đặc biệt trong phát triển nghề công tác xã hội của thành phố vẫn chưa sát hợp với các tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Trong đó có vấn đề: Cán bộ làm công tác xã hội còn thiếu và chưa được đào tạo bài bản cả ở khâu tham mưu chính sách cũng như khâu tác nghiệp cụ thể, nhất là cán bộ làm việc trực tiếp với đối tượng; chưa hiểu và chưa được đào tạo về công tác xã hội; tổ chức bộ máy cung cấp dịch vụ công tác xã hội ở cộng đồng chưa nhiều.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, không chỉ đề cập tới sự liên kết toàn cầu của các lĩnh vực kinh doanh, thương mại mà của cả hoạt động xã hội. Do đó, để thực hiện hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới, đòi hỏi yêu cầu phát triển nghề công tác xã hội chuyên nghiệp tại Việt Nam nói chung và tại thành phố Hồ Chí Minh nói riêng là hết sức cấp thiết và là nhiệm vụ quan trọng cho những năm sắp tới.

II. Mục tiêu:

1. Mục tiêu chung của giai đoạn 2011 - 2020 :

Phát triển công tác xã hội trở thành một nghề tại thành phố. Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề công tác xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng gắn với phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại các cấp, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến trên địa bàn của thành phố.

2. Mục tiêu cụ thể của giai đoạn 2011 - 2015:

[...]