BỘ LAO ĐỘNG -
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 1500/QĐ-LĐTBXH
|
Hà Nội, ngày 04
tháng 10 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ
DUYỆT DỰ ÁN 3 VÀ DỰ ÁN 4 THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN
VŨNG GIAI ĐOẠN 2012 - 2015
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng
12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19 tháng 5
năm 2011 của Chính phủ về Định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến
năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 135/2009/QĐ-TTg ngày 04
tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý, điều
hành thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia;
Căn cứ Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 08 tháng
10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc
gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính
và Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Dự án 3 và Dự án 4 thuộc Chương trình mục tiêu quốc
gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012 - 2015 như sau:
I. Dự án 3: Nhân rộng mô hình giảm nghèo
1. Mục tiêu cụ thể đến năm 2015
- Thu nhập của hộ nghèo tham gia mô hình tăng 15 -
20%/năm;
- Bình quân mỗi năm có khoảng 10% hộ nghèo tham gia
mô hình được thoát nghèo bền vững;
- Tạo được việc làm thêm cho ít nhất 25% lao động
nghèo khi tham gia dự án, tính theo lao động chính của các hộ gia đình;
- 100% người nghèo tham gia mô hình được tập huấn,
bồi dưỡng kiến thức về sản xuất kinh doanh, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật.
2. Tổng kinh phí thực hiện: 2.850 tỷ đồng; gồm:
- Ngân sách trung ương: 2.000 tỷ đồng.
- Ngân sách địa phương: 250 tỷ đồng.
- Viện trợ nước ngoài và các nguồn huy động hợp
pháp khác: 600 tỷ đồng:
II. Dự án 4: Hỗ trợ nâng cao năng lực giảm
nghèo, truyền thông và giám sát đánh giá thực hiện Chương trình
1. Mục tiêu cụ thể đến năm 2015
- 200.000 lượt cán bộ làm công tác giảm nghèo được
tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực về giảm nghèo, thực hiện Chương trình và
các Dự án thành phần;
- 1.500 cán bộ được đào tạo làm giảng viên nguồn
(TOT) để đào tạo cán bộ giảm nghèo các cấp, đặc biệt là ở cơ sở;
- Phát triển và bồi dưỡng được 2.000 cán bộ làm
tuyên truyền viên, báo cáo viên về giảm nghèo các cấp;
- 63 tỉnh/thành phố được tăng cường bổ sung trang
thiết bị phục vụ đào tạo để thực hiện các kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ giảm
nghèo;
- Phát hành 100.000 tờ rơi và ấn phẩm thông tin,
tuyên truyền về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn
2012-2015;
- 63 tỉnh/thành phố có kế hoạch cụ thể triển khai
Nghị quyết 80/NQ-CP;
- Khung và hệ thống chỉ tiêu giám sát, đánh giá và
cơ chế cho giám sát đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 80/NQ-CP của Chính phủ
được xây dựng và áp dụng từ Trung ương đến cơ sở;
- 100% cán bộ làm công tác giám sát và đánh giá thực
hiện Chương trình, dự án các cấp được tập huấn về nghiệp vụ giám sát đánh giá.
2. Tổng kinh phí thực hiện dự án: 1.187 tỷ đồng,
trong đó:
- Ngân sách Trung ương 537 tỷ đồng.
- Ngân sách địa phương 50 tỷ đồng.
- Viện trợ nước ngoài và các nguồn vốn huy động hợp
pháp khác: 600 tỷ đồng.
(Nội dung chi tiết các dự án theo phụ lục đính
kèm)
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo có trách nhiệm
tổ chức thực hiện theo đúng quy định tại Quyết định số 135/2009/QĐ-TTg và các
quy định hiện hành; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ, các Bộ,
ngành liên quan, các cơ quan thực hiện dự án ở Trung ương và địa phương tổ chức
triển khai thực hiện nhằm đạt và vượt các mục tiêu của Dự án; tổ chức sơ kết, tổng
kết tình hình thực hiện, báo cáo Bộ theo quy định.
2. Các cơ quan thực hiện dự án ở Trung ương và địa
phương có trách nhiệm: triển khai thực hiện theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ, tiến
độ các hoạt động của dự án được giao; sử dụng kinh phí của các dự án đúng mục
đích, có hiệu quả; thanh toán, quyết toán theo đúng các quy định hiện hành; thực
hiện chế độ báo cáo định kỳ (sáu tháng, hàng năm, giữa kỳ, kết thúc dự án) và
báo cáo đột xuất gửi Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ
trưởng - Chánh văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Thủ trưởng các cơ quan thực hiện
dự án ở Trung ương và địa phương và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi
hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3 (để thực hiện);
- Bộ KHĐT, Bộ TC;
- Văn phòng Chính phủ;
- Lãnh đạo Bộ, các đơn vị thuộc Bộ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Lưu VT, KHTC, VPGN.
|
BỘ TRƯỞNG
Phạm Thị Hải Chuyền
|
PHỤ LỤC 1
NỘI DUNG DỰ ÁN NHÂN RỘNG MÔ HÌNH GIẢM NGHÈO
(Kèm theo Quyết định số 1500/QĐ-LĐTBXH ngày 4 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)
1. Mục tiêu
1.1. Mục tiêu chung
Nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, phù hợp
nhằm nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh và đa dạng hóa về thu nhập cho người
nghèo, hộ nghèo; tạo cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các chính sách, nguồn lực
thị trường (thị trường vốn, lao động, đất đai, khoa học kỹ thuật - công nghệ và
thị trường hàng hóa đầu vào, đầu ra...) hướng đến phát triển sản xuất hàng hóa
và dịch vụ tổng hợp, bảo đảm ổn định về việc làm, tăng nhanh thu nhập, góp phần
giảm nghèo nhanh và bền vững.
1.2. Các chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được đến
năm 2015
- Thu nhập của hộ nghèo tham gia mô hình tăng 15 -
20%/năm;
- Bình quân mỗi năm có khoảng 10% hộ nghèo tham gia
mô hình được thoát nghèo bền vững;
- Tạo được việc làm thêm cho ít nhất 25% lao động
nghèo khi tham gia dự án, tính theo lao động chính của các hộ gia đình;
- 100% người nghèo tham gia mô hình được tập huấn,
bồi dưỡng kiến thức về sản xuất kinh doanh, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật.
2. Đối tượng và phạm vi thực hiện của Dự án:
2.1. Đối tượng: lao động thuộc hộ
nghèo, trong đó ưu tiên chủ hộ là nữ và hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số;
quan tâm tới đối tượng là các hộ sản xuất giỏi vận động để họ tham gia làm nòng
cốt giúp đỡ các hộ nghèo về phương pháp sản xuất, kinh doanh có kết quả tốt,
góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững ở địa phương mình.
2.2. Địa bàn thực hiện dự án: các huyện
nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc địa bàn của Chương trình mục
tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015.
3. Thời gian thực hiện Dự án: từ năm 2012 đến
năm 2015.
4. Các hoạt động của dự án
Hoạt động 1: Hỗ trợ phát triển sản xuất,
kinh doanh, phát triển ngành nghề; đa dạng hóa về thu nhập; nhân rộng các mô
hình khuyến nông, lâm, ngư ở các vùng đặc thù, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho
lao động nghèo; hỗ trợ nhân rộng các mô hình sản xuất chuyển canh, tập trung
theo hướng sản xuất hàng hóa để người nghèo tiếp cận và tham gia;
Hoạt động 2: Hỗ trợ hộ nghèo và cộng đồng
tham gia liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; nhân rộng mô hình giảm
nghèo liên kết giữa hộ nghèo với doanh nghiệp nhằm hỗ trợ chi phí sản xuất, chuyển
giao tiến bộ kỹ thuật cho lao động, hỗ trợ kết nối người nghèo với thị trường
thông qua phát triển các đơn vị cung cấp dịch vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm
đối với hộ nghèo;
Hoạt động 3: Nhân rộng mô hình giảm nghèo gắn
với an ninh - quốc phòng cho hộ nghèo ở xã biên giới để hỗ trợ đồng bào các
DTTS sống ở biên giới bám trụ, yên tâm sản xuất, mở rộng các ngành nghề, mở rộng
giao thương với bên ngoài để tạo thu nhập cho người nghèo sinh sống tại địa
bàn, đồng thời tăng cường công tác bảo vệ biên giới tổ quốc.
Hoạt động 4: Thí điểm thực hiện mô hình tạo
việc làm công cho người nghèo thông qua thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng,
qui mô nhỏ ở thôn, bản;
Hoạt động 5: Thí điểm mô hình sản xuất nông,
lâm kết hợp, tạo việc làm cho người nghèo gắn với trồng và bảo vệ rừng;
Hoạt động 6: Thí điểm thực hiện mô hình phân
cấp, trao quyền cho cơ sở, người dân trong tổ chức thực hiện chương trình.
Hoạt động 7: Nhân rộng các mô hình giảm
nghèo đã được thử nghiệm thành công khác do các địa phương, các tổ chức quốc tế
đã thực hiện.
5. Quy trình tổ chức thực hiện dự án
5.1. Các loại mô hình giảm nghèo
a) Mô hình giảm nghèo do xã làm chủ
b) Mô hình giảm nghèo liên kết với doanh nghiệp
c) Mô hình giảm nghèo liên kết với quốc phòng - an
ninh
d) Mô hình giảm nghèo liên kết với các cơ quan
nghiên cứu khoa học
5.2. Điều kiện đầu tư xây dựng và nhân rộng
mô hình giảm nghèo
a) Lựa chọn hình thức đầu tư
Các hộ dân muốn đầu tư mô hình giảm nghèo thì có thể
lựa chọn một trong hai hình thức: (1) Xây dựng mô hình mới hoặc (2) Nhân rộng
mô hình giảm nghèo đã có sẵn.
b) Các tiêu chí cơ bản lựa chọn đối tượng tham gia
dự án
- Có tiềm năng về đất đai và thổ nhưỡng phù hợp để
phát triển cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa hoặc sản xuất
chuyên canh như phát triển cây mía, cây thuốc lá, dâu tằm, cây chè, sắn, khoai,
đậu lạc, ngô, rau xanh, cây ăn quả ngắn ngày, rau xanh.... (trừ cây cao su, điều,
những cây ăn quả có thời hạn chăm sóc trên 4 năm)
- Có tiềm năng về phát triển ngành nghề tiểu thủ
công nghiệp như mây tre đan, dệt thổ cẩm, hàng thủ công mỹ nghệ, thêu ren, dệt
chiếu cói, làm hương, đồ gốm sứ, đồ gỗ dân dụng, cơ khí nhỏ....
- Chính quyền cơ sở có năng lực và cam kết quyết
tâm thực hiện dự án;
- Người dân, đặc biệt là người nghèo tự nguyện tham
gia;
- Khi đã đáp ứng được tiêu chí này mà địa phương
nào có các doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu khoa học, trung tâm khuyến- nông-
lâm- ngư sẵn sàng liên kết hỗ trợ sẽ được ưu tiên đầu tư trước. Đối với mô hình
giảm nghèo liên kết với doanh nghiệp thì đây là điều kiện mang tính bất buộc.
5.3. Quy trình và hình thức, tổ chức thực hiện
dự án
a) Quy trình thực hiện dự án
- Thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách và các
văn bản hướng dẫn Luật Ngân sách.
- Về phê duyệt mô hình, thực hiện theo quy định tại
khoản 1, Điều 3 Thông tư liên tịch số 68/2013/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày
21/5/2013 của Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định quản
lý và sử dụng kinh phí thực hiện Dự án 3 và Dự án 4 của CTMTQG Giảm nghèo bền vững
giai đoạn 2012-2015.
b) Hình thức tổ chức
- Đối với mô hình do Bộ, ngành chủ trì xây dựng và
tổ chức thực hiện:
Căn cứ dự toán được cấp có thẩm quyền giao, các cơ
quan, đơn vị chủ trì xây dựng mô hình mới, mô hình thí điểm trình Bộ trưởng, Thủ
trưởng cơ quan ngang Bộ quyết định phê duyệt (trong đó phê duyệt rõ tên, loại
mô hình; thời gian thực hiện; danh sách xã, huyện được lựa chọn là địa bàn thực
hiện dự án; mức hỗ trợ, hiệu quả dự kiến của mô hình, trách nhiệm của các cơ
quan liên quan...); đồng thời gửi các quyết định phê duyệt và dự án, mô hình
liên quan về Văn phòng quốc gia về giảm nghèo để tổng hợp, theo dõi.
- Đối với mô hình do dịa phương chủ trì xây dựng và
tổ chức thực hiện:
Tùy theo điều kiện cụ thể của địa phương và phạm vi
dự toán được giao, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội là cơ quan Thường trực giảm nghèo cấp tỉnh lập dự án, trình Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt để triển khai thực hiện.
Trên cơ sở dự án được duyệt, Chủ tịch UBND tỉnh,
thành phố ủy quyền cho Chủ tịch UBND cấp huyện phê duyệt từng mô hình cụ thể
(trong đó phê duyệt rõ tên, loại mô hình; thời gian thực hiện; danh sách xã lựa
chọn là địa bàn thực hiện dự án; mức hỗ trợ, hiệu quả dự kiến của mô hình,
trách nhiệm của các cơ quan liên quan...).
- Các mô hình thực hiện theo hình thức ký hợp đồng
đặt hàng với các cơ quan, đơn vị: Văn phòng quốc gia về giảm nghèo thẩm định,
phê duyệt và ký hợp đồng thực hiện.
- Căn cứ vào mức độ cần thiết triển khai các hoạt động
của dự án, thủ trưởng cơ quan, đơn vị thực hiện dự án quyết định việc thuê cán
bộ, chuyên gia trong nước theo hình thức ký “Hợp đồng giao khoán công việc, sản
phẩm”.
6. Tổng kinh phí thực hiện: 2.850 tỷ đồng; gồm:
- Ngân sách trung ương: 2.000 tỷ đồng (70,17%);
- Ngân sách địa phương: 250 tỷ đồng (8,77%);
- Viện trợ nước ngoài và các nguồn huy động hợp
pháp khác: 600 tỷ đồng (21,05%).
7. Tổ chức thực hiện
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Văn phòng Giảm
nghèo quốc gia) tổ chức triển khai thực hiện dự án tại trung ương; chủ trì, phối
hợp với các đơn vị có liên quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và
các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn các địa phương thực hiện; kiểm tra giám sát,
đánh giá hiệu quả dự án.
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương phê duyệt dự án do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội lập; giao Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp
huyện hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức triển khai thực hiện dự án; giám
sát, đánh giá hiệu quả dự án và báo cáo kết quả thực hiện dự án theo quy định.
- Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã lựa chọn và hướng
dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã xây dựng kế hoạch chi tiết, trình cấp có thẩm quyền
phê duyệt để triển khai thực hiện dự án.
- Ủy ban nhân dân cấp xã: xây dựng kế hoạch chi tiết,
trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, trực tiếp tổ chức thực hiện dự án theo quy định
và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện của dự án trên địa bàn./.
PHỤ LỤC 2
NỘI DUNG DỰ ÁN HỖ TRỢ NÂNG CAO NĂNG LỰC GIẢM NGHÈO,
TRUYỀN THÔNG VÀ GIÁM SÁT ĐÁNH GIÁ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
(Kèm theo Quyết định số 1500/QĐ-LĐTBXH ngày 10 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)
1. Mục tiêu của Dự án
1.1. Mục tiêu chung: nâng cao được
năng lực đội ngũ cán hộ giảm nghèo các cấp; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của
cộng đồng, người dân, các cấp, các ngành về ý nghĩa và tầm quan trọng của giảm
nghèo và cách tiếp cận về giảm nghèo bền vững; thiết lập hệ thống giám sát,
đánh giá đồng bộ, toàn diện đáp ứng yêu cầu quản lý, thực hiện Nghị quyết số
80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ
từ năm 2011 đến năm 2020 và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
giai đoạn 2012-2015.
1.2. Các chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được đến
năm 2015
- 200.000 lượt cán bộ làm công tác giảm nghèo được
tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực về giảm nghèo, thực hiện Chương trình và
các Dự án thành phần;
- 1.500 cán bộ được đào tạo làm giảng viên nguồn
(TOT) để đào tạo cán bộ giảm nghèo các cấp, đặc biệt là ở cơ sở;
- Phát triển và bồi dưỡng được 2.000 cán bộ làm
tuyên truyền viên, báo cáo viên về giảm nghèo các cấp;
- 63 tỉnh/thành phố được tăng cường bổ sung trang
thiết bị phục vụ đào tạo để thực hiện các kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ giảm
nghèo;
- Phát hành 100.000 tờ rơi và ấn phẩm thông tin,
tuyên truyền về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn
2012-2015;
- 63 tỉnh/thành phố có kế hoạch cụ thể triển khai
Nghị quyết 80/NQ-CP;
- Khung và hệ thống chỉ tiêu giám sát, đánh giá và
cơ chế cho giám sát đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 80/NQ-CP của Chính phủ
được xây dựng và áp dụng từ Trung ương đến cơ sở;
- 100% cán bộ làm công tác giám sát và đánh giá thực
hiện Chương trình, dự án các cấp được tập huấn về nghiệp vụ giám sát đánh giá.
2. Đối tượng của dự án
- Người nghèo, hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu
số, cộng đồng dân cư;
- Cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp;
- Cán bộ làm công tác thông tin, tuyên truyền về giảm
nghèo;
3. Thời gian thực hiện: từ năm 2012 đến năm
2015.
4. Các hoạt động của dự án
4.1. Nâng cao năng lực giảm nghèo
- Tổ chức đối thoại chính sách liên quan đến giảm
nghèo để xác định nhu cầu và đánh giá hiệu quả của chính sách tới đối tượng thụ
hưởng ở cơ sở;
- Tiếp tục đánh giá nhu cầu đào tạo cán bộ giảm
nghèo ở cơ sở;
- Hoàn thiện chương trình, nội dung và phương pháp
đào tạo cán bộ giảm nghèo phù hợp với yêu cầu của đội ngũ cán bộ chuyên trách,
cán bộ các đoàn thể xã hội các cấp và trưởng thôn, bản;
- Xây dựng chương trình đào tạo và tổ chức đào tạo
giảng viên nguồn (TOT) ở các cấp để đào tạo cán bộ giảm nghèo các cấp, đặc biệt
là ở cơ sở;
- Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi
dưỡng cán bộ làm công tác giảm nghèo;
- Tăng cường bổ sung trang thiết bị phục vụ đào tạo
cán bộ giảm nghèo ở các cơ sở đào tạo cán bộ giảm nghèo;
- Tổ chức khảo sát, học tập kinh nghiệm giữa các địa
phương trong nước, tổ chức hội thảo, hội nghị để chia sẻ kinh nghiệm giảm nghèo
ở cơ sở.
4.2. Truyền thông về giảm nghèo
- Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình
truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng về giảm nghèo bền vững,
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015, bao gồm
các hoạt động chủ yếu sau:
+ Xây dựng nội dung và chủ đề truyền thông cho giảm
nghèo;
+ Xác định các hình thức, phương thức và tài liệu
thông tin và tuyên truyền về giảm nghèo một cách phù hợp với từng địa bàn, đặc
biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số;
+ Xây dựng kế hoạch phối hợp thông tin tuyên truyền
về giảm nghèo giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với Bộ Thông tin và Truyền
thông và các cơ quan thông tấn ở Trung ương và địa phương;
+ Tổ chức các hoạt động truyền thông về giảm nghèo
theo các nội dung đã được xây dựng trên các phương tiện thông tin tuyên truyền;
- Xây dựng và phát triển mạng lưới cán bộ tuyên
truyền viên, báo cáo viên về giảm nghèo các cấp;
- Nâng cấp và hoàn thiện trang điện tử về giảm
nghèo để tuyên truyền về công tác giảm nghèo ở các địa phương trong cả nước và
quốc tế.
4.3. Hoạt động giám sát, đánh giá thực hiện
Chương trình
- Xây dựng khung kế hoạch tiến độ thực hiện Nghị
quyết số 80/NQ-CP và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015
giảm nghèo;
- Xây dựng khung và hệ thống chỉ tiêu giám sát,
đánh giá chính sách Chương trình, dự án giảm nghèo đặc biệt là thực hiện Nghị
quyết 80/NQ-CP của Chính phủ;
- Xây dựng; cơ chế, phân cấp trách nhiệm cho các cấp
trong việc tổ chức giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chính sách, dự án
giảm nghèo;
- Thiết lập cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý dữ liệu
về giảm nghèo ở các cấp trung ương, tỉnh và huyện phù hợp với các nội dung và
tiêu chí đánh giá 80/NQ-CP của Chính phủ;
- Xây dựng tài liệu hướng dẫn về thiết lập và cập
nhật cơ sở dữ liệu, khai thác thông tin theo dõi, giám sát giảm nghèo cho cán bộ
quản lý các cấp;
- Tổ chức tập huấn về thiết lập và cập nhật cơ sở dữ
liệu, khai thác thông tin theo dõi, giám sát giảm nghèo cho cán bộ quản lý các
cấp độ nâng cao năng lực vận hành hệ thống giám sát, đánh giá và cập nhật thông
tin về giảm nghèo;
- Tổ chức việc theo dõi, giám sát và đánh giá việc
thực hiện 80/NQ-CP và Chương trình giảm nghèo hàng năm ở các cấp;
- Thực hiện đánh giá giữa kỳ Chương trình vào năm
2013 và cuối kỳ vào năm 2015.
5. Tổng kinh phí thực hiện dự án: 1.187 tỷ đồng,
trong đó:
- Ngân sách Trung ương 537 tỷ đồng (45,24%);
- Ngân sách địa phương 50 tỷ đồng (4.2%);
- Viện trợ nước ngoài và các nguồn vốn huy động hợp
pháp khác: 600 tỷ đồng (51.85%).
6. Tổ chức thực hiện
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Văn phòng Giảm
nghèo Quốc gia) chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan của các Bộ, ngành
triển khai thực hiện dự án nâng cao năng lực giảm nghèo, truyền thông và giám
sát đánh giá thực hiện Chương trình tại trung ương; hướng dẫn các địa phương tổ
chức thực hiện; theo dõi giám sát, đánh giá tổng hợp kết quả thực hiện Chương
trình.
- Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế quản lý và sử dụng
tài chính dự án.
- Các Bộ, ngành liên quan đặc biệt là Bộ Thông tin
và Truyền thông phối hợp trong công tác tuyên truyền về tình hình triển khai thực
hiện Chương trình.
- Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc Trung
ương và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã hướng dẫn theo các nội dung của dự án
đã được phê duyệt; chỉ đạo tổ chức thực hiện./.