ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
15/2021/QĐ-UBND
|
Vĩnh Long, ngày
01 tháng 7 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CƠ CHẾ THU HÚT DOANH NGHIỆP HỖ TRỢ KINH
PHÍ CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG VAY VỐN ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH VĨNH LONG GIAI ĐOẠN 2021-2025
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11
năm 2019;
Căn cứ Nghị quyết số
18/2020/NQ-HĐND ngày ngày 11 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh
Long về chính sách cho vay vốn hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài
theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2025;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về cơ chế
thu hút doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí cho người lao động vay vốn đi làm việc ở
nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2025.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 7 năm
2021.
Điều 3.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Tài chính , Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng
Chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Long , thủ trưởng các sở , ban, ngành, đoàn thể tỉnh,
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết
định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- TT. HĐND tỉnh;
- CT, các PCT. UBND tỉnh;
- LĐVP. UBND tỉnh;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Phòng VHXH;
- Lưu: VT, 3.27.02.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Lữ Quang Ngời
|
QUY ĐỊNH
CƠ CHẾ THU HÚT DOANH NGHIỆP HỖ TRỢ KINH PHÍ CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG
VAY VỐN ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG GIAI
ĐOẠN 2021-2025
(Kèm theo Quyết định số 15/2021/QĐ-UBND ngày 01 tháng 7 năm 2021 của Ủy
ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về cơ chế
thu hút doanh nghiệp ủy thác nguồn vốn sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho
người lao động vay vốn theo quy định của Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND ngày 11
tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long về chính sách cho vay vốn
hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh
Vĩnh Long giai đoạn 2021-2025 (sau đây viết tắt là Nghị quyết số
18/2020/NQ-HĐND), bao gồm: Quyền, nghĩa vụ của bên ủy thác và bên nhận ủy thác;
phương thức ủy thác; thời gian ủy thác; thời gian thu hồi và hoàn trả vốn ủy
thác.
2. Đối tượng áp dụng
a) Doanh nghiệp, tổ chức sự
nghiệp được Nhà nước cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm
việc ở nước ngoài có hợp đồng ủy thác nguồn vốn cho Chi nhánh Ngân hàng Chính
sách xã hội tỉnh Vĩnh Long để cho người lao động vay vốn đi làm việc ở nước
ngoài theo hợp đồng (sau đây viết tắt là doanh nghiệp);
b) Các đơn vị, cá nhân có liên
quan thuộc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Long (sau đây viết tắt
là Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh);
c) Các cơ quan, tổ chức, cá
nhân khác có liên quan đến thực hiện cơ chế thu hút doanh nghiệp ủy thác nguồn
vốn sang Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để cho vay.
Điều 2.
Nguyên tắc thực hiện cơ chế
Bảo đảm phù hợp với quy định của
pháp luật, công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện cơ chế ủy thác.
Chương II
CÁC QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3.
Quyền lợi và nghĩa vụ của doanh nghiệp (bên ủy thác)
1. Quyền lợi của doanh nghiệp
a) Hưởng tiền lãi từ nguồn vốn ủy
thác sau khi đã trích lập quỹ dự phòng rủi ro và trả phí quản lý nguồn vốn ủy
thác theo quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 điều này;
b) Được thỏa thuận mức ủy thác
nguồn vốn nhưng không thấp hơn 40% mức người lao động được vay theo quy định điểm
c, khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND, phần còn lại do Ngân sách
tỉnh hỗ trợ cho vay;
c) Được hoàn trả lại nguồn vốn ủy
thác và quỹ dự phòng rủi ro không sử dụng hết sau khi kết thúc hợp đồng ủy
thác đầu tư.
2. Nghĩa vụ của doanh nghiệp
a) Chuyển vốn ủy thác sang Chi
nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh theo đúng cam kết trong hợp đồng ủy thác
đầu tư;
b) Trích một phần tiền lãi thu
được từ nguồn vốn ủy thác cho vay để lập quỹ dự phòng rủi ro theo quy định tại
điểm a Khoản 1 Điều 10 của Quyết định số 15/2020/QĐ-UBND ngày 07/5/2020 của Ủy
ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng ngân
sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với người
nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long và các quyết
định sửa đổi, bổ sung (nếu có);
c) Trích một phần tiền lãi thu
được từ nguồn vốn ủy thác cho vay để trả phí quản lý nguồn vốn ủy thác theo quy
định tại điểm b Khoản 1 Điều 10 của Quyết định số 15/2020/QĐ-UBND ngày
07/5/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long về việc ban hành Quy chế quản lý
và sử dụng ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho
vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Vĩnh
Long và các quyết định sửa đổi, bổ sung (nếu có).
Điều 4. Quyền
lợi và nghĩa vụ của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh (bên nhận ủy
thác)
1. Quyền lợi của Chi nhánh Ngân
hàng Chính sách xã hội tỉnh
a) Sử dụng nguồn vốn do doanh
nghiệp ủy thác để cho người lao động vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp
đồng theo hợp đồng ủy thác đầu tư;
b) Được trích lập Quỹ dự phòng
rủi ro từ tiền lãi thu được của nguồn vốn do doanh nghiệp ủy thác để xử lý nợ rủi
ro phát sinh trong quá trình cho vay vốn;
c) Trích phí quản lý nguồn vốn ủy
thác từ tiền lãi thu được của nguồn vốn do doanh nghiệp ủy thác theo quy định tại
điểm b Khoản 1 Điều 10 của Quyết định số 15/2020/QĐ-UBND ngày 07/5/2020 của Ủy
ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng ngân
sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với người
nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long và các quyết
định sửa đổi, bổ sung (nếu có);
d) Đôn đốc, nhắc nhở doanh nghiệp
thực hiện nghĩa vụ chuyển nguồn vốn ủy thác theo đúng hợp đồng ủy thác đầu tư.
2. Nghĩa vụ của Chi nhánh Ngân
hàng Chính sách xã hội tỉnh
a) Quản lý nguồn vốn do doanh
nghiệp ủy thác và tổ chức cho vay, thu nợ theo đúng quy định của Nghị quyết số
18/2020/NQ-HĐND;
b) Chuyển trả tiền lãi được hưởng
của doanh nghiệp, hoàn trả nguồn vốn ủy thác và quỹ dự phòng rủi ro không sử dụng
hết cho doanh nghiệp theo hợp đồng ủy thác đầu tư;
c) Cung cấp thông tin về tình
hình sử dụng nguồn vốn ủy thác theo yêu cầu của doanh nghiệp.
Điều 5.
Phương thức, thời hạn ủy thác
1. Phương thức ủy thác
Doanh nghiệp ủy thác nguồn vốn
sang Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để cho người lao động vay vốn
đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bằng hợp đồng ủy thác đầu tư giữa Chi
nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh với doanh nghiệp.
2. Thời hạn ủy thác
Thời gian ủy thác đầu tư tương ứng
với thời gian người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, kể cả thời
gian gia hạn nợ, khoanh nợ (nếu có) và cho đến khi người vay trả hết nợ.
Điều 6. Thời
gian chuyển vốn ủy thác
1. Sau khi hợp đồng ủy thác đầu
tư giữa doanh nghiệp và Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh được xác lập,
doanh nghiệp có trách nhiệm chuyển vốn kỳ đầu theo thời gian thỏa thuận trong
hợp đồng.
2. Trước ngày 10 (mười) của
tháng đầu quý, dựa trên số lao động dự kiến xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài
trong quý đó, doanh nghiệp chuyển vốn kỳ tiếp theo cho Chi nhánh Ngân hàng
Chính sách xã hội tỉnh để cho vay theo quy định.
Điều 7. Thời
gian thu hồi và hoàn trả vốn cho doanh nghiệp
1. Nguồn vốn do doanh nghiệp ủy
thác cho vay khi thu hồi được sẽ được chuyển trả cho doanh nghiệp định kỳ 03
tháng một lần đến khi thu hồi hết nợ của người vay.
2. Trong trường hợp doanh nghiệp
không có nhu cầu hoàn vốn hàng quý thì có thể thỏa thuận với Chi nhánh Ngân
hàng chính sách tỉnh sử dụng nguồn vốn thu hồi được để tiếp tục cho vay trong
kỳ tiếp theo.
Điều 8. Xử
lý nợ rủi ro
1. Trong trường hợp vì nguyên
nhân khách quan, đối tượng vay vốn không có khả năng trả nợ làm thiệt hại đến vốn
và tiền lãi của doanh nghiệp thì số nợ rủi ro (kể cả gốc và lãi) sẽ được xử lý
từ nguồn Quỹ dự phòng rủi ro tín dụng đã được trích lập theo quy định tại điểm
b, khoản 2, Điều 3 của Quy định này.
2. Trong trường hợp Quỹ dự
phòng rủi ro không đủ để xử lý thì các cơ quan nhà nước có liên quan: Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội, Sở Tài chính
cùng doanh nghiệp thống nhất giải pháp xử lý theo quy định của pháp luật.
Chương
III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9.
Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
1. Phối hợp với Chi nhánh Ngân
hàng Chính sách xã hội tỉnh và các ngành, địa phương phổ biến nội dung Quy định
này, vận động các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ủy
thác nguồn vốn sang Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để cho người lao
động vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
2. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài
chính, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và các doanh nghiệp để xác định
số lượng lao động đăng ký đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, số lượng lao
động có nhu cầu vay vốn, dự kiến nhu cầu nguồn vốn để cho vay, số vốn doanh
nghiệp ủy thác hỗ trợ cho vay, nhu cầu kinh phí của tỉnh để trình cấp có thẩm
quyền xem xét quyết định, làm cơ sở thực hiện cho năm kế hoạch.
3. Chủ trì, phối hợp với các
ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện
Quy định này, nếu có phát sinh vấn đề cần giải quyết, kịp thời báo cáo xin ý kiến
Ủy ban nhân dân tỉnh.
4. Tham mưu thực hiện công tác
sơ kết, tổng kết; tổng hợp các vấn đề vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực
hiện Quy định này, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết.
Điều 10.
Trách nhiệm của Sở Tài chính
1. Phối hợp Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tham mưu Ủy
ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định xử lý có khoản nợ rủi ro do nguyên nhân
khách quan trong trường hợp Quỹ dự phòng rủi ro không đủ để xử lý.
2. Phối hợp các ngành liên quan
thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy định này.
Điều 11.
Trách nhiệm của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh
1. Ký hợp đồng ủy thác đầu tư với
doanh nghiệp tham gia ủy thác nguồn vốn phù hợp với quy định của Quy định này,
hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện thủ tục chuyển kinh phí ủy thác sang Chi nhánh
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để tổ chức cho người lao động vay vốn đi làm
việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Sau khi ký hợp đồng ủy thác đầu tư với doanh
nghiệp, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh gửi 01 bản (sao) hợp đồng về
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để phối hợp giám sát thực hiện.
2. Phối hợp với các ngành liên
quan, các doanh nghiệp, địa phương phổ biến nội dung Quy định này để triển khai
thực hiện; phối hợp thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời báo cáo Ủy
ban nhân dân tỉnh hoặc phản hồi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đối với
những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện Quy định này; định kỳ vào ngày
10 của tháng đầu mỗi quý báo cáo tình hình, kết quả thực hiện quy định này của
quý trước về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Ủy ban
nhân dân tỉnh hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu.
Điều 12.
Trách nhiệm của doanh nghiệp ủy thác nguồn vốn hỗ trợ người lao động vay vốn đi
làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
1. Ký hợp đồng ủy thác đầu tư với
Chi nhánh ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng
Chính sách xã hội tỉnh thực hiện thủ tục chuyển vốn ủy thác để cho người lao động
vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và hỗ trợ thực hiện các thủ tục
cho người lao động vay vốn, thu hồi vốn vay theo quy định.
2. Phản ảnh những vướng mắc, bất
cập trong thực hiện Quy định này đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để kịp thời tổng hợp, báo cáo xin ý
kiến Ủy ban nhân dân tỉnh./.