Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 1464/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 1464/QĐ-TTg
Ngày ban hành 21/08/2014
Ngày có hiệu lực 21/08/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Vũ Đức Đam
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị,Văn hóa - Xã hội

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1464/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 21 tháng 08 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN XÂY DỰNG BẢO TÀNG BÁO CHÍ VIỆT NAM

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;

Căn cứ Quyết định số 156/2005/QĐ-TTg ngày 23 tháng 6 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống Bảo tàng Việt Nam đến năm 2020”;

Căn cứ Công văn số 1353/TTg-KGVX ngày 01 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc đồng ý bổ sung Bảo tàng Báo chí Việt Nam vào Quy hoạch tổng thể hệ thống Bảo tàng Việt Nam đến năm 2020;

Xét đề nghị của Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam với những nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu

a) Tạo dựng một thiết chế văn hóa tương xứng với vị thế và tầm vóc phát triển của báo chí Việt Nam trong lịch sử cận - hiện đại của dân tộc, nhằm lưu giữ, phát huy giá trị di sản báo chí; giới thiệu tổng quát về lịch sử báo chí Việt Nam, về sự phát triển phong phú đa dạng của các loại hình báo chí Việt Nam; phục vụ nhu cầu nghiên cứu khoa học, học tập, giảng dạy và hưởng thụ văn hóa của công chúng trong và ngoài nước.

b) Tích cực góp phần bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc, giáo dục lịch sử, văn hóa, truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của cha ông, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

c) Tôn vinh các thế hệ nhà báo, đặc biệt là các nhà báo cách mạng trước và trong Cách mạng Tháng 8 năm 1945; các nhà báo - chiến sỹ có những cống hiến xuất sắc trong các cuộc đấu tranh giành, độc lập, bảo vệ Tổ quốc và trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước; tôn vinh và ghi nhận những đóng góp lớn lao của các tờ báo, cơ quan báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam.

2. Yêu cầu

a) Bảo tàng Báo chí Việt Nam phải thực hiện được chức năng sưu tầm, bảo quản, trưng bày hiện vật, giới thiệu lịch sử phát triển báo chí Việt Nam qua các thời kỳ, đặc biệt là nền báo chí cách mạng. Việc trưng bày phải bảo đảm tính khoa học, tính dân tộc và hiện đại; đồng thời bảo đảm tính toàn diện, làm nổi bật những sự kiện, những mốc lịch sử, những thành tựu mọi mặt của báo chí Việt Nam, khẳng định được vai trò to lớn của báo chí cách mạng trong lịch sử đất nước và đời sống xã hội thời kỳ cận - hiện đại.

b) Bảo tàng Báo chí Việt Nam là bảo tàng chuyên ngành, phải gắn kết chặt chẽ, hài hòa với các bảo tàng có liên quan trong hệ thống bảo tàng Việt Nam, góp phần bảo tồn và phát huy di sản lịch sử, văn hóa dân tộc, giáo dục truyền thống báo chí cách mạng cho các thế hệ người làm báo Việt Nam; phải là một địa chỉ văn hóa hấp dẫn, xứng tầm với lịch sử phát triển của báo chí Việt Nam; thường xuyên tiếp cận, phản ánh kịp thời và khách quan những kết quả nghiên cứu mới đã được thừa nhận trong lĩnh vực báo chí - truyền thông cũng như các thành tựu đạt được trong hoạt động truyền thông báo chí; ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại trong các khâu công tác bảo tàng; mở rộng quan hệ hợp tác giới thiệu di sản báo chí Việt Nam với các bảo tàng trong và ngoài nước; thực hiện hợp tác quốc tế về bảo tàng, đặc biệt là bảo tàng chuyên ngành báo chí, theo quy định của pháp luật, góp phần phát triển sự nghiệp bảo tàng Việt Nam.

c) Bảo tàng Báo chí Việt Nam phải trở thành một trung tâm thông tin xác thực, “ngân hàng dữ liệu” về báo chí Việt Nam, phục vụ việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản báo chí Việt Nam, góp phần đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên ngành báo chí cho đội ngũ cán bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển sự nghiệp báo chí và sự nghiệp bảo tàng Việt Nam.

3. Cấu trúc nội dung trưng bày, sưu tầm bổ sung tài liệu hiện vật mới và đào tạo bổ sung nguồn nhân lực bảo tàng Báo chí Việt Nam

a) Bảo tàng Báo chí Việt Nam bao gồm các khu chức năng chính:

- Khu trưng bày trung tâm về chủ đề “Bác Hồ với báo chí - Báo chí với Bác Hồ”;

- Các khu chức năng khác để bảo đảm thực hiện mục tiêu, chức năng của Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

b) Căn cứ vào cấu trúc nội dung trưng bày, Hội Nhà báo Việt Nam xây dựng nội dung chi tiết và hình thức trưng bày Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

c) Hội Nhà báo Việt Nam chỉ đạo Bảo tàng Báo chí Việt Nam xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch hàng năm về công tác sưu tầm, bổ sung tài liệu, hiện vật mới và đào tạo đội ngũ cán bộ có đủ trình độ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng được yêu cầu về công tác xây dựng, quản lý, vận hành Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

4. Địa điểm xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam

Bảo tàng Báo chí Việt Nam đặt tại khuôn viên Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí Hội Nhà báo Việt Nam, địa chỉ tại Ô E2, Khu đô thị mới Cầu Giấy, đường Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

5. Các dự án thành phần của Đề án

[...]