Quyết định 1440/QĐ-BNN-KH năm 2014 phê duyệt Kế hoạch đổi mới cơ cấu và cơ chế đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư công phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 1440/QĐ-BNN-KH
Ngày ban hành 27/06/2014
Ngày có hiệu lực 27/06/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Cao Đức Phát
Lĩnh vực Đầu tư,Tài chính nhà nước

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1440/QĐ-BNN-KH

Hà Nội, ngày 27 tháng 06 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH ĐỔI MỚI CƠ CẤU VÀ CƠ CHẾ ĐẦU TƯ NÂNG CAO HIỆU QUẢ ĐẦU TƯ CÔNG PHỤC VỤ TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG NÂNG CAO GIÁ TRỊ GIA TĂNG VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG GẮN VỚI XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 19/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”,

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch đổi mới cơ cấu và cơ chế đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư công phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới với các nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC ĐÍCH VÀ NGUYÊN TẮC ĐỔI MỚI

1. Mục đích

a) Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công trong ngành nông nghiệp, phục vụ tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới.

b) Huy động tối đa nguồn lực xã hội, đầu tư tư nhân vào nông nghiệp, nông thôn; tăng tỷ trọng vốn đầu tư ngoài ngân sách trong tổng vốn đầu tư của ngành.

2. Nguyên tắc đổi mới

a) Phù hợp với định hướng tái cơ cấu đầu tư công của cả nước theo hướng đổi mới cơ chế phân bổ và quản lý sử dụng vốn, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán và lãng phí, nâng cao hiệu quả đầu tư nhà nước.

b) Lấy hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường làm mục tiêu ưu tiên lựa chọn dự án đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư và phân bổ vốn hàng năm.

c) Ngân sách nhà nước tập trung đầu tư vào các dịch vụ công, các lĩnh vực/dự án mà không có khả năng hoặc khả năng thu hồi vốn không cao, không thể huy động đầu tư tư nhân.

d) Mở rộng tối đa phạm vi và cơ hội cho đầu tư tư nhân; phát triển các hình thức đầu tư có sự tham gia của nhà nước và tư nhân.

Phù hợp với khả năng nguồn vốn được giao; việc phân bổ, quản lý và giám sát sử dụng vốn đầu tư phải tuân theo kế hoạch chi tiêu trung hạn.

e) Đảm bảo tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong công tác quản lý, sử dụng đầu tư công từ ngân sách nhà nước và các nguồn hợp tác phát triển.

II. ĐỊNH HƯỚNG VÀ NỘI DUNG

1. Định hướng chung

1.1. Về cơ cấu đầu tư

- Điều chỉnh cơ cấu đầu tư công theo hướng tăng tỷ trọng vốn đầu tư cho các lĩnh vực sản xuất có lợi thế (khai thác, nuôi trồng thủy sản, trồng trọt cây trồng lợi thế, chăn nuôi, lâm nghiệp, nghề muối); tăng cường năng lực nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ, đào tạo, dịch vụ công cho ngành.

- Điều chỉnh cơ cấu đầu tư công các vùng theo hướng tăng tỷ trọng đầu tư cho các vùng có lợi thế phát triển nông nghiệp hàng hóa (Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên), hỗ trợ xóa đói giảm nghèo ở vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số (miền núi phía Bắc, Tây Nguyên...), vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.

- Trong từng ngành, lĩnh vực, thực hiện điều chỉnh các ưu tiên đầu tư công theo định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Ưu tiên đầu tư công trong nông nghiệp sẽ thay đổi như sau:

Lĩnh vực thủy sản:

+ Tăng đầu tư cơ sở hạ tầng cho nuôi trồng thủy sản tập trung, phát triển giống thủy sản, hệ thống cảnh báo và giám sát môi trường, hệ thống quản lý dịch bệnh và thú y thủy sản.

[...]