Quyết định 1425/QĐ-BYT năm 2017 phê duyệt "Hướng dẫn giám sát hội chứng đầu nhỏ ở thai nhi và trẻ sơ sinh nghi do vi rút Zika" do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 1425/QĐ-BYT
Ngày ban hành 13/04/2017
Ngày có hiệu lực 13/04/2017
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Nguyễn Viết Tiến
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

Số: 1425/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 13 tháng 04 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT HƯỚNG DẪN GIÁM SÁT HỘI CHỨNG ĐẦU NHỎ Ở THAI NHI VÀ TRẺ SƠ SINH NGHI DO VI RÚT ZIKA”

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Hướng dẫn giám sát hội chứng đầu nhỏ ở thai nhi và trẻ sơ sinh nghi do vi rút Zika”.

Điều 2. “Hướng dẫn giám sát hội chứng đầu nhỏ ở thai nhi và trẻ sơ sinh nghi do vi rút Zika” là cơ sở để các đơn vị y tế triển khai thực hiện các hoạt động giám sát hội chứng đầu nhỏ ở thai nhi và trẻ sơ sinh.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.

Điều 4. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Bộ, Chánh thanh tra Bộ, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, và các Vụ trưởng, Cục trưởng, Tổng Cục trưởng của Bộ Y tế; Giám đốc các viện, Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Thủ trưởng Y tế ngành; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để biết);
- Website Bộ Y tế;
- Cổng Thông tin điện tử Bộ Y tế;
- Lưu: VT, BMTE.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Viết Tiến

 

HƯỚNG DẪN

GIÁM SÁT HỘI CHỨNG ĐẦU NHỎ Ở THAI NHI VÀ TRẺ SƠ SINH NGHI DO VIRUT ZIKA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1425/QĐ-BYT ngày 13/4/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

I. Tổng quan

1. Thông tin chung về bệnh do vi rút Zika

Bệnh do vi rút Zika là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi truyền (muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết). Vi rút này được phát hiện đầu tiên trên khỉ vào năm 1947 tại khu rừng Zika của Uganda, sau đó phát hiện trên muỗi Aedes tại nước này vào năm 1948. Năm 1952, phát hiện đầu tiên trên người tại Uganda và Tanzania thuộc khu vực châu Phi. Bệnh do vi rút Zika có thời gian ủ bệnh từ 3-12 ngày, người mắc bệnh thường có biểu hiện sốt, phát ban và một số triệu chứng khác như đau cơ, nhức đầu, đau mắt. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều có khả năng hồi phục hoàn toàn, tuy vậy khoảng 80% trường hợp nhiễm vi rút Zika không có biểu hiện triệu chứng. Song đáng chú ý là hiện nay đã có sự gia tăng đáng kể các trường hợp mắc chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh tại các khu vực có dịch bệnh do vi rút Zika lưu hành. Ngoài phương thức lây truyền chủ yếu của vi rút Zika qua muỗi Aedes, còn có một số bằng chứng cho thấy vi rút có thể lây truyền qua đường máu, tình dục và từ mẹ sang con. Hiện bệnh chưa có thuốc điều trị và vắc xin phòng bệnh.

2. Đặc điểm dịch tễ học

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, trước năm 2007, không có ổ dịch lớn nào do vi rút Zika gây ra. Năm 2007, vụ dịch đầu tiên xảy ra tại đảo Yap (Micronesia) với 185 trường hợp bệnh trong vòng 13 tuần. Tháng 10 năm 2013 ghi nhận vụ dịch lớn tại Polynesia của Pháp với khoảng 10.000 ca bệnh, sau đó dịch bệnh lây lan ra các đảo khu vực Thái Bình Dương, bao gồm cả New Caledonia, đảo Cook, đảo Easter. Năm 2013, tại Thái Lan cũng đã ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh do vi rút Zika tại một số tỉnh, thành phố. Nước này cho rằng vi rút Zika có thể đã lưu hành trong nước. Năm 2015 các vụ dịch lan rộng ở khu vực trung và nam Mỹ, đặc biệt tại Brazil, đồng thời ghi nhận rải rác các ca xâm nhập được báo cáo tại một số nước khu vực khác.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong thời gian từ 01/01/2007 đến ngày 10/3/2017 đã có 148 quốc gia và vùng lãnh thổ thông báo có sự lưu hành hoặc có sự lây truyền vi rút Zika qua muỗi. Có 13 quốc gia báo cáo trường hợp nhiễm vi rút Zika lây truyền từ người sang người.

Ca nhiễm vi rút Zika đầu tiên tại Việt Nam được phát hiện vào tháng 4 năm 2016 tại TP. Hồ Chí Minh. Cho đến tháng 3/2017, Việt Nam ghi nhận 231 trường hợp nhiễm Zika tại 12 tỉnh/thành phố là Tp Hồ Chí Minh (199), Bình Dương (9), Khánh Hòa (7), Đồng Nai (6), Đắk Lắk (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (2), Phú Yên (1), Long An (1), Tây Ninh (1), Cần Thơ (1), Bình Phước (1), Lâm Đồng (1). Ca hội chứng đầu nhỏ đầu tiên nhiều khả năng do Zika được ghi nhận tại Đắk Lắk vào ngày 31/10/2016. Các ca nhiễm Zika tại Việt Nam là các ca nội địa, không có tiền sử đi lại hay tiếp xúc với người mắc Zika và tập trung ở vùng dân số đông, có lưu hành các bệnh lây truyền qua véc tơ là muỗi Aedes.

Hội chứng đầu nhỏ nhiều khả năng nghi do vi rút Zika được báo cáo tại 31 quốc gia và vùng lãnh thổ. Khu vực Đông Nam Á có Thái Lan và Việt Nam là 2 nước thông báo các ca đầu nhỏ nhiều khả năng nghi do vi rút Zika. Cuộc họp khẩn cấp lần thứ 3 của Ủy ban khẩn cấp, WHO đã khẳng định vi rút Zika gây nên biến chứng thần kinh là hội chứng đầu nhỏ và Guillain Barré (GBS). WHO khuyến cáo các quốc gia trên thế giới thiết lập hệ thống giám sát hội chứng đầu nhỏ trong bối cảnh dịch bệnh Zika lưu hành hay có nguy cơ bùng phát dịch tại cộng đồng.

Báo cáo các ca đầu nhỏ gặp nhiều khó khăn do khác biệt về định nghĩa ca bệnh và đối tượng đích. Có nhiều căn nguyên gây đầu nhỏ, phổ biến là: a) Nhiễm trùng trong tử cung (bệnh do toxoplasma, rubella, herpes, giang mai, cytomegalovirus và HIV); b) Phơi nhiễm với các hóa chất độc (kim loại nặng như arsenic và thủy ngân, rượu, phóng xạ và hút thuốc); c) Bất thường di truyền như hội chứng Down; và d) Suy dinh dưỡng nghiêm trọng trong thời kỳ mang thai. Các bằng chứng khoa học hiện nay đã chứng minh nhiễm vi rút Zika trong quá trình mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ là một trong những nguyên nhân gây hội chứng đầu nhỏ ở thai nhi. Không có điều trị đặc hiệu cho các trường hợp đầu nhỏ.

Chẩn đoán trước sinh đầu nhỏ có thể dựa vào siêu âm thai, tuy nhiên thường phải từ tuần thai thứ 28 trở đi mới có thể phát hiện được. Tất cả trẻ mới sinh cần được đo vòng đầu theo dụng cụ và kỹ thuật tiêu chuẩn của WHO trong vòng 24 giờ sau sinh. Kết quả đo vòng đầu sau đó so sánh với bảng chuẩn về vòng đầu theo tuổi và giới của trẻ.

Trẻ có đầu nhỏ có thể có biểu hiện đa dạng về bệnh thần kinh bao gồm động kinh, thiểu năng trí tuệ, không có khả năng học, điếc hay giảm thị lực/mù. Các biểu hiện của trẻ đầu nhỏ do Zika vẫn đang được tiếp tục theo dõi tại các nước có dịch lưu hành.

3. Hiện trạng kiểm soát hội chứng đầu nhỏ tại Việt Nam

Siêu âm thai (bao gồm đo kích thước của đầu) để theo dõi sự phát triển của thai nhi nằm trong quy trình chăm sóc trước sinh. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có biểu đồ chuẩn về kích thước của đầu theo tuổi thai và giới. Quy trình siêu âm trong đó có đo kích thước của đầu chưa được chuẩn hóa và thống nhất trong hệ thống sản khoa trên toàn quốc. Tương tự như vậy, việc đo vòng đầu và ghi chép số đo vòng đầu ở trẻ sơ sinh ở Việt Nam chưa được thực hiện thường quy và chuẩn xác. Theo tài liệu “Các giá trị sinh học người Việt Nam bình thường thập kỷ 90 - Thế kỷ XX” (Nhà xuất bản Y học năm 2003), chỉ số bình thường về vòng đầu theo tuổi, giới ở trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 6 tuổi ở Việt Nam đều thấp hơn so với thế giới. Hiện tại Việt Nam đang áp dụng tiêu chuẩn của thế giới trong đánh giá đầu nhỏ.

[...]