Quyết định 137/2006/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020” do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 137/2006/QĐ-TTg
Ngày ban hành 14/06/2006
Ngày có hiệu lực 09/07/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phạm Gia Khiêm
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

 THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: 137/2006/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 14 tháng 6 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT “CHIẾN LƯỢC NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ VŨ TRỤ ĐẾN NĂM 2020”

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 22 tháng 6 năm 2000;
Căn cứ Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam đến năm 2010;
Xét đề nghị của Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam,

Điều 1. Phê duyệt “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ Việt Nam đến năm 2020” kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Tổ chức thực hiện Chiến lược:

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan thực hiện các nhiệm vụ cụ thể được giao trong Chiến lược, định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:

- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Học viện Hành chính quốc gia;
- VPCP: BTCN, TBNC, các PCN, BNC,
 Website Chính phủ, Ban Điều hành 112,
 Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
 các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KG (5b). A.

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Phạm Gia Khiêm

 

 

CHIẾN LƯỢC

NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ VŨ TRỤ ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 137/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 6 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ)

MỞ ĐẦU

Công nghệ vũ trụ (CNVT) là một lĩnh vực công nghệ cao được hình thành nhờ tích hợp nhiều ngành công nghệ khác nhau nhằm tạo ra các phương tiện như vệ tinh, tàu vũ trụ, tên lửa, trạm mặt đất, v.v… để khám phá, chinh phục và sử dụng khoảng không vũ trụ phục vụ lợi ích của con người.

Tháng 10 năm 1957, Liên Xô đã phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên của thế giới. Bốn năm sau, vào tháng 4 năm 1961, con tàu vũ trụ đầu tiên do phi công vũ trụ người Nga Y. Gagarin điều khiển đã bay quanh trái đất. Tháng 7 năm 1969, nhà du hành vũ trụ người Mỹ Neil Armstrong là người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng. Những sự kiện lịch sử này đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lĩnh vực chinh phục vũ trụ của loài người.

Qua gần 50 năm phát triển, ngày nay khoa học và công nghệ vũ trụ đã được ứng dụng hết sức rộng rãi và có hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế, an ninh, quốc phòng, … của hầu hết các quốc gia tiên tiến trên thế giới, kể cả tại nhiều nước đang phát triển. Bước sang thế kỷ 21, một số nước đã đặt mục tiêu cao hơn: xây dựng căn cứ trên mặt trăng để khai thác và trung chuyển người lên sao Hoả.

Nhà nước ta đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của lĩnh vực khoa học và công nghệ vũ trụ. Ngày 27 tháng 12 năm 1979, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 454/CP thành lập “Ủy ban Nghiên cứu vũ trụ Việt Nam” và giao cho Ủy ban thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị nội dung khoa học cho “Chuyến bay vũ trụ Liên Xô - Việt Nam”. Từ 23 đến 31 tháng 7 năm 1980, chuyến bay hỗn hợp Xô - Việt đã được thực hiện thành công. Phi công vũ trụ đầu tiên của Việt Nam Phạm Tuân đã cùng bay với nhà du hành vũ trụ Nga V.V Gorơbatcô và thực hiện một số thí nghiệm khoa học trong vũ trụ.

 Trong những năm qua, một số thành tựu của khoa học và công nghệ vũ trụ đã được triển khai ứng dụng ở nước ta, đặc biệt trong các lĩnh vực thông tin liên lạc, khí tượng thủy văn, viễn thám, định vị nhờ vệ tinh, ... Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, phạm vi và hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng CNVT ở nước ta còn hạn chế, chưa tương xứng với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và trong tương lai của đất nước.

Nhằm mục tiêu thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng CNVT, đưa CNVT phục vụ thiết thực và có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá và phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước, từ giữa năm 2002 Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành có liên quan xây dựng đề án “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020”. Ngày 31 tháng 12 năm 2003, tại Quyết định số 272/2003/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam đến năm 2010” trong đó đã khẳng định CNVT là một trong các hướng công nghệ trọng điểm.

“Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020” nhằm xác định mục tiêu, nội dung và giải pháp nghiên cứu và ứng dụng CNVT đến năm 2020 phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta và phân công thực hiện chiến lược giữa các Bộ, ngành, địa phương.

Nội dung của Chiến lược gồm 6 phần:

I. Tình hình phát triển và ứng dụng CNVT trên thế giới.

II. Tình hình và nhu cầu nghiên cứu và ứng dụng CNVT ở Việt Nam.

III. Quan điểm chỉ đạo và mục tiêu của chiến lược.

IV. Nhiệm vụ.

[...]