Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 136/QĐ-BTP năm 2009 ban hành Chương trình công tác trọng tâm của ngành Tư pháp năm 2009 do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 136/QĐ-BTP
Ngày ban hành 14/01/2009
Ngày có hiệu lực 14/01/2009
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Hà Hùng Cường
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 136/QĐ-BTP

Hà Nội, ngày 14 tháng 01 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH CÔNG TÁC TRỌNG TÂM CỦA NGÀNH TƯ PHÁP NĂM 2009

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Căn cứ Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Căn cứ Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2009 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, Điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2009;
Xét đề nghị của Chánh Văn phòng Bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình công tác trọng tâm của ngành Tư pháp năm 2009.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Thủ trưởng Tổ chức pháp chế các Bộ, ngành, Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3 (để thực hiện);
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ (để phối hợp);
- Các Thứ trưởng;
- Thường vụ Đảng uỷ, Người đứng đầu các đoàn thể cơ quan Bộ (để phối hợp);
- Cục Công nghệ thông tin (đưa lên Cổng thông tin điện tử);
- Báo Pháp luật Việt Nam;
- Lưu: VT, TH.

BỘ TRƯỞNG




Hà Hùng Cường

 

CHƯƠNG TRÌNH CÔNG TÁC TRỌNG TÂM

CỦA NGÀNH TƯ PHÁP NĂM 2009

(Ban hành kèm theo Quyết định số 136/QĐ-BTP Ngày 14 tháng 01 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)

Ngành Tư pháp triển khai nhiệm vụ công tác năm 2009 trong bối cảnh có nhiều Điều kiện thuận lợi: sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác tư pháp ngày càng lớn, thể hiện rõ qua những chủ trương, chiến lược về hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN; thể chế, bộ máy của Ngành đã được kiện toàn một bước; chức năng, nhiệm vụ được mở rộng; vai trò, vị thế của Ngành trong hệ thống chính trị ngày càng được nâng cao; sự phối hợp giữa ngành Tư pháp với các Bộ, ngành, địa phương ngày càng được tăng cường.

Bên cạnh đó, năm 2009 cũng đặt ra cho Ngành nhiều khó khăn, thách thức: khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu cùng với những hạn chế, bất cập nội tại của nền kinh tế nước ta có tác động tiêu cực đến sự tăng trưởng kinh tế, tạo thêm khó khăn mới cho việc thực hiện nhiệm vụ của bộ máy nhà nước nói chung và của ngành Tư pháp nói riêng; Ngành phải triển khai thực hiện những nhiệm vụ mới, phức tạp, trong khi quá trình hội nhập và phát triển của đất nước, kỳ vọng của người dân vào công lý, công bằng xã hội đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với công tác tư pháp.

Trong bối cảnh đó, toàn Ngành quyết tâm nắm bắt cơ hội, vượt qua khó khăn, thách thức, triển khai đồng bộ các mặt công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình, chú trọng thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, thiết thực góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009, Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, Điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2009.

I. CÁC CÔNG TÁC TRỌNG TÂM NĂM 2009

1. Triển khai thực hiện tốt Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, góp phần đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); chuẩn bị các Điều kiện cần thiết để triển khai công tác theo dõi chung về thi hành pháp luật

1.1. Hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng các dự án, dự thảo văn bản pháp luật mà Ngành được giao chủ trì soạn thảo. Tham mưu kịp thời cho Chính phủ trong việc phân công soạn thảo, tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, tạo chuyển biến cơ bản về tiến độ và chất lượng soạn thảo. Phối hợp với Văn phòng Chính phủ tham mưu cho Chính phủ giải quyết một bước cơ bản tình trạng nợ nghị định và các văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh thuộc thẩm quyền của Chính và Thủ tướng Chính phủ.

Tổ chức pháp chế Bộ, ngành, các cơ quan Tư pháp địa phương chủ động tham gia tích cực vào hoạt động xây dựng pháp luật ở Bộ, ngành, địa phương mình, thực sự trở thành bộ phận tham mưu, chỗ dựa đáng tin cậy cho các Bộ, ngành, HĐND, UBND trong việc xây dựng chính sách, pháp luật.

Đổi mới quy trình xây dựng pháp luật theo Luật Ban hành VBQPPL; tổ chức tốt việc tổng kết thực tiễn, Điều tra xã hội học, nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài, rà soát các quy định hiện hành có liên quan; xây dựng quy chế hoạt động của Ban soạn thảo, Tổ biên tập, kế hoạch triển khai xây dựng các dự án luật một cách hợp lý, khoa học; tăng cường trách nhiệm, tính chủ động của đơn vị được phân công chủ trì; phát huy trí tuệ tập thể, thực sự cầu thị, lắng nghe dư luận xã hội, tiếp thu ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương, ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài Ngành; hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ xây dựng pháp luật phải đi trước một bước; phát huy có hiệu quả vai trò của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Báo Pháp luật Việt Nam, Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Báo Pháp luật và Xã hội; tranh thủ các cơ quan thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền, giới thiệu về các dự án luật, pháp lệnh do ngành Tư pháp chủ trì soạn thảo.

1.2. Tạo chuyển biến mạnh về chất lượng thẩm định VBQPPL, Điều ước quốc tế, chú trọng đánh giá tính khả thi, phát hiện nhằm loại bỏ các chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật; khuyến khích những điểm mới mang tính đột phá của các đề án, dự án VBQPPL, tập trung mạnh vào các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, đất đai, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực. Chủ động tham gia ngày từ đầu quá trình soạn thảo, tăng cường phối hợp với các cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL. Triển khai thực hiện Quy chế mới về thẩm định VBQPPL, Điều ước quốc tế của Bộ (khi được ban hành) .

1.3. Tiếp tục triển khai có hiệu quả hoạt động kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL theo thẩm quyền; theo dõi, đôn đốc quá trình xử lý văn bản trái pháp luật đã được phát hiện; thực hiện tốt việc rà soát các VBQPPL trong khuôn khổ nghĩa vụ thành viên WTO. Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án tổng rà soát hệ thống pháp luật Việt Nam, Đề án về đổi mới và nâng cao hiệu quả trong công tác rà soát, hệ thống hóa VBQPPL, Đề án tăng cường năng lực trong công tác kiểm tra, xử lý VBQPPL sau khi được phê duyệt.

1.4. Xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch về theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi cả nước; hướng dẫn, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện việc theo dõi, đánh giá, báo cáo về tình hình thi hành pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành, địa phương.

2. Tiếp tục tổ chức thực hiện Chỉ thị số 21/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; chuẩn bị các Điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện tốt Luật Thi hành án dân sự, Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Luật Thi hành án dân sự nhằm tạo chuyển biến mạnh trong công tác THADS

2.1. Toàn ngành THADS phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu thi hành xong 75 % về việc và 55% về tiền trên số vụ việc có Điều kiện thi hành, giảm từ 10 đến 15% án tồn đọng; giải quyết khiếu nại đúng thời hạn, đúng pháp luật ngay từ cơ sở, giảm thiểu những khiếu nại phức tạp mới phát sinh; giảm từ 20 đến 25 % các vụ khiếu nại phức tạp, kéo dài; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án về tăng cường cơ sở vật chất, xây dựng trụ sở, kho vật chứng, kinh phí hoạt động cho các cơ quan THADS.

Rà soát, đề nghị miễn thi hành các khoản thu cho ngân sách Nhà nước có giá trị không quá 500.000 đồng mà thời gian tổ chức thi hành án đã quá 05 năm tính đến ngày 01/7/2009 nhưng không có Điều kiện thi hành.

[...]