Thứ 5, Ngày 31/10/2024

Quyết định 1346/2001/QĐ-NHNN quy định thủ tục nhờ thu thương phiếu qua Ngân hàng do Thống đốc Ngân hàng nhà nước ban hành

Số hiệu 1346/2001/QĐ-NHNN
Ngày ban hành 29/10/2001
Ngày có hiệu lực 13/11/2001
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Ngân hàng Nhà nước
Người ký Nguyễn Thị Kim Phụng
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1346/2001/QĐ-NHNN

Hà Nội, ngày 29 tháng 10 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC SỐ 1346/2001/QĐ-NHNN NGÀY 29 THÁNG 10 NĂM 2001 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH THỦ TỤC NHỜ THU THƯƠNG PHIẾU QUA NGÂN HÀNG

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật các Tổ chức tín dụng số 01/1997/QH10 ngày 12 /12/1997;
Căn cứ Pháp lệnh Thương phiếu ngày 24-12-1999;
Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 02/3/1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 32/2001/NĐ-CP ngày 5/7/2001 của Chính phủ Hướng dẫn chi tiết thi hành Pháp lệnh thương phiếu.
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế toán - Tài chính Ngân hàng Nhà nước,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành theo quyết định này "Quy định thủ tục nhờ thu thương phiếu qua Ngân hàng".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Kế toán - Tài chính, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố; Tổng giám đốc (Giám đốc) Ngân hàng thương mại, Ngân hàng đầu tư, Ngân hàng chính sách, Ngân hàng hợp tác và các loại hình Ngân hàng khác chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

Nguyễn Thị Kim Phụng

(Đã ký)

 

QUY ĐỊNH

THỦ TỤC NHỜ THU THƯƠNG PHIẾU QUA NGÂN HÀNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1346/2001/QĐ-NHNN ngày 29 tháng 10 năm 2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước)

I- QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1- Quy định thủ tục nhờ thu thương phiếu qua Ngân hàng này quy định cụ thể về trình tự giao nhận, kiểm soát, xử lý, thanh toán thương phiếu nhờ thu qua Ngân hàng thương mại, Ngân hàng phát triển, Ngân hàng đầu tư, Ngân hàng chính sách, Ngân hàng hợp tác và các loại hình ngân hàng khác (sau đây gọi tắt là Ngân hàng) đang hoạt động kinh doanh tại Việt nam.

Quy định thủ tục nhờ thu thương phiếu qua ngân hàng này không áp dụng cho các trường hợp sau đây:

- Thương phiếu không phát sinh từ hoạt động thương mại, không liên quan đến hoạt động tín dụng ngân hàng trong việc phát hành và không được thanh toán tại Việt nam.

- Người ký phát, người bị ký phát, người phát hành, người chuyển nhượng, người bảo lãnh, người nhận cầm cố, người thụ hưởng thương phiếu không mở tài khoản tại ngân hàng và không phải là doanh nghiệp quy định tại điều 2 Pháp lệnh thương phiếu.

Điều 2- Điều kiện đối với thương phiếu được nhờ thu qua ngân hàng

Thương phiếu được chuyển giao nhờ thu qua Ngân hàng khi có đủ các điều kiện sau:

1- Là Thương phiếu hợp lệ: Thương phiếu được lập và phát hành phù hợp với quy định của Pháp lệnh thương phiếu và Nghị định số 32/2001/NĐ-CP ngày 5/7/2001 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành Pháp lệnh thương phiếu; Các nội dung trên tờ thương phiếu và tờ phụ đính kèm (nếu có) phải được ghi đầy đủ, rõ ràng, chính xác theo đúng quy định và phải có chữ ký, họ tên, địa chỉ của người ký phát Hối phiếu hoặc của người phát hành Lệnh phiếu. Yếu tố ngày, tháng ký phát hành thương phiếu phải ghi bằng chữ, năm ký phát ghi bằng số.

2- Thời hạn thanh toán của thương phiếu phải còn tối thiểu là 15 ngày kể từ ngày giao cho ngân hàng nhận nhờ thu đến ngày hết hạn thanh toán ghi trên thương phiếu. Trường hợp thời hạn thanh toán của thương phiếu còn ít hơn 15 ngày thì phải được ngân hàng nhận nhờ thu chấp thuận bằng văn bản.

Điều 3- Giải thích thuật ngữ

Trong Quy định này, các thuật ngữ sau đây được hiểu như sau:

Người nhờ thu (hay khách hàng nhờ thu): là người thụ hưởng thương phiếu đồng thời là người thực hiện việc chuyển giao thương phiếu cho ngân hàng để thu hộ tiền.

Người trả tiền: là người bị ký phát Hối phiếu, người phát hành Lệnh phiếu hoặc người có trách nhiệm phải thanh toán số tiền ghi trên thương phiếu theo quy định của pháp luật.

Ngân hàng phục vụ người thụ hưởng: Là ngân hàng giữ tài khoản tiền gửi của người thụ hưởng.

Ngân hàng phục vụ người trả tiền: là ngân hàng giữ tài khoản tiền gửi của người trả tiền.

Ngân hàng nhận nhờ thu : là ngân hàng nhận thương phiếu từ người nhờ thu để thu hộ số tiền ghi trên thương phiếu. Ngân hàng nhận nhờ thu có thể là ngân hàng phục vụ người thụ hưởng hoặc ngân hàng phục vụ người trả tiền.

[...]