Quyết định 1335/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Đề án "Thúc đẩy công tác đề nghị Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường trong các vụ việc phòng vệ thương mại" do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 1335/QĐ-TTg
Ngày ban hành 10/11/2023
Ngày có hiệu lực 10/11/2023
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Trần Lưu Quang
Lĩnh vực Thương mại

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1335/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 10 tháng 11 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “THÚC ĐẨY CÔNG TÁC ĐỀ NGHỊ HOA KỲ CÔNG NHẬN VIỆT NAM LÀ QUỐC GIA CÓ NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG TRONG CÁC VỤ VIỆC PHÒNG VỆ THƯƠNG MẠI”.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Quản lý ngoại thương ngày 12 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại;

Căn cứ Nghị định số 96/2022/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương tại văn bản số 7720/BCT-PVTM ngày 03 tháng 11 năm 2023,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Thúc đẩy công tác đề nghị Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường trong các vụ việc phòng vệ thương mại” với các nội dung chủ yếu sau:

I. Mục tiêu

1. Mục tiêu chung

Thúc đẩy công tác đề nghị Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường (KTTT).

2. Mục tiêu cụ thể và lộ trình thực hiện

a) Xây dựng, hoàn thiện và gửi lập luận về vấn đề KTTT của Việt Nam theo các tiêu chí quy định của Hoa Kỳ.

b) Tổng hợp và xây dựng lập luận, phản biện đối với ý kiến của các bên liên quan về việc công nhận KTTT của Việt Nam.

c) Tham dự đầy đủ các bước cần thiết của quá trình tố tụng cho đến khi Hoa Kỳ ban hành Kết luận đối với việc xem xét vấn đề KTTT của Việt Nam (dự kiến đến cuối năm 2024).

d) Tăng cường vận động sự ủng hộ của các quốc gia, các tổ chức quốc tế, các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có liên quan trong quá trình thúc đẩy công tác đề nghị Hoa Kỳ công nhận quy chế KTTT cho Việt Nam bằng nhiều hình thức.

II. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

1. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành, cơ quan liên quan chủ động phát huy nội lực, kết hợp với tư vấn pháp lý xây dựng các phương án xử lý trong quá trình đề nghị Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là quốc gia có nền KTTT.

a) Xây dựng kế hoạch tổng thể các giải pháp pháp lý theo quy trình tố tụng của pháp luật Hoa Kỳ trong quá trình đề nghị Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là quốc gia có nền KTTT.

b) Sử dụng có hiệu quả tư vấn pháp lý đại diện và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam nhằm dự báo và ứng phó kịp thời với các kịch bản có thể xảy ra trong quá trình đề nghị Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là quốc gia có nền KTTT.

c) Nghiên cứu, tổ chức thảo luận vấn đề pháp lý, trưng cầu ý kiến chuyên gia, các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và theo dõi diễn biến vụ việc nhằm tham mưu kịp thời những giải pháp trong quá trình đề nghị Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là quốc gia có nền KTTT.

d) Tham gia các phiên điều trần, giải trình, đối thoại, trao đổi,...với các bên liên quan.

2. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành, cơ quan liên quan nhằm tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành nhằm thúc đẩy công tác đề nghị Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là quốc gia có nền KTTT.

a) Thành lập Tổ công tác thường trực về việc đề nghị Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền KTTT gồm đại diện của 11 Bộ, ngành, cơ quan liên quan.

b) Phân công cụ thể nhiệm vụ của các Bộ, ban, ngành, địa phương liên quan đến cung cấp thông tin, phối hợp xử lý vấn đề pháp lý, xây dựng các lập luận trả lời các bên liên quan.

c) Phối hợp các cơ quan liên quan triển khai song song nhiệm vụ xử lý về pháp lý và ngoại giao.

[...]