Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 133/QĐ-UBND năm 2012 về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước của tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2011 - 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành

Số hiệu 133/QĐ-UBND
Ngày ban hành 19/01/2012
Ngày có hiệu lực 29/01/2012
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Tiền Giang
Người ký Nguyễn Văn Khang
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 133/QĐ-UBND

Tiền Giang, ngày 19 tháng 01 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH TỔNG THỂ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC CỦA TỈNH TIỀN GIANG GIAI ĐOẠN 2011 - 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước của tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2011 - 2020 (sau đây gọi tắt là Chương trình).

Điều 2. Mục tiêu của Chương trình

1. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý kinh tế - xã hội của tỉnh phù hợp với Hiến pháp, luật, các quy định của Trung ương và điều kiện thực tế của tỉnh nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho sự phát triển về mọi mặt của tỉnh Tiền Giang;

2. Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch nhằm giảm thiểu chi phí về thời gian và kinh phí của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh trong việc tuân thủ thủ tục hành chính;

3. Tổ chức hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh tới cơ sở phù hợp với các quy định của Trung ương, bảo đảm thông suốt, trong sạch, vững mạnh, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, tăng tính dân chủ và pháp quyền trong hoạt động quản lý, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh và của cơ quan hành chính nhà nước các cấp;

4. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực và trình độ, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và sự phát triển của tỉnh;

5. Nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công.

Điều 3. Nhiệm vụ của Chương trình

1. Cải cách thể chế:

a) Xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân các cấp trên cơ sở quy định của pháp luật;

b) Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân các cấp trong tỉnh nhằm đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, cụ thể và khả thi của văn bản quy phạm pháp luật;

c) Triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm, có hiệu quả hệ thống thể chế do Trung ương ban hành về phát triển kinh tế, phân phối, sở hữu, quản lý doanh nghiệp nhà nước, xã hội hóa, tổ chức và hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, về phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

d) Xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật của địa phương quy định về thủ tục hành chính.

2. Cải cách thủ tục hành chính:

a) Cắt giảm và nâng cao chất lượng thủ tục hành chính trong tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước, nhất là thủ tục hành chính liên quan tới người dân, doanh nghiệp;

b) Trong giai đoạn 2011 - 2015, tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, giải phóng mọi nguồn lực và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, bảo đảm điều kiện cho kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững. Một số lĩnh vực trọng tâm cần tập trung là: đầu tư; đất đai; xây dựng; sở hữu nhà ở; thuế; hải quan; xuất nhập khẩu; y tế; giáo dục; lao động; bảo hiểm; khoa học công nghệ và một số lĩnh vực khác phù hợp với quy định của Trung ương theo yêu cầu cải cách trong từng giai đoạn;

c) Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính giữa các cơ quan hành chính nhà nước, các ngành, các cấp và trong nội bộ từng cơ quan hành chính nhà nước;

d) Kiểm tra chặt chẽ việc ban hành mới các thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật;

đ) Công khai, minh bạch tất cả các thủ tục hành chính bằng các hình thức thiết thực và thích hợp; duy trì và cập nhật cơ sở dữ liệu về thủ tục hành chính của các cấp trên địa bàn tỉnh và cập nhật kịp thời vào cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính;

e) Tăng cường đối thoại giữa cơ quan hành chính nhà nước các cấp với doanh nghiệp và nhân dân; công khai các chuẩn mực, các quy định hành chính để nhân dân giám sát việc thực hiện;

g) Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định hành chính để hỗ trợ việc nâng cao chất lượng các quy định hành chính và giám sát việc thực hiện thủ tục hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong tỉnh.

[...]