UỶ BAN NHÂN
DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
13/2014/QĐ-UBND
|
Bến Tre, ngày
04 tháng 6 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TIÊU CHUẨN VÀ QUY TRÌNH XÉT DUYỆT, PHÂN
LOẠI, CÔNG NHẬN CHÍNH QUYỀN XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH BẾN TRE
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ
ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 26
tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường,
thị trấn ngày 20 tháng 4 năm 2007;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ
trình số 858/TTr-SNV ngày 23 tháng 5 năm 2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về tiêu chuẩn và
quy trình xét duyệt, phân loại, công nhận chính quyền xã, phường, thị trấn
trong sạch, vững mạnh trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày kể từ
ngày ký và thay thế Quyết định số 24/2008/QĐ-UBND ngày 06 tháng 11 năm 2008 của
Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre ban hành Quy định về tiêu chuẩn và quy trình xét
duyệt công nhận chính quyền xã, phường, thị trấn vững mạnh.
Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ
trưởng các cơ quan có liên quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố,
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm thi hành Quyết
định này./.
|
TM. UỶ BAN
NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Võ Thành Hạo
|
QUY ĐỊNH
VỀ TIÊU CHUẨN VÀ QUY TRÌNH XÉT DUYỆT, PHÂN LOẠI,
CÔNG NHẬN CHÍNH QUYỀN XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
BẾN TRE
(Ban hành kèm theo Quyết định số 13/2014/QĐ-UBND ngày 04 tháng 6 năm 2014 của
Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi và đối tượng
áp dụng
Quy định này quy định về tiêu chuẩn và quy trình
xét duyệt, phân loại, công nhận đối với chính quyền xã, phường, thị trấn (gọi
chung là chính quyền cấp xã) trong sạch, vững mạnh trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Điều 2. Mục đích, yêu cầu
1. Xây dựng chính quyền cấp xã trong sạch, vững
mạnh nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh; từng
bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; giữ vững an ninh
chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tăng cường công tác quản lý xã hội
theo pháp luật; thực hiện tốt Pháp lệnh Dân chủ ở xã, phường, thị trấn; thực hiện
thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới; xây dựng đô thị văn minh, sạch đẹp.
2. Tiêu chuẩn và quy trình xét duyệt, phân loại,
công nhận chính quyền cấp xã trong sạch, vững mạnh là cơ sở để Uỷ ban nhân dân
cấp xã phấn đấu nâng cao hiệu quả hoạt động, đánh giá kết quả, tự chấm điểm và
lập thủ tục đề nghị cấp trên xét duyệt công nhận để kết hợp đề nghị xét thi
đua, khen thưởng hằng năm.
Điều 3. Nguyên tắc xét duyệt,
phân loại, công nhận chính quyền cấp xã trong sạch, vững mạnh
1. Việc xét duyệt, phân loại, công nhận chính
quyền cấp xã trong sạch, vững mạnh phải đảm bảo tính thực chất, khách quan,
trung thực.
2. Việc chấm điểm, đề nghị công nhận chính quyền
cấp xã trong sạch, vững mạnh thực hiện theo nguyên tắc tập thể, chấm điểm bằng
phiếu kín.
Chương II
TIÊU CHUẨN VÀ QUY TRÌNH
XÉT DUYỆT, PHÂN LOẠI, CÔNG NHẬN CHÍNH QUYỀN CẤP XÃ TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH
Điều 4. Tiêu chuẩn chính quyền
cấp xã trong sạch, vững mạnh (chấm điểm theo thang điểm 100)
1. Triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản của Đảng,
cơ quan nhà nước cấp trên; thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn về quản
lý nhà nước theo luật định (10 điểm):
a) Tổ chức triển khai nghiêm túc văn bản của Đảng,
cơ quan nhà nước cấp trên; không ban hành văn bản có nội dung trái với quy định
của pháp luật (05 điểm);
b) Thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ quản lý
nhà nước ở cơ sở; xây dựng chương trình, kế hoạch công tác năm, quý, tháng;
phương pháp hoạt động năng động, sáng tạo và hiệu quả (05 điểm).
2. Công tác cải cách hành chính (30 điểm):
a) Kết quả chấm điểm Chỉ số cải cách hành chính
của Uỷ ban nhân dân cấp xã các xã, phường, thị trấn theo Quyết định số
1722/QĐ-UBND ngày 27 tháng 9 năm 2013 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre
ban hành Chỉ số cải cách hành chính của Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn
trên địa bàn tỉnh Bến Tre (10 điểm - tương đương thang điểm 100, nếu điểm Chỉ số
cải cách hành chính giảm 10 điểm thì mất 01 điểm);
b) Bố trí nhân sự hợp lý, khoa học, phù hợp với
vị trí việc làm (10 điểm);
c) Tỷ lệ hoà giải thành trong năm phải đạt từ
80% trở lên (10 điểm).
3. Hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước ở cấp
xã về các chỉ tiêu theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp giao trong
lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng, an ninh (40 điểm):
a) Hoàn thành chỉ tiêu trong lĩnh vực kinh tế
(10 điểm);
Hoàn thành đạt và vượt mức các chỉ tiêu trong
các lĩnh vực kinh tế (05 điểm).
Quản lý tốt các công trình công cộng từ nguồn vốn
100% ngân sách nhà nước hoặc nhà nước hỗ trợ một phần, phần còn lại do nhân dân
đóng góp hoặc các nguồn tài trợ khác đúng quy định, đúng quy trình kỹ thuật; quản
lý sử dụng các nguồn vốn đúng mục đích, công khai minh bạch, dân chủ; quản lý
và sử dụng có hiệu quả các công trình công cộng ở địa phương (05 điểm).
b) Hoàn thành chỉ tiêu trong lĩnh vực văn hoá -
xã hội (10 điểm);
Hoàn thành đạt và vượt mức các chỉ tiêu trong
lĩnh vực văn hoá - xã hội (05 điểm).
Xây dựng, giữ vững, nâng chất danh hiệu xã, phường,
thị trấn văn hoá (05 điểm).
c) Hoàn thành chỉ tiêu trong lĩnh vực quốc phòng
(10 điểm);
Hoàn thành đạt và vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch
cấp trên giao trong lĩnh vực quốc phòng, quân sự địa phương.
d) Hoàn thành chỉ tiêu trong lĩnh vực an ninh trật
tự, an toàn xã hội (10 điểm).
Hoàn thành đạt và vượt mức các chỉ tiêu trong
lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; các vi phạm pháp luật về trật tự xã hội,
an toàn giao thông giảm so với cùng kỳ năm trước.
4. Tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật
về quy chế dân chủ ở cấp xã, tạo điều kiện và phát huy quyền làm chủ của nhân
dân trong việc tham gia phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng, an
ninh (10 điểm):
a) Thực hiện đúng kế hoạch, hướng dẫn của cấp
trên về quy chế dân chủ cấp xã nhằm đảm bảo thực hiện đúng quy trình; chủ động
gặp gỡ đối thoại với nhân dân trước, trong và sau khi triển khai thực hiện các
công trình, dự án ở địa phương; bảo đảm nguyên tắc Đảng lãnh đạo hệ thống chính
trị, phối hợp đồng bộ trong quản lý điều hành phát triển kinh tế, văn hoá - xã
hội, quốc phòng, an ninh (05 điểm);
b) Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc
tham gia xây dựng chính quyền vững mạnh; lấy phiếu tín nhiệm theo hướng dẫn của
cấp trên đối với các chức danh theo quy định (05 điểm).
5. Xây dựng và thực hiện tốt mối quan hệ giữa
chính quyền với cấp uỷ Đảng, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể và
Trưởng ấp, khu phố để phát huy sức mạnh tổng hợp trong việc tổ chức thực hiện
nhiệm vụ chính trị ở địa phương (10 điểm):
a) Xây dựng và thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa
chính quyền với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể trong quản lý
hành chính nhà nước nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương đạt hiệu quả
(05 điểm);
b) Xây dựng và thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa
Trưởng ấp, khu phố với Trưởng ban công tác Mặt trận tổ chức thực hiện nhiệm vụ
chung trong phạm vi ấp, khu phố; hướng dẫn, kiểm tra các Trưởng ấp, khu phố xây
dựng và thực hiện tốt kế hoạch công tác để trong năm có ít nhất 90% Tổ nhân dân
tự quản đạt khá trở lên (05 điểm).
Điều 5. Phân loại chính quyền
cấp xã
1. Chính quyền cấp xã trong sạch, vững mạnh: Tổng
số điểm đạt từ 90 điểm đến 100 điểm.
2. Chính quyền cấp xã khá: Tổng số điểm đạt từ
70 điểm đến dưới 90 điểm.
3. Chính quyền cấp xã trung bình: Tổng số điểm đạt
từ 50 điểm đến dưới 70 điểm.
4. Chính quyền cấp xã yếu: Tổng số điểm đạt dưới
50 điểm.
Điều 6. Các trường hợp không
xét công nhận chính quyền cấp xã trong sạch, vững mạnh (chỉ đạt chính quyền cấp
xã khá trở xuống)
1. Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; Chủ
tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân có số phiếu tín nhiệm thấp tỷ lệ trên 50% (kết
quả lấy phiếu tín nhiệm có số phiếu tín nhiệm thấp tỷ lệ trên 50%).
2. Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; Chủ
tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân bị xử lý kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở
lên (trừ trường hợp do cấp xã chủ động phát hiện, giải quyết).
3. Chính quyền cấp xã không đạt chuẩn về an ninh
trật tự.
4. Các xã, phường, thị trấn để xảy ra tình trạng
khiếu kiện đông người vượt cấp hoặc không giải quyết hết 100% đơn khiếu nại, tố
cáo phát sinh trong năm (trừ các trường hợp do yếu tố lịch sử để lại).
5. Tập thể Uỷ ban nhân dân cấp xã bị xử lý kỷ luật
từ hình thức khiển trách trở lên.
6. Tỷ lệ hoà giải thành trong năm đạt dưới 50%.
7. Đo đạc và tham mưu cấp giấy chứng nhận quyền
sử dụng đất sai quy định trong năm có tỷ lệ từ 10% trở lên.
Điều 7. Các trường hợp trừ
điểm (trừ vào điểm tổng)
1. Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; Chủ
tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, công chức cấp xã bị xử lý kỷ luật hình thức
khiển trách thì mỗi người trừ 05 điểm. Công chức cấp xã bị xử lý kỷ luật hình
thức cảnh cáo trở lên thì mỗi người trừ 10 điểm.
2. Những người hoạt động không chuyên trách cấp
xã thuộc Uỷ ban nhân dân bị xử lý kỷ luật thì mỗi người trừ 05 điểm.
3. Trường hợp trong năm, tập thể Uỷ ban nhân dân
cấp xã bị phê bình, nhắc nhở từ 02 lần trở lên được thể hiện trong văn bản hành
chính của Uỷ ban nhân dân cấp huyện thì bị trừ vào tổng số điểm chung 05 điểm.
Điều 8. Thẩm quyền, trình tự,
thời gian xét duyệt, phân loại, công nhận chính quyền cấp xã trong sạch, vững mạnh
1. Cấp xã:
a) Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cấp xã họp chấm
điểm, phân loại chính quyền cấp xã trong sạch, vững mạnh hằng năm;
b) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã căn cứ vào kết
quả chấm điểm của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng để hoàn thành hồ sơ trình Chủ
tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện xem xét quyết định trước ngày 10 tháng 11 hằng
năm (qua Phòng Nội vụ).
2. Cấp huyện:
a) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định
thành lập Tổ Tư vấn xét duyệt, phân loại đề nghị công nhận chính quyền cấp xã
trong sạch, vững mạnh hằng năm. Tổ Tư vấn có Tổ trưởng, Tổ phó và các Uỷ viên.
Trưởng Phòng Nội vụ làm Tổ trưởng, Tổ phó và các Uỷ viên là đại diện lãnh đạo một
số phòng, ban của Uỷ ban nhân dân, cơ quan Đảng, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam và các đoàn thể cấp huyện (Thường trực Tổ Tư vấn là Phòng Nội vụ). Đồng thời
có thể mời thêm đại diện lãnh đạo một số phòng, ban của Uỷ ban nhân dân cấp huyện
(ngoài các cơ quan là Thành viên của Tổ Tư vấn) dự họp với tư cách tham mưu
theo chức năng;
b) Phòng Nội vụ tổ chức họp Tổ Tư vấn cấp huyện
xét duyệt, phân loại các đơn vị cấp xã (trong sạch, vững mạnh; khá; trung bình
và yếu) để trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định công nhận chính
quyền cấp xã trong sạch, vững mạnh trước ngày 20 tháng 11 hằng năm. Chủ tịch Uỷ
ban nhân dân cấp huyện, có trách nhiệm báo cáo kết quả xét duyệt phân loại gửi
về Sở Nội vụ theo dõi (ghi rõ lý do các đơn vị trong sạch, vững mạnh; khá;
trung bình; yếu và các trường hợp không đề nghị xét chính quyền cấp xã trong sạch,
vững mạnh trong năm).
3. Cấp tỉnh:
a) Sở Nội vụ phối hợp với một số sở, ban, ngành
tỉnh có liên quan và Ban Dân vận, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Ban Pháp chế - Hội đồng
nhân dân tỉnh, Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
tỉnh thẩm định hồ sơ do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện đề nghị công nhận
chính quyền cấp xã trong sạch, vững mạnh 05 năm liên tục để trình Chủ tịch Uỷ
ban nhân dân tỉnh quyết định công nhận và khen thưởng;
b) Chậm nhất trước ngày 31 tháng 12 hằng năm, Chủ
tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện hoàn thành hồ sơ đề nghị xét duyệt, công nhận
chính quyền cấp xã trong sạch, vững mạnh 05 năm liên tục gửi về Sở Nội vụ.
Tháng 01 của năm sau Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan để
thẩm định các đơn vị đạt tiêu chuẩn chính quyền cấp xã trong sạch, vững mạnh 05
năm liên tục để trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định công nhận
và tặng bằng khen về thành tích đạt 05 năm chính quyền cấp xã trong sạch, vững
mạnh.
Điều 9. Hồ sơ đề nghị xét
duyệt, phân loại, công nhận chính quyền cấp xã trong sạch, vững mạnh
1. Hồ sơ đề nghị cấp huyện xét duyệt, công nhận
chính quyền cấp xã trong sạch, vững mạnh hằng năm gồm:
a) Tờ trình của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã;
b) Biên bản họp chấm điểm;
c) Phiếu chấm điểm;
d) Báo cáo tóm tắt tình hình hoạt động, thể hiện
chỉ tiêu đạt hoặc không đạt trong năm, ghi rõ lý do các chỉ tiêu không đạt.
Số lượng: 01 bộ.
2. Hồ sơ đề nghị xét duyệt, công nhận chính quyền
cấp xã trong sạch, vững mạnh 05 năm liên tục gồm:
a) Tờ trình kèm danh sách của Uỷ ban nhân dân cấp
huyện;
b) Các Quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp
huyện công nhận chính quyền cấp xã trong sạch, vững mạnh trong 05 năm;
c) Báo cáo tóm tắt của mỗi đơn vị cấp xã đạt chính
quyền trong sạch, vững mạnh trong 05 năm.
Số lượng: 02 bộ.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 10. Tổ chức thực hiện
1. Giám đốc Sở Nội vụ chịu trách nhiệm triển
khai thực hiện Quy định này.
2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện chịu trách
nhiệm chỉ đạo các phòng chuyên môn, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã thực hiện
Quy định này.
3. Các sở, ban, ngành có liên quan theo chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ngành hướng dẫn cấp xã thực hiện tốt công tác xây
dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Trong quá trình triển khai thực hiện có phát
sinh khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh về Uỷ ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội
vụ) để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.