Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 1296/QĐ-UBND năm 2019 thực hiện Nghị quyết 17/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Định

Số hiệu 1296/QĐ-UBND
Ngày ban hành 12/04/2019
Ngày có hiệu lực 12/04/2019
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Định
Người ký Nguyễn Phi Long
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1296/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 12 tháng 4 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 17/NQ-CP VỀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM PHÁT TRIỂN CHÍNH PHỦ ĐIỆN TỬ GIAI ĐOẠN 2019 - 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 22/TTr-STTTT ngày 03/4/2019,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Điều 2. Giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này, thường xuyên báo cáo kết quả cho UBND tỉnh để theo dõi, chỉ đạo.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Phi Long

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 17/NQ-CP VỀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM PHÁT TRIỂN CHÍNH PHỦ ĐIỆN TỬ GIAI ĐOẠN 2019 - 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1296/QĐ-UBND ngày 12/4/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh)

A. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Từng bước hoàn thiện nền tảng Chính quyền điện tử nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Phát triển Chính quyền điện tử dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở hướng tới Chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số. Triển khai các hệ thống thông tin phục vụ việc ra quyết định của lãnh đạo cấp sở và tương đương trở lên.

- Bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng; nâng xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử của tỉnh theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông.

B. CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU

I. Giai đoạn 2019 - 2020

- Hoàn thiện phần mềm Văn phòng điện tử đảm bảo các tính năng theo quy định, có khả năng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, liên thông với Trục liên thông văn bản quốc gia, thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử theo lộ trình quy định tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.

- Triển khai thực hiện các nhiệm vụ của tỉnh theo quy định của Chính phủ đối với các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về Dân cư, Bảo hiểm, CSDL quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp.

- Đảm bảo chất lượng dịch vụ Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan nhà nước kết nối đến cấp huyện và tương đương.

- 20% số lượng người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống thông tin Chính phủ điện tử được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương.

- Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính toàn tỉnh đạt từ 20% trở lên; tích hợp 30% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh với Cổng Dịch vụ công quốc gia; 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện thông qua Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh.

- Tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến thực hiện ở mức độ 4; Cổng Dịch vụ công cấp cấp tỉnh cung cấp giao diện cho các thiết bị di động; 100% dịch vụ công được hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho người dân, doanh nghiệp; 50% cơ quan nhà nước công khai mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 100% Cổng/Trang Thông tin điện tử cấp tỉnh, các sở ban ngành, UBND cấp huyện công khai thông tin đầy đủ theo quy định tại Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/06/2011 của Chính phủ; 20% dịch vụ công trực tuyến sử dụng chữ ký số trên nền tảng di động để thực hiện thủ tục hành chính; 50% dịch vụ công trực tuyến xử lý bằng hồ sơ điện tử; 20% thông tin của người dân được tự động nhập vào biểu mẫu trực tuyến; 50% dịch vụ công trực tuyến sử dụng dữ liệu từ CSDL quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp.

- 90% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước (trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật) dưới dạng điện tử; tối thiểu 80% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 60% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 30% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật).

[...]