ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1248/QĐ-UBND
|
Nghệ An, ngày 08
tháng 5 năm 2023
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ
DUYỆT ĐỀ ÁN XÂY DỰNG “MÔ HÌNH CUNG CẤP DỊCH VỤ CÔNG TÁC XÃ HỘI” TẠI TRUNG TÂM BẢO
TRỢ XÃ HỘI NGHỆ AN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
Căn cứ các Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và
Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019; Luật người khuyết tật ngày
17/6/2010;
Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: số
103/2017/NĐ-CP ngày 12/9/2017 quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải
thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội; số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 quy định
chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội;
Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số
488/QĐ-TTg ngày 14/4/2017 phê duyệt Đề án “đổi mới phát triển trợ giúp xã hội
giai đoạn 2017 - 2025 tầm nhìn đến năm 2030”; số 1929/QĐ-TTg ngày 25/11/2020
phê duyệt chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần,
trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021 -
2030; số 112/QĐ-TTg ngày 22/01/2021 ban hành Chương trình phát triển công tác
xã hội giai đoạn 2021-2030;
Căn cứ các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội: số 33/2017/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2017 về hướng dẫn cơ cấu
tổ chức, định mức nhân viên và quy trình tiêu chuẩn cơ sở tại cơ sở trợ giúp xã
hội; số 02/2020/TT-BLĐTBXH ngày 14/02/2020 hướng dẫn quản lý đối tượng được cơ
sở trợ giúp xã hội cung cấp dịch vụ công tác xã hội;
Căn cứ Thông tư số 03/2022/TT-BTC ngày
12/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng kinh phí sự
nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình phát triển công
tác xã hội, trợ giúp người khuyết tật, trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng
cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng
giai đoạn 2021-2030;
Căn cứ Công văn số 40/BTXH-CTXH ngày 31/01/2023
của Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) về việc thực hiện
Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng, trẻ em tự kỷ và người rối
nhiễu tâm trí; Chương trình phát triển công tác xã hội năm 2023;
Căn cứ Quyết định số 4124/QĐ-UBND ngày
22/12/2022 của UBND tỉnh về việc quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu
tổ chức của Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An;
Theo đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội tại Công văn số 1276/SLĐTBXH-BTXH ngày 03/4/2023, Tờ trình số
888/TTr-SLĐTBXH ngày 14/3/2023 và Báo cáo số 1654/BC-SLĐTBXH ngày 21/4/2023.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án xây
dựng “Mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội” tại Trung tâm Bảo trợ xã hội
Nghệ An (Có Đề án kèm theo).
Điều 2. Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo Trung
tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An triển khai thực hiện Đề án đảm bảo đúng quy định hiện
hành.
Điều 3. Quyết định này có
hiệu lực kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Lao động
- Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Y tế; Giám đốc Trung
tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An và Thủ trưởng các ngành, đơn vị có liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Các Bộ: LĐ-TB&XH, Tài chính (B/c);
- Chủ tịch UBND tỉnh (B/c);
- PCT VX UBND tỉnh;
- PCVP VX UBND tỉnh;
- Đài PT&TH tỉnh, Báo Nghệ An, Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, KGVX (TP, D).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Bùi Đình Long
|
ĐỀ ÁN
XÂY
DỰNG MÔ HÌNH CUNG CẤP DỊCH VỤ CÔNG TÁC XÃ HỘI TẠI TRUNG TÂM BẢO TRỢ XÃ HỘI NGHỆ
AN
(Kèm theo Quyết định số 1248/QĐ-UBND ngày 08/05/2023 của UBND tỉnh)
I. CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
- Luật người khuyết tật ngày 17/6/2010.
- Các Nghị định của Chính phủ: số 103/2017/NĐ-CP ngày
12/9/2017 quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ
sở trợ giúp xã hội; số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 quy định chính sách trợ
giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
- Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 488/QĐ-TTg
ngày 14/4/2017 phê duyệt Đề án “đổi mới phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn
2017 - 2025 tầm nhìn đến năm 2030”; số 1929/QĐ-TTg ngày 25/11/2020 phê duyệt
chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự
kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021 - 2030; số
112/QĐ-TTg ngày 22/01/2021 ban hành Chương trình phát triển công tác xã hội
giai đoạn 2021-2030.
- Các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội: số 33/2017/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2017 về hướng dẫn cơ cấu tổ chức,
định mức nhân viên và quy trình tiêu chuẩn cơ sở tại cơ sở trợ giúp xã hội; số
02/2020/TT-BLĐTBXH ngày 14/02/2020 hướng dẫn quản lý đối tượng được cơ sở trợ
giúp xã hội cung cấp dịch vụ công tác xã hội.
-Thông tư số 03/2022/TT-BTC ngày 12/01/2022 của Bộ
trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân
sách nhà nước thực hiện các chương trình phát triển công tác xã hội, trợ giúp
người khuyết tật, trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ
em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030.
- Quyết định số 4124/QĐ-UBND ngày 22/12/2022 của
UBND tỉnh về việc quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của
Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An.
- Công văn số 40/BTXH-CTXH ngày 31/01/2023 của Cục
Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) về việc thực hiện Chương
trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu
tâm trí; Chương trình phát triển công tác xã hội năm 2023.
II. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An (viết tắt: Trung
tâm) là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh,
được giao quản lý 03 cơ sở trên địa bàn tỉnh (tại Quyết định số 4124/QĐ-UBND
ngày 22/12/2022 của UBND tỉnh), cụ thể:
- Cơ sở 1: xóm Nguyễn Tạo, xã Giang Sơn
Đông, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An; quản lý, chăm sóc 147 đối tượng, với diện
tích: 5,36 ha.
- Cơ sở 2: xã Nghi Hương, Thị xã Cửa Lò (Quyết
định số 4703/QĐ-UBND ngày 28/09/2020 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt dự
án đầu tư xây dựng công trình: Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp Nghệ An cơ sở
2); dự kiến công trình sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2023, với diện
tích: 3 ha.
- Cơ sở phía bắc: Khối 5, thị trấn huyện Diễn
Châu; quản lý, chăm sóc 50 đối tượng, với diện tích: 1,24 ha.
1. Trong những năm gần đây do tình hình dịch
bệnh, biến đổi khí hậu; tình hình tai nạn giao thông, tai nạn lao động; lạm dụng
chất kích thích (ma túy, rượu bia) dẫn đến số người khuyết tật, người rỗi nhiễu
tâm trí, tự kỷ... ngày càng có xu hướng gia tăng. Trong khi đó, các chế độ,
chính sách, điều kiện chăm sóc, tư vấn chữa trị và phục hồi chức năng tại Trung
tâm còn hạn chế, mới chỉ bảo đảm được sự hỗ trợ một phần các nhu cầu thiết yếu
tối thiểu của các nhóm đối tượng.
2. Đội ngũ nhân viên công tác xã hội của
Trung tâm hiện đang rất thiếu về số lượng và còn hạn chế về chất lượng; phần lớn
các cán bộ, nhân viên chưa qua đào tạo chuyên ngành nên chưa đáp ứng được yêu cầu
chăm sóc, trợ giúp cho đối tượng yếu thế.
3. Cơ sở vật chất được xây dựng từ lâu, nay
đã xuống cấp tại Cơ sở Đô Lương và Cơ sở phía Bắc (huyện Diễn Châu); dụng cụ y
tế, trang thiết bị cần thiết để phục hồi chức năng còn thiếu. Hoạt động trợ
giúp xã hội chủ yếu là nuôi dưỡng, chăm sóc tập trung các đối tượng có hoàn cảnh
đặc biệt, thiếu các dịch vụ hỗ trợ cộng đồng, phát hiện sớm, can thiệp sớm, trị
liệu, chăm sóc, trợ giúp và hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng.
Nhằm thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc, nuôi dưỡng
đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng tâm thần, người rối nhiễu tâm trí theo quy
định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính
sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; các Quyết định của Thủ
tướng Chính phủ: số 488/QĐ-TTg ngày 14/4/2017 về việc phê duyệt Đề án “đổi mới
phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017-2025 và tầm nhìn đến năm 2030”; số
112/QĐ-TTg ngày 20/01/2021 về việc phê duyệt Chương trình phát triển công tác
xã hội việc xây dựng mô hình dịch vụ công tác xã hội tại Trung tâm bảo trợ xã hội
Nghệ An là rất thiết thực và cần thiết.
III. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
1.1. Trợ giúp xã hội phải đa dạng cả vật chất và
tinh thần, phù hợp với vòng đời con người, có tính chất chia sẻ giữa Nhà nước,
xã hội và người dân đảm bảo người dân gặp rủi ro được hỗ trợ kịp thời từ Nhà nước,
các tổ chức và cộng đồng; phát triển mạng lưới công tác xã hội các cơ sở trợ
giúp xã hội có tính chuyên nghiệp, khoa học hơn.
1.2. Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ xã hội
cho các đối tượng; tổ chức quản lý trường hợp, quản lý ca đối với số đối tượng
bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh; tổ chức tham vấn, tư vấn các dịch vụ công tác
xã hội cho đối tượng tại Trung tâm và cộng đồng; đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao
chất lượng dịch vụ công tác xã hội đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ công tác xã
hội của người dân hướng tới mục tiêu phát triển xã hội công bằng và hiệu quả.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Tiếp tục nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng,
y tế, phục hồi chức năng cho đối tượng tại Trung tâm; đảm bảo 100% đối tượng
đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm được tiếp cận các dịch vụ y tế,
tham vấn, trị liệu rối nhiễu tâm trí và phục hồi thể chất và tinh thần.
2.2. 100% đối tượng đang nuôi dưỡng, chăm sóc tại
Trung tâm được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vui
chơi giải trí, được tiếp cận và được trợ giúp pháp lý, phục hồi lao động phù hợp
với lứa tuổi, sức khỏe của từng nhóm đối tượng và đặc thù đối tượng.
2.3. 100% đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp được
đánh giá, sàng lọc và phân loại, bảo đảm sự an toàn và đáp ứng nhu cầu khẩn cấp.
2.4. Hàng năm, trên cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng đối
tượng tại Trung tâm sẽ tổ chức khám sàng lọc để các đối tượng đã ổn định về sức
khỏe, tâm trí tái hòa nhập cộng đồng.
2.5. 100% trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, trẻ em mất nguồn
nuôi dưỡng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm được khám sàng lọc,
phát hiện và khám điều trị kịp thời, được cung cấp các dịch vụ cần thiết như
giáo dục đào tạo, hướng nghiệp dạy nghề và các dịch vụ phù hợp với lứa tuổi, dạng
tật.
2.6. Hình thành và phát triển đội ngũ nhân viên
công tác xã hội kết hợp với nhân viên y tế trợ giúp và phục hồi chức năng cho
người khuyết tật thần kinh, tâm thần tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn
tỉnh.
2.7. Cung cấp các dịch vụ về công tác xã hội và
nâng cao năng lực; đảm bảo 100% cán bộ tại cơ sở trợ giúp xã hội; cộng tác viên
tại cộng đồng được tập huấn kiến thức về công tác xã hội nâng cao năng lực thực
hành.
2.8. Tổ chức các khóa tập huấn, hội thảo cung cấp
kiến thức, kỹ năng cho thân nhân các đối tượng về kiến thức chăm sóc đối tượng
khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
IV. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG, THỜI
GIAN THỰC HIỆN MÔ HÌNH
1. Phạm vi áp dụng: Mô hình được thực hiện tại
Trung tâm (cơ sở 1 tại xã Giang Sơn Đông, huyện Đô Lương và Cơ sở phía Bắc,
khối 5 thị trấn Diễn Châu, huyện Diễn Châu) và tại một số đơn vị, địa
phương, cá nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
2. Đối tượng phục vụ: Theo quy định tại mục
1, điều 2 của Quyết định số 4124/QĐ-UBND ngày 22/12/2022 của UBND tỉnh về việc
quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Trung tâm Bảo trợ xã
hội Nghệ An.
3. Thời gian thực hiện: năm 2023 đến 2025.
V. NHIỆM VỤ CỦA MÔ HÌNH
1. Tiếp nhận chăm sóc, nuôi dưỡng các nhóm đối
tượng theo quy định tại Mục 1, Điều 2 của Quyết định số 4124/QĐ-UBND ngày
22/12/2022 của UBND tỉnh về việc quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu
tổ chức của Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An.
2. Cung cấp các nhiệm vụ khẩn cấp
2.1. Tiếp nhận đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp.
2.2. Đánh giá các nhu cầu của đối tượng; sàng lọc
và phân loại đối tượng.
2.3. Bảo đảm sự an toàn và đáp ứng các nhu cầu khẩn
cấp của đối tượng như: Nơi cư trú tạm thời, thức ăn, quần áo và đi lại.
2.4. Chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương
đưa đối tượng đủ điều kiện hoặc tự nguyện xin ra khỏi cơ sở trở về với gia
đình, tái hòa nhập cộng đồng; hỗ trợ, tạo điều kiện cho đối tượng ổn định cuộc
sống.
3. Phối hợp với các cơ sở y tế về chăm sóc sức
khỏe tổ chức tham vấn, tư vấn, trị liệu rối nhiễu tâm trí, khủng hoảng tâm lý
và phục hồi thể chất cho các đối tượng. Tư vấn và trợ giúp đối tượng thụ hưởng
các chính sách trợ giúp xã hội.
4. Phối hợp với chính quyền địa phương nơi đối
tượng cư trú tổ chức các mô hình về sinh kế để hỗ trợ đối tượng hòa nhập cộng đồng
sau quá trình trợ giúp chăm sóc, nuôi dưỡng, can thiệp, trị liệu tại Trung tâm.
5. Tạo việc làm và xây dựng kế hoạch lao động
trị liệu (tập vật lý trị liệu), phục hồi chức năng cho các đối tượng đang được
chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm.
6. Quản lý ca các đối tượng tại Trung tâm
theo quy định tại Thông tư số 02/2020/TT-BLĐTBXH ngày 14/02/2020 của Bộ trưởng
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
7. Tổ chức các hoạt động truyền thông, cung
cấp các dịch vụ về công tác xã hội và nâng cao năng lực, nâng cao nhận thức về
việc phòng ngừa và giảm thiểu nguy cơ rủi ro bị tổn thương (rơi vào hoàn cảnh đặc
biệt, người già, bị xâm hại, bạo lực, mua bán, vi phạm pháp luật...)
8. Sửa chữa, bảo dưỡng cơ sở vật chất và đầu
tư trang thiết bị nhằm đáp ứng các nhiệm vụ về chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo
trợ xã hội theo quy định.
VI. NỘI DUNG THỰC HIỆN MÔ HÌNH
1. Tiếp nhận đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp và
các nhóm đối tượng theo quy định.
1.1. Lập đường dây nóng, xây dựng cổng thông tin của
đơn vị (tổng đài tiếp nhận, mạng Zao, facebook...) tiếp nhận đối tượng cần bảo
vệ khẩn cấp theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP và các
đối tượng khác theo chức năng nhiệm vụ của Trung tâm.
1.2. Tổ chức khám sàng lọc, phân loại đối tượng khi
vào Trung tâm. Cung cấp các thông tin về phúc lợi xã hội, luật pháp và những kiến
thức chung cho sự, phát triển và phục hồi tâm lý của đối tượng khi được chăm
sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm.
2. Quản lý đối tượng được cung cấp dịch vụ công
tác xã hội tại cơ sở và ở cộng đồng nơi cơ sở cung cấp dịch vụ
2.1. Lập hồ sơ theo tiến trình quản lý trường hợp
(quản lý ca) theo Thông tư số 02/2020/TT-BLĐTBXH của Bộ trưởng Bộ Lao Động -
Thương binh và Xã hội.
2.2. Quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức
năng và tái hòa nhập cộng đồng cho các đối tượng tại Trung tâm ngày một tốt
hơn.
2.3. Phối hợp với các huyện, thành phố, thị xã tổ
chức khảo sát đối tượng bảo trợ xã hội để xây dựng dữ liệu trong việc cung cấp
các dịch vụ công tác xã hội và trợ giúp xã hội; tổ chức truyền thông, giáo dục,
vận động nhằm phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, bị xâm
hại, bạo lực vi phạm pháp luật.
3. Tham vấn, trị liệu rối nhiễu tâm trí, khủng
hoảng tâm lý và phục hồi thể chất cho đối tượng, đặc biệt là nhóm có vấn đề về
sức khỏe tâm thần, rối nhiễu tâm trí đang nuôi dưỡng tại Trung tâm và cộng đồng.
3.1. Thực hiện các hoạt động hỗ trợ cho đối tượng để
giảm tổn thương cho đối tượng như: tiếp cận y tế chăm sóc sức khỏe; tham vấn trị
liệu tâm lý; hỗ trợ pháp lý; hỗ trợ học văn hóa, hướng nghiệp dạy nghề; thành lập
các câu lạc bộ thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ tại Trung tâm cho các đối
tượng được sinh hoạt, vui chơi, giải trí, phát triển năng khiếu, giảm thiểu bệnh
lý; tham gia lao động cải tạo khu vườn rau sạch, cây cảnh, chăn nuôi... để đối
tượng tham gia lao động trị liệu tâm lý.
3.2. Tiếp cận các dịch vụ chuyên sâu khác thông qua
việc kết nối và chuyển tiếp tới dịch vụ chuyên biệt phù hợp với đối tượng.
3.3. Tổ chức các hoạt động phục hồi chức năng; quy
tắc ứng xử và các hoạt động khác phù hợp với lứa tuổi, sức khỏe của từng nhóm đối
tượng.
3.4. Xây dựng chương trình và tổ chức sự kiện, hội
nghị, hội thảo về kiến thức tiếp cận y tế, chăm sóc sức khỏe cho đối tượng, gia
đình đối tượng và tổ chức, nhân viên công tác xã hội tại cộng đồng;
4. Nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng đối
tượng tại Trung tâm và cộng đồng.
4.1. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức
chuyên môn về công tác xã hội cho nhân viên tại Trung tâm; phối hợp với các hội
tại địa phương tổ chức tham vấn, tư vấn cho gia đình có đối tượng bị rỗi nhiễu
tâm trí, khuyết tật tâm thần.
4.2. Phối hợp với các tổ chức, đơn vị liên quan tổ
chức các hoạt động từ thiện, công tác xã hội của Trung tâm tại cộng đồng.
5. Hỗ trợ đối tượng hòa nhập cộng đồng sau quá
trình can thiệp trợ giúp tại Trung tâm: tìm kiếm và giới thiệu việc làm, ổn
định cuộc sống.
6. Sửa chữa, bảo dưỡng cơ sở vật chất và mua sắm
thiết bị để đảm bảo cơ bản điều kiện về chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng theo quy
định, cụ thể:
6.1. Về sửa chữa, duy tu cơ sở vật chất
- Tại cơ sở 1 ở Đô Lương: Sửa chữa khu vực nhà ở đối
tượng tâm thần đặc biệt nặng (khu nam, nữ); khu nuôi dưỡng đối tượng tự nguyện;
sửa chữa sân chơi và tập thể dục của đối tượng; sửa chữa kè lại bờ ao nuôi cá của
Trung tâm; sửa chữa đường nội bộ trong Trung tâm.
- Tại cơ sở phía Bắc (Diễn Châu): Sửa chữa dãy nhà
khép kín thân nhân liệt sỹ đang ở và dãy nhà số 11 chăm sóc đối tượng bảo trợ
xã hội, sửa chữa sân, giàn tôn, đường nội bộ trong Trung tâm.
6.2. Mua sắm trang thiết bị bao gồm: Mua sắm 02 dàn
máy âm thanh, loa đài phục vụ chung tại cơ sở Đô Lương và Diễn Châu; 01 bộ máy
chiếu phục vụ công tác tập huấn, truyền thông; 01 máy phôtô phục vụ in ấn tài
liệu tại cơ sở Đô Lương; 01 tủ nấu cơm công nghiệp và 01 nồi nấu cháo (cơ sở
phía Bắc) và tủ đựng đồ cá nhân phục vụ đối tượng cao tuổi, trẻ em.
VII. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Năm 2023: 10.200.000.000 (Mười tỷ, hai
trăm triệu đồng). Trong đó:
1.1. Kinh phí sửa chữa, duy tu cơ sở vật chất:
9.600.000.000 đồng.
- Tại cơ sở 1 ở Đô Lương: 7.000.000.000 đồng.
- Tại cơ sở phía Bắc (Diễn Châu): 2.600.000.000 đồng.
1.2. Kinh phí mua sắm trang thiết bị phục vụ mô
hình công tác xã hội: 500.000000 đồng.
1.3. Kinh phí thực hiện công tác tuyên truyền, tư vấn,
giáo dục; hỗ trợ cán bộ thực hiện các nội dung của mô hình công tác xã hội:
100.000.000 đồng.
2. Giai đoạn năm 2024-2025: Trên thực tế quy
mô của mô hình đã thực hiện và mô hình được nhân rộng, tiếp tục đầu tư xây dựng,
sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất theo quy định của pháp luật.
3. Nguồn, quản lý kinh phí
3.1. Nguồn kinh phí
- Từ nguồn ngân sách nhà nước bố trí thực hiện Quyết
định số 112/QĐ-TTg và Quyết định số 1929/QĐ-TTg thực hiện theo quy định tại Thông
tư số 03/2022/TT-BTC ngày 12/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản
lý sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương
trình phát triển công tác xã hội, trợ giúp người khuyết tật, trợ giúp xã hội và
phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí
dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030.
- Kinh phí thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP
ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng
bảo trợ xã hội và Quyết định số 4089/QĐ-UBND ngày 21/12/2022 của UBND tỉnh về
việc giao dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2023.
- Đóng góp của gia đình đối tượng, hỗ trợ của các
doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.
3.2. Quản lý kinh phí
- Trên cơ sở nguồn kinh phí được bố trí và hướng dẫn
của các cơ quan chức năng Trung tâm có nhiệm vụ quản lý, sử dụng và quyết toán
nguồn kinh phí đúng mục đích, đối tượng theo quy định.
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, sử dụng
và quyết toán nguồn kinh phí được phân bổ đúng quy định; đồng thời chịu trách
nhiệm giám sát Trung tâm thực hiện nghiêm túc, chính chính xác nguồn kinh phí
được cấp.
- Sở Tài chính phối hợp với Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội giám sát, hướng dẫn Trung tâm thực hiện nghiêm túc, kịp thời,
đúng nội dung, mục đích của nguồn kinh phí được cấp.
VIII. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động,
tạo chuyển biến mạnh về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cơ quan,
tổ chức, cộng đồng xã hội và gia đình đối tượng bảo trợ xã hội về mô hình cung
cấp dịch vụ công tác xã hội.
2. Tăng cường công tác tư vấn, hội nghị
chuyên đề về dấu hiệu, biểu hiện của người rối nhiễm tâm trí nhằm phát hiện sớm
và có biện pháp can thiệp kịp thời.
3. Tạo điều kiện cho cán bộ viên chức đi học
tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, cử nhân viên đi học tập kinh nghiệm
mô hình trợ giúp xã hội trong Trung tâm bảo trợ xã hội của các tỉnh, thành.
4. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá rút kinh
nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện đề án; xây dựng chương trình kiểm
tra chéo giữa các nhân viên làm công tác xã hội nhằm đảm bảo quy trình cung cấp
dịch vụ trợ giúp xã hội.
5. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan,
đơn vị có liên quan để cung cấp dịch vụ đáp ứng nhu cầu hợp pháp của đối tượng
và gia đình đối tượng.
6. Tranh thủ thu hút đầu tư của Trung ương,
tuyên truyền vận động các tổ chức cá nhân hỗ trợ nguồn lực để đầu tư cơ sở vật
chất, trang thiết bị góp phần đảm bảo công tác an sinh xã hội, giúp các đối tượng
chăm sóc nuôi dưỡng tập trung tái hòa nhập cộng đồng.
IX. PHÂN CÔNG TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Đơn vị thực hiện mô hình: Trung tâm Bảo
trợ xã hội Nghệ An
2. Cơ quan chủ quản thực hiện mô hình: Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An.
3. Phân công thực hiện
3.1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, đơn vị
liên quan triển khai mô hình; đôn đốc kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hoạt
động của mô hình.
- Chỉ đạo Trung tâm tổ chức tổng kết mô hình, tổng hợp
báo cáo UBND tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khi kết thúc mô hình.
3.2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Căn cứ chức
năng, nhiệm vụ phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các đơn vị có liên
quan triển khai thực hiện đề án.
3.3. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội và các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn, kiểm tra,
giám sát việc thực hiện mô hình theo đúng quy định.
3.4. Sở Y tế: Theo chức năng nhiệm vụ, phối
hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các đơn vị liên quan trong việc
thực hiện hoạt động hỗ trợ y tế; phục hồi chức năng cho người khuyết tật tại
Trung tâm và cộng đồng.
3.5. Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An
- Tổ chức thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Đề án mô
hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại Trung tâm; chịu trách nhiệm quản lý,
sử dụng và thanh quyết toán nguồn kinh phí Đề án đảm bảo kịp thời, đúng mục
đích, đúng quy định.
- Phối hợp với các phòng, ban chuyên môn, UBND các
xã, phường, thị trấn và các đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác tiếp nhận,
quản lý, chăm sóc, giáo dục, phục hồi chức năng cho đối tượng.
- Định kỳ 06 tháng, năm báo cáo hoặc báo cáo đột xuất
theo yêu cầu của cơ quan cấp trên.
3.6. Các Sở, ngành, tổ chức đoàn thể liên quan:
Theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp với Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội trong việc thực hiện Đề án này./.