Quyết định 123/2002/QĐ-UB phê duyệt Quy chế bổ sung đối với Khu đường sông (Sở Giao thông Công chánh) về tổ chức và hoạt động trong lĩnh vực kiểm soát, phòng chống và ứng phó sự cố tràn dầu trong giao thông đường thủy thành phố do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 123/2002/QĐ-UB
Ngày ban hành 04/11/2002
Ngày có hiệu lực 04/11/2002
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Vũ Hùng Việt
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 123/2002/QĐ-UB

TP.Hồ Chí Minh, ngày 04 tháng 11 năm 2002

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY CHẾ BỔ SUNG ĐỐI VỚI KHU ĐƯỜNG SÔNG (SỞ GIAO THÔNG CÔNG CHÁNH) VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG TRONG LĨNH VỰC KIỂM SOÁT, PHÒNG CHỐNG VÀ ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRÀN DẦU TRONG GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY THÀNH PHỐ.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994 ;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 27 tháng 12 năm 1993 ;
Căn cứ Nghị định số 175/CP ngày 18 tháng 10 năm 1994 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường ; Quyết định số 129/QĐ-TTg ngày 29 tháng 8 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch Quốc gia ứng phó sự cố tràn dầu giai đoạn 2001 – 2010 và Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2002 của Chính phủ về chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu ;
Căn cứ Quyết định số 6093/QĐ-UB-KT ngày 26 tháng 12 năm 1996 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Quy định tạm thời về kiểm soát ô nhiễm trong giao thông đường thủy thành phố Hồ Chí Minh và Quyết định số 7603/QĐ-UB-KT ngày 13 tháng 12 năm 1999 của Ủy ban nhân dân thành phố về bổ sung chức năng tổ chức ứng cứu dầu tràn trong giao thông đường thủy trên địa bàn thành phố ;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông Công chánh (tờ trình số 348/GT-TCCB ngày 09 tháng 10 năm 2002) và Trưởng Ban Tổ chức Chính quyền thành phố (tờ trình số 125/TCCQ ngày 14 tháng 10 năm 2002) ;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1.- Nay phê duyệt Quy chế bổ sung đối với Khu đường sông (Sở Giao thông Công chánh) về tổ chức và hoạt động trong lĩnh vực kiểm soát, phòng chống và ứng phó sự cố tràn dầu trong giao thông đường thủy thành phố.

Điều 2.- Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Điều 3.- Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng Ban Tổ chức Chính quyền thành phố, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chánh-Vật giá, Giám đốc Sở Giao thông Công chánh, Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Kho bạc Nhà nước thành phố, Thủ trưởng cơ quan có liên quan và Giám đốc Khu đường sông có trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 
Nơi nhận :
- Như điều 3
- Thường trực Thành Ủy
- Thường trực HĐND. TP
- Thường trực UBND.TP
- Ban Tư tưởng Văn hóa Thành Ủy
- Ban Tổ chức Thành Ủy
- Công an thành phố (PC.13, PC.25)
- Chủ tịch UBND Quận-Huyện
- Ban Tổ chức Chính quyền TP
- VPHĐ-UB : PVP/ĐT, KT
- Tổ ĐT, CNN, TH
- Lưu (ĐT/Thg)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vũ Hùng Việt

 

 

QUY CHẾ BỔ SUNG

VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA KHU ĐƯỜNG SÔNG TRONG LĨNH VỰC KIỂM SOÁT VÀ ỨNG CỨU SỰ CỐ TRÀN DẦU TRONG GIAO THÔNG THỦY
(Ban hành kèm theo Quyết định số 123 /2002/QĐ-UB ngày 04 tháng 11 năm 2002 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.- Khu đường sông có nhiệm vụ kiểm soát, phòng chống và ứng cứu sự cố tràn dầu trong giao thông thủy thuộc khu vực vùng cảng – vùng nước thành phố Hồ Chí Minh.

Thành lập bộ phận chuyên trách để thực thi nhiệm vụ, gọi là “Lực lượng chuyên trách kiểm soát, phòng chống và ứng cứu”, sau đây gọi là “Lực lượng”.

Tên giao dịch đối ngoại : Oil Spill Control, Prevention and Response Task Force.

Viết tắt là : OSR(HCM.C)

Điều 2.- Lực lượng là bộ phận trực thuộc Khu đường sông, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp và toàn diện của Giám đốc Khu đường sông. Ngoài ra, thừa Ủy nhiệm của Giám đốc Khu đường sông, lực lượng còn chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Giám đốc Sở Giao thông Công chánh, Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh.

Kinh phí hoạt động của lực lượng được cấp từ ngân sách thành phố theo các quy định hiện hành.

Điều 3.- Cơ sở pháp lý để thực thi nhiệm vụ :

- Luật bảo vệ Môi trường được Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 27 tháng 12 năm 1993.

- Nghị định số 75/CP ngày 18 tháng 10 năm 1994 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường.

- Quyết định số 129/2001/QĐ-TTg ngày 29 tháng 8 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch Quốc gia ứng phó sự cố tràn dầu trong giai đoạn 2001 – 2010.

- Văn bản số 2592/TTg ngày 12 tháng 11 năm 1996 của Bộ Khoa học-Công nghệ và Môi trường về kiểm soát ô nhiễm biển từ phương tiện giao thông thủy.

- Quyết định số 6093/QĐ-UB-KT ngày 26 tháng 12 năm 1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về ban hành Quy định tạm thời về kiểm soát ô nhiễm trong giao thông đường thủy thành phố Hồ Chí Minh.

- Quyết định số 2649/QĐ-UB-NC ngày 16 tháng 8 năm 1994, Quyết định số 677/QĐ-UB-NC ngày 03 tháng 02 năm 1995 và Quyết định số 7603/QĐ-UB-KT ngày 13 tháng 12 năm 1999 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về thành lập Khu đường sông thành phố Hồ Chí Minh thuộc Sở Giao thông Công chánh, về ban hành quy chế tổ chức, hoạt động của Khu đường sông và về bổ sung chức năng đối với Khu đường sông.

Điều 4.- Trong quy chế này sử dụng các định nghĩa như Điều 2 của Quy định tạm thời về kiểm soát ô nhiễm trong giao thông thủy, được ban hành kèm theo Quyết định số 6093/QĐ-UB-KT ngày 26 tháng 12 năm 1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

Chương 2:

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA KHU ĐƯỜNG SÔNG TRONG LÃNH VỰC PHÒNG CHỐNG, KIỂM SOÁT VÀ ỨNG CỨU SỰ CỐ TRÀN DẦU TRONG GIAO THÔNG THỦY.

Điều 5.- Về công tác ứng cứu sự cố tràn dầu trong giao thông thủy :

1. Kịp thời nắm bắt thông tin, đánh giá, tùy cấp độ sự cố tràn dầu lên kế hoạch ứng cứu thích hợp. Triển khai thực hiện công tác ứng cứu nhanh nhất, có hiệu quả nhất. Kịp thời phân tích, đánh giá và tổng hợp tình hình báo cáo lên cấp thẩm quyền.

Nhân sự, phương tiện, trang thiết bị bố trí cho công tác ứng cứu phải luôn được bảo quản tốt, đặt trong tình trạng sẵn sàng cao nhất để kịp thời ứng cứu mỗi khi có sự cố tràn dầu xảy ra.

2. Triển khai lực lượng, phương tiện, tổ chức thực hiện bủa vây, thu gom và thực hiện các biện pháp khác để xử lý dầu tràn trong vùng cảng – vùng nước thành phố Hồ Chí Minh. Thực hiện công tác xử lý hỗn hợp (nước-dầu-chất khác) sau khi thu gom. Tổ chức dọn sạch môi trường có ảnh hưởng sau sự cố tràn dầu.

3. Tham gia đánh giá tác động môi trường, các thiệt hại và các biện pháp khắc phục hậu quả (kể cả các chi phí đền bù thiệt hại, chi phí dọn sạch môi trường v.v… do các đối tượng gây ra sự cố tràn dầu phải chịu).

4. Trong khi làm nhiệm vụ ứng cứu, Khu đường sông được quyền trưng dụng hoặc thuê các loại phương tiện, máy móc, thiết bị, v.v… của tổ chức, cá nhân để sử dụng cho công tác ứng cứu đạt hiệu quả cao nhất. Được quyền huy động lực lượng của các cơ quan, tổ chức có liên quan, có chuyên môn trong công tác ứng cứu. Trong trường hợp đặc biệt khẩn cấp, có nguy cơ gây tổn thất lớn về nhân mạng, môi trường và tài sản, Khu đường sông được quyền áp dụng mọi biện pháp thích ứng để ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả.

Điều 6.- Về công tác kiểm soát ô nhiễm dầu trong giao thông thủy :

1. Lực lượng là đơn vị thường trực trong công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện Quy định tạm thời về kiểm soát ô nhiễm trong giao thông thủy được ban hành kèm theo Quyết định số 6093/QĐ-UB-KT ngày 26 tháng 12 năm 1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (ô nhiễm do dầu hoặc chất có dầu gây ra thuộc các đối tượng nêu tại Điều 3 Chương 2).

2. Thường xuyên thực hiện công tác tuần tra, giám sát, thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất các hoạt động của các đối tượng trong vùng cảng – vùng nước thành phố Hồ Chí Minh về :

- Hành trình tàu vận chuyển dầu, điểm neo đậu, điểm bơm hút dầu trong vùng cảng – vùng nước thành phố Hồ Chí Minh mà thuyền trưởng có trách nhiệm bắt buộc phải thông báo về lực lượng.

- Các trang thiết bị phòng chống sự cố tràn dầu phải đầy đủ theo quy định và được bố trí thích hợp tại các vị trí có nguồn dầu trên bờ hoặc từ các phương tiện thủy kể cả phao vây phải có khi tàu vận chuyển dầu neo đậu hoặc bơm hút.

- Sự thải có dầu do mọi phương tiện thủy, đơn vị, cá nhân gây ra.

Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, lực lượng được quyền lập biên bản các hành vi vi phạm. Tùy theo mức độ vi phạm, lực lượng được quyền đình chỉ ngay hành vi gây ô nhiễm dầu để tránh thiệt hại môi trường cho vùng cảng – vùng nước thành phố Hồ Chí Minh, được quyền xử phạt hoặc kiến nghị cấp thẩm quyền xử lý theo quy định.

3. Tham mưu cho Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường trong việc xét cấp giấy phép cho các cơ sở tiếp nhận trên bờ đối với dầu hoặc các chất lỏng, chất rắn độc hại khác, rác và nước thải. Lực lượng là đơn vị giám sát các phương tiện thủy thải nước dằn tàu ra vùng cảng – vùng nước thành phố Hồ Chí Minh.

4. Thường xuyên nắm bắt thông tin về tình hình ô nhiễm dầu, có kế hoạch và phương án phòng ngừa có hiệu quả.

Điều 7.- Về công tác phòng chống ô nhiễm dầu trong giao thông thủy :

1. Thường xuyên tổ chức các khóa huấn luyện, diễn tập định kỳ để nâng cao năng lực ứng cứu của lực lượng kiểm soát, phòng chống và ứng cứu. Khi cần thiết có thể thuê chuyên gia nước ngoài hướng dẫn hoặc cử cán bộ đi nước ngoài học tập nhằm nâng cao năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ và nắm bắt, tiếp cận công nghệ mới trong lĩnh vực kiểm soát, phòng chống và ứng cứu sự cố tràn dầu trong giao thông thủy.

2. Tổ chức phổ biến tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện pháp luật chuyên ngành đối với mọi đối tượng có liên quan đến hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm dầu trong giao thông thủy.

3. Tham mưu cho Sở Giao thông Công chánh, Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường về :

- Xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoặc vận dụng theo tình hình của thành phố trong các quy định về ô nhiễm dầu trong giao thông thủy.

- Công tác đàm phán, hợp tác quốc tế hoặc liên doanh, liên kết đầu tư cho công tác phòng chống, kiểm soát và ứng cứu sự cố tràn dầu trong giao thông thủy. Quản lý, điều hành các dự án quốc tế tài trợ cho công tác này.

Điều 8.- Về thực hiện các dự án đầu tư :

1. Làm chủ đầu tư các công trình kiểm soát, phòng chống và ứng cứu sự cố tràn dầu ; thực hiện các dự án làm sạch môi trường, cải thiện ô nhiễm môi trường nước do dầu hoặc chất có dầu gây ra trong vùng cảng – vùng nước thành phố Hồ Chí Minh.

2. Quản lý, điều hành các dự án quốc tế tài trợ cho công tác kiểm soát, phòng chống và ứng cứu.

3. Thường xuyên thực hiện công tác làm sạch môi trường nước (do dầu hoặc chất có dầu gây ra) như : thu gom, nạo vét chất thải trôi nổi hay lắng đọng, lưu cữu trên vùng nước – vùng cảng thành phố Hồ Chí Minh do quá trình hoạt động trên sông nước gây ra.

4. Thực hiện các dịch vụ theo hợp đồng với các tổ chức, cá nhân về tư vấn, thu gom, dọn sạch, xử lý dầu sau thu gom, v.v…, bố trí phao vây phòng ngừa tràn dầu đối với các cơ sở có chứa dầu dọc theo bờ hay trên sông và các tàu vận chuyển dầu khi neo đậu hoặc bơm hút dầu.

Điều 9.- Về tài chánh, kế toán :

1. Được thu và sử dụng các khoản thu sự nghiệp đúng theo các quy định :

- Thu phí, lệ phí.

- Từ các hoạt động sản xuất cung ứng dịch vụ.

- Từ quỹ môi trường và từ các khoản tài trợ của các cá nhân, tổ chức trong nước, ngoài nước, v.v… để sử dụng trong công tác phòng chống và ứng cứu tràn dầu trong giao thông thủy.

2. Quản lý và sử dụng kinh phí đúng chính sách, chế độ tài chánh kế toán theo quy định của Nhà nước.

Điều 10.- Về mối quan hệ :

1. Khu đường sông giữ mối quan hệ, hợp tác quốc tế trong lãnh vực phòng chống, kiểm soát và ứng cứu sự cố tràn dầu trong giao thông thủy, kể cả đàm phán, hợp tác quốc tế trong lãnh vực này.

2. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để hình thành mạng lưới phòng ngừa và ứng cứu sự cố tràn dầu trong giao thông thủy hoặc hợp tác, hỗ trợ trong công tác này.

3. Được Sở Giao thông Công chánh Ủy nhiệm quan hệ, làm việc với các cơ quan hữu quan, chức năng trong thực thi nhiệm vụ, kể cả xử lý theo quy định của pháp luật.

Chương 3:

CƠ CẤU TỔ CHỨC

Điều 11.- “Lực lượng kiểm soát, phòng chống và ứng cứu tràn dầu” thuộc cơ cấu tổ chức và biên chế của Khu đường sông.

Lực lượng có các Trạm đặt tại các vị trí xung yếu trong vùng cảng – vùng nước thành phố Hồ Chí Minh để theo dõi tình hình ô nhiễm tràn dầu và tổ chức ứng cứu sự cố dầu tràn được kịp thời, hiệu quả. Trạm có các Đội công tác.

Trưởng lực lượng do Giám đốc Sở Giao thông Công chánh thành phố bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Giám đốc Khu đường sông.

Phó lực lượng, Trạm trưởng, Trạm phó, Đội trưởng, Đội phó do Giám đốc Khu đường sông bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của tổ chức Khu đường sông.

Điều 12.- Trưởng, Phó lực lượng, Trạm trưởng – Trạm phó phải có bằng tốt nghiệp đại học hoặc tương đương phù hợp. Có khả năng giao tiếp thông thường ngoại ngữ Anh/Pháp. Đội trưởng, Đội phó phải có bằng trung cấp hoặc tương đương.

Các thành viên trong lực lượng kiểm soát và ứng cứu phải qua khóa huấn luyện chuyên môn kéo dài tối thiểu 150 tiết, có sức khỏe, có năng lực, trình độ.

Điều 13.- Tổ chức bộ máy và biên chế của lực lượng do Giám đốc Khu đường sông đề xuất thông qua Giám đốc Sở Giao thông Công chánh trình cấp thẩm quyền phê duyệt.

Chế độ làm việc của lực lượng phân công trực 24/24 giờ ngày đêm, kể cả ngày nghỉ theo quy định.

Điều 14.- Lực lượng kiểm soát và ứng cứu được trang bị đồng phục và các phương tiện chuyên dùng. Đồng phục và phương tiện chuyên dùng phải có màu sắc đặc biệt, phù hợp với luật pháp Việt Nam, thông lệ hàng hải và công ước quốc tế về bảo vệ môi trường được Chính phủ Việt Nam ký kết.

Chương 4:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15.- Quy chế này bổ sung cho Quy chế tổ chức và hoạt động của Khu đường sông (ban hành kèm theo Quyết định số 677/QĐ-UB-NCVX ngày 03 tháng 02 năm 1995 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh). Các quy định trước đây về lãnh vực kiểm soát, phòng chống và ứng cứu sự cố tràn dầu trong giao thông thủy trái với quy định này đều bãi bỏ.

Điều 16.- Giám đốc Khu đường sông thành phố Hồ Chí Minh nhanh chóng triển khai thực hiện quy chế này, xây dựng các quy định và phương án cụ thể phòng chống ô nhiễm dầu và ứng cứu sự cố tràn dầu trong giao thông thủy, trong vùng cảng – vùng nước thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 17.- Trong quá trình thực hiện, có những điều cần sửa đổi, bổ sung, Giám đốc Sở Giao thông Công chánh trình Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định./.

 

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ