KẾ HOẠCH
BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ TRỢ GIÚP PHÁP LÝ GIAI
ĐOẠN 2009 - 2010, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1224/QĐ-UBND ngày 19 tháng 5 năm 2009
của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh)
Trong những năm qua, công tác
trợ giúp pháp lý đã đạt được kết quả đáng trân trọng, khẳng định được vị trí,
vai trò của mình trong đời sống chính trị, trở thành địa chỉ tin cậy của người
nghèo và đối tượng chính sách trong việc cung cấp các dịch vụ pháp lý, đem lại
sự công bằng xã hội, góp phần nâng cao dân trí, giảm bớt các khiếu kiện vượt cấp
kéo dài; ngăn ngừa và phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần thực
hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và quản lý hành chính nhà nước ở địa phương.
Tuy nhiên, trước nhu cầu trợ
giúp pháp lý miễn phí ngày càng tăng nên đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp
lý trong thời gian tới đây phải đáp ứng đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng mới
hoàn thành nhiệm vụ.
Căn cứ Quyết định số
10/2008/QĐ-BTP ngày 10 tháng 12 năm 2008 của
Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc phê duyệt Đề án “Bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp
lý giai đoạn 2008 - 2010, định hướng đến năm 2015”, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên
Giang đề ra Kế hoạch như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Xây dựng đội ngũ người thực
hiện trợ giúp pháp lý đủ về số lượng, bảo đảm đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, có
đủ phẩm chất, tiêu chuẩn, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng thực hiện
trợ giúp pháp lý, góp phần bảo đảm chất lượng trợ giúp pháp lý, cụ thể như sau:
a. Xây dựng đội ngũ trợ giúp
viên pháp lý đủ về số lượng, tinh thông về nghiệp vụ, có kỹ năng tư vấn, đại diện
và bào chữa (tương đương với luật sư), có đạo đức và bản lĩnh nghề nghiệp;
b. Xây dựng đội ngũ cộng tác
viên trợ giúp pháp lý (sau đây gọi là cộng tác viên) đông đảo từ tỉnh đến cấp
huyện và cấp xã, có trình độ nghiệp vụ vững vàng, là lực lượng hỗ trợ đắc lực
cho hoạt động trợ giúp pháp lý;
2. Bồi dưỡng nghiệp vụ phải đáp
ứng yêu cầu của thực tiễn, thường xuyên cập nhật những nội dung mới, phù hợp với
vị trí công tác của người tham dự, đa dạng hóa và kết hợp linh hoạt các hình thức,
phương pháp bồi dưỡng để chuẩn hóa đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý
theo hướng chuyên nghiệp và chuyên sâu.
II. KẾ HOẠCH
BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ
1. Bồi dưỡng nghiệp vụ thường
xuyên:
a. Giai đoạn thực hiện
- Giai đoạn 2009 - 2010: khoảng
8 - 10 trợ giúp viên pháp lý; 100 - 150 cộng tác viên; 80 - 100 thành viên Ban
Chủ nhiệm Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý; 15 - 20 luật sư, tư vấn viên pháp luật của
các tổ chức tham gia trợ giúp;
- Giai đoạn 2011 - 2015: khoảng
20 - 27 trợ giúp viên pháp lý; 150 - 200 cộng tác viên; 90 - 110 thành viên Ban
Chủ nhiệm Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý; 25 - 30 luật sư, tư vấn viên pháp luật của
các tổ chức tham gia trợ giúp.
b. Đối tượng bồi dưỡng nghiệp vụ
thường xuyên bao gồm:
- Trợ giúp viên pháp lý; chuyên
viên đang làm việc tại Trung tâm Trợ giúp pháp lý và Chi nhánh của Trung tâm; cộng
tác viên; thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý; luật sư, tư vấn
viên pháp luật thuộc các tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý được bồi dưỡng
nghiệp vụ thường xuyên do Cục Trợ giúp pháp lý mở;
- Cộng tác viên trợ giúp pháp
lý; thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý; luật sư, tư vấn viên
pháp luật của các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý ở địa phương thuộc trách
nhiệm bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên của Trung tâm Trợ giúp pháp lý.
c. Chương trình bồi dưỡng nghiệp
vụ thường xuyên:
Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ
thường xuyên phải đáp ứng được các yêu cầu: nâng cao kiến thức, kỹ năng trợ
giúp pháp lý, chú trọng các kỹ năng và phương pháp xử lý, giải quyết các tình
huống, vụ việc cụ thể như sau: cập nhật kiến thức pháp luật mới; tổ chức và điều
hành hoạt động của Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý; quan hệ phối hợp trong hoạt động
trợ giúp pháp lý; tổng kết, đánh giá hoạt động trợ giúp pháp lý; kỹ năng trợ
giúp pháp lý theo từng lĩnh vực, hình thức trợ giúp pháp lý; kỹ năng làm việc với
từng nhóm đối tượng đặc thù và một số kỹ năng cần thiết khác trong hoạt động trợ
giúp pháp lý.
d. Hình thức bồi dưỡng nghiệp vụ
thường xuyên:
Bồi dưỡng nghiệp vụ thường
xuyên được tiến hành theo hình thức tập trung thông qua các hoạt động: tập huấn
về chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp; khảo sát thực tiễn…;
đ. Phương pháp bồi dưỡng nghiệp
vụ thường xuyên:
Áp dụng phương pháp đào tạo, bồi
dưỡng mới nhằm phát huy tính chủ động tích cực của người học, kết hợp linh hoạt
giữa phương pháp thuyết giảng, phương pháp cùng tham gia và các phương pháp
khác; tăng cường tọa đàm, trao đổi giữa các học viên, chú trọng việc làm bài tập,
xử lý, giải quyết tình huống và thực hành, khảo sát thực tiễn;
e. Thời gian bồi dưỡng nghiệp vụ
thường xuyên:
Thời gian bồi dưỡng nghiệp vụ
thường xuyên từ 1 đến 3 ngày được thực hiện tùy thuộc vào nội dung, hình thức,
phương pháp và điều kiện thực hiện đối với từng chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ;
2. Bồi dưỡng nghiệp vụ cho những
người thuộc quy hoạch nguồn bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý
a. Giai đoạn thực hiện
- Giai đoạn 2009 - 2010 đưa đi
bồi dưỡng nghiệp vụ cho khoảng 4 - 6 người thuộc quy hoạch nguồn bổ nhiệm trợ
giúp viên pháp lý có đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham dự bồi dưỡng nghiệp vụ để kiểm
tra, cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ theo quy định;
- Giai đoạn 2011 - 2015 đưa đi
bồi dưỡng nghiệp vụ cho khoảng 7 - 17 người thuộc quy hoạch nguồn bổ nhiệm trợ
giúp viên pháp lý có đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham dự bồi dưỡng nghiệp vụ để kiểm
tra, cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ theo quy định.
b. Đối tượng tham dự bồi dưỡng
nguồn bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý phải có đủ các điều kiện sau đây:
- Có bằng cử nhân Luật và có thời
gian làm công tác pháp luật từ 02 năm trở lên;
- Thuộc diện miễn đào tạo nghề
luật sư theo quy định của Luật Luật sư;
- Đã được tuyển dụng vào ngạch
viên chức hoặc tương đương và đang làm việc tại Trung tâm Trợ giúp pháp lý, Chi
nhánh của Trung tâm hoặc công chức đang công tác tại Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp
cấp huyện và được Giám đốc Sở Tư pháp cử tham dự có kết quả khóa đào tạo nghề
luật sư theo chương trình đào tạo của Học viện tư pháp;
- Được Giám đốc Sở Tư pháp cử
tham dự khóa bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý bằng văn bản.
III. KINH
PHÍ BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ TRỢ GIÚP PHÁP LÝ
Nguồn kinh phí bồi dưỡng nghiệp
vụ trợ giúp pháp lý thường xuyên, bồi dưỡng nguồn bổ nhiệm trợ giúp viên pháp
lý, được sử dụng từ ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước
và các nguồn hỗ trợ khác, trên cơ sở dự toán kinh phí và chỉ tiêu đào tạo bồi
dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý được phê duyệt theo kế hoạch năm.
IV. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
Giao trách nhiệm cho Sở Tư pháp
thực hiện các công việc sau:
1. Xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu
bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên hàng năm và dài hạn, kế hoạch bồi dưỡng nguồn
bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý trên cơ sở bảo đảm cân đối tỷ lệ cán bộ làm việc
ở Trung tâm và cán bộ tham dự bồi dưỡng nghiệp vụ, ưu tiên những người chưa
tham dự, ưu tiên cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số…Cử cán bộ quy hoạch thuộc
nguồn bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý tham dự khóa đào tạo nghề luật sư trước
khi cử tham dự khóa bồi dưỡng nguồn bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý.
2. Chủ trì phối hợp với Sở Tài
chính, Sở Nội vụ lập dự toán kính phí bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên hàng năm
của Trung tâm; xây dựng cơ chế, chính sách để đảm bảo ngân sách của tỉnh hỗ trợ
kinh phí tham dự khóa đào tạo nghề luật sư cho cán bộ được lựa chọn thuộc nguồn
quy hoạch bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý.
3. Xây dựng cam kết giữa Sở Tư
pháp với người được cử tham dự khóa bồi dưỡng nguồn bổ nhiệm trợ giúp viên pháp
lý để đảm bảo người được cử đi bồi dưỡng sẽ làm việc lâu dài, ổn định tại Trung
tâm, tránh tình trạng thôi việc hoặc điều chuyển không hợp lý đối với những người
đã được cấp Chứng chỉ.
4. Chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra
hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ của Trung tâm.
5. Chỉ đạo Trung tâm thực hiện
những hoạt động sau:
a. Đề xuất dự kiến, kế hoạch bồi
dưỡng nghiệp vụ thường xuyên thuộc trách nhiệm của Trung tâm;
b. Thực hiện khảo sát, đánh giá
thực trạng trình độ và nhu cầu bồi dưỡng nghiệp vụ của đội ngũ người thực hiện
trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh theo yêu cầu của Cục Trợ giúp pháp lý;
c. Biên soạn tài liệu bồi dưỡng
nghiệp vụ và tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý theo hướng dẫn của Cục
Trợ giúp pháp lý;
d. Dự toán kinh phí bồi dưỡng
nghiệp vụ thường xuyên hàng năm của Trung tâm.
Trên đây là Kế hoạch bồi dưỡng
nghiệp vụ trợ giúp pháp lý năm 2009 - 2010, định hướng đến năm 2015. Trong quá
trình thực hiện, có phát sinh, khó khăn vướng mắc, Sở Tư pháp đề xuất UBND tỉnh
để chỉ đạo, điều chỉnh kịp thời./.