Quyết định 1202/QĐ-KTNN năm 2012 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Văn phòng Kiểm toán nhà nước

Số hiệu 1202/QĐ-KTNN
Ngày ban hành 03/07/2012
Ngày có hiệu lực 03/07/2012
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Kiểm toán Nhà nước
Người ký Đinh Tiến Dũng
Lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán,Bộ máy hành chính

KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1202/QĐ-KTNN

Hà Nội, ngày 03 tháng 7 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC CỦA VĂN PHÒNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC

TỔNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC

Căn cứ Luật Kiểm toán nhà nước;

Căn cứ Nghị quyết số 916/2005/NQ-UBTVQH 11 ngày 15 tháng 9 năm 2005 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Kiểm toán Nhà nước;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Chánh Văn phòng Kiểm toán Nhà nước,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

1. Văn phòng Kiểm toán Nhà nước (sau đây gọi tắt là Văn phòng) là đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước có chức năng tham mưu giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước tổ chức, thực hiện, quản lý các mặt công tác tổng hợp, hành chính; chương trình, kế hoạch công tác của Kiểm toán Nhà nước; công tác quản trị, quản lý xe; quản lý tài chính, kế toán, tài sản, đầu tư phát triển và xây dựng trong các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước; công tác tài vụ, quản trị cơ quan Kiểm toán Nhà nước; Công tác thi đua - khen thưởng, quan hệ công chúng của Kiểm toán Nhà nước.

2. Văn phòng Kiểm toán Nhà nước có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn

1. Trong công tác tổng hợp:

a) Là đầu mối tổng hợp và tham gia xây dựng đề án chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước trong từng thời kỳ trình Tổng Kiểm toán Nhà nước;

b) Tổng hợp và xây dựng kế hoạch công tác hàng năm, hàng quý, hàng tháng và hàng tuần của Kiểm toán Nhà nước;

c) Theo dõi, đôn đốc các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước thực hiện kế hoạch công tác được phân công; kịp thời báo cáo Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước tiến độ thực hiện kế hoạch công tác và những khó khăn, vướng mắc cần giải quyết;

d) Giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước xây dựng chương trình và chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị trực thuộc tổ chức các hội nghị, cuộc họp, giao ban trong cơ quan, các hội nghị, cuộc họp, giao ban của Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước;

đ) Tham mưu giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước tổ chức thực hiện cải cách hành chính trong hoạt động của Kiểm toán Nhà nước;

e) Tổ chức bộ phận thư ký, giúp việc, phục vụ công tác quản lý và điều hành của Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước;

g) Tổng hợp, đánh giá kết quả, báo cáo Tổng Kiểm toán Nhà nước các mặt công tác của Kiểm toán Nhà nước hàng tháng, hàng quý, 6 tháng và hàng năm.

2. Trong công tác hành chính:

a) Tổ chức thực hiện công tác hành chính, văn thư, lưu trữ, thư viện của cơ quan Kiểm toán Nhà nước theo quy định;

b) Thẩm tra thủ tục và thể thức đối với các văn bản của Kiểm toán Nhà nước trước khi trình Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước ký ban hành;

c) Phát hành các văn bản của Kiểm toán Nhà nước sau khi Tổng Kiểm toán Nhà nước ký và văn bản được Tổng Kiểm toán Nhà nước ủy quyền ký;

d) Hướng dẫn và kiểm tra các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước thực hiện thống nhất các quy định của Nhà nước và của Kiểm toán Nhà nước về công tác văn thư, lưu trữ và các thủ tục hành chính khác;

đ) Quản lý và sử dụng con dấu của Kiểm toán Nhà nước, của Văn phòng Kiểm toán Nhà nước theo quy định của pháp luật.

3. Trong công tác quản trị:

a) Xây dựng kế hoạch mua sắm, sửa chữa, bảo hành tài sản, trang thiết bị, vật dụng cần thiết của toàn ngành, của cơ quan Kiểm toán Nhà nước và tổ chức thực hiện theo quy chế phân cấp của Tổng Kiểm toán Nhà nước;

b) Tổ chức quản lý cơ sở vật chất của Kiểm toán Nhà nước; đảm bảo các điều kiện vật chất, kỹ thuật cần thiết phục vụ cho hoạt động của Kiểm toán Nhà nước theo quy định của Nhà nước và quy chế quản lý và sử dụng tài sản công của Kiểm toán Nhà nước;

[...]