Quyết định 12/2011/QĐ-UBND về chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX về phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2015 do tỉnh Tây Ninh ban hành

Số hiệu 12/2011/QĐ-UBND
Ngày ban hành 31/03/2011
Ngày có hiệu lực 10/04/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Tây Ninh
Người ký Nguyễn Thị Thu Thủy
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/2011/QĐ-UBND

Tây Ninh, ngày 31 tháng 3 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 09-NQ/ĐH, ngày 11 tháng 9 năm 2010 của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2011-2015.

Điều 2. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan triển khai thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Thu Thủy

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ IX VỀ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC TỈNH TÂY NINH GIAI ĐOẠN 2011-2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 12/2011/QĐ-UBND, ngày 31 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, có khả năng thích ứng với môi trường làm việc phục vụ cho yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa tỉnh nhà là thách thức đặt ra trong phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và những năm tiếp theo của tỉnh Tây Ninh. Chính vì vậy, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đã xác định:

“Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà” là một trong những giải pháp đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn 2011-2015.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ tỉnh đã đề ra, UBND tỉnh xây dựng Chương trình hành động về phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2015, với nội dung như sau:

I. KHÁI QUÁT THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC TỈNH TÂY NINH ĐẾN NĂM 2010

Nhân lực tỉnh Tây Ninh đã có bước phát triển. Từ năm 1999 đến năm 2010: Quy mô dân số tăng bình quân hàng năm 1,02%; dân số tỉnh năm 1999 là 961.981 người, đến năm 2010 là 1.075.341 người.

Số người tham gia hoạt động kinh tế thường xuyên tăng bình quân hàng năm 2,53%; năm 1999 là 463.732 người, chiếm 48,2% dân số, đến năm 2010 là 610.579 người, chiếm 56,78% dân số. Trình độ học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động được nâng lên, năm 1999: Số người tốt nghiệp tiểu học chiếm 31,4%, số người tốt nghiệp trung học cơ sở chiếm 33,21% và số người tốt nghiệp trung học phổ thông chiếm 15,91% tổng lao động tham gia hoạt động kinh tế thường xuyên; đến năm 2010 tương ứng là 23,8%, 43,87% và 27,64%; tỷ lệ qua đào tạo và dạy nghề tăng từ 15% năm 1999 lên 45% vào năm 2010; số sinh viên đại học trên vạn dân đạt 220 sinh viên vào năm 2010.

Đội ngũ cán bộ, công chức tỉnh, huyện, xã đến 31/12/2009 là 26.644 người, số người có trình độ sau đại học chiếm tỷ lệ 0,69%; có trình độ đại học và tương đương chiếm tỷ lệ 29%; trong đó: Cán bộ, công chức cấp xã là 1.812 người, số người tốt nghiệp trung học phổ thông chiếm 79,97%, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã là 5.751 người, số người tốt nghiệp văn hóa cấp 3 chiếm 38,82%.

Cơ sở vật chất tạo điều kiện phát triển nguồn nhân lực của tỉnh được quan tâm đầu tư. Đến năm 2010; mạng lưới trường, lớp, cơ sở giáo dục phổ thông phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh đã đáp ứng yêu cầu học tập của con em nhân dân trong tỉnh. Tính đến năm học 2009-2010, 100% xã phường, thị trấn có trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, 9/9 huyện, thị xã có trường trung học phổ thông; trên địa bàn tỉnh có 117 trường mầm non, 286 trường tiểu học, 107 trường trung học cơ sở, 31 trường trung học phổ thông. Mạng lưới giáo dục chuyên nghiệp, dạy nghề trên địa bàn có 01 trường cao đẳng sư phạm, 02 trường trung cấp chuyên nghiệp, 03 trường trung cấp nghề, trên 190 cơ sở dạy nghề.

Thời gian qua, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội. Thực hiện chiến lược “Nâng cao dân trí”, chính sách đào tạo, thu hút nguồn lao động có chất lượng cao; phát triển hệ thống dạy nghề để tăng cơ hội học nghề cho mọi đối tượng có nhu cầu đã góp phần đưa chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh từng bước được nâng lên.

Đạt được kết quả trên là do sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự hỗ trợ, giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

Tuy nhiên chất lượng nguồn nhân lực còn thấp. Lực lượng lao động chưa qua đào tạo còn lớn; thiếu lao động lành nghề, thiếu các chuyên gia kỹ thuật giỏi; lực lượng lao động nông - lâm - thủy sản chủ yếu là lao động phổ thông hoặc được đào tạo qua hình thức “Nghề dạy nghề”, chỉ có 3,4% có chuyên môn kỹ thuật; lực lượng cán bộ, công chức ở khu vực Nhà nước còn thiếu đội ngũ chuyên gia đầu ngành, phần lớn đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã chưa đạt chuẩn quy định.

Những mặt hạn chế có nhiều nguyên nhân: Nguồn lực đầu tư xây dựng các trường nghề còn hạn chế, xã hội hóa đào tạo, dạy nghề chưa nhiều; trang thiết bị ở các trường dạy nghề vừa thiếu, vừa lạc hậu, hầu hết cơ sở dạy nghề với quy mô nhỏ, chủ yếu là lớp dạy nghề ngắn hạn với ngành nghề đơn giản; đội ngũ giáo viên còn thiếu và chưa đáp ứng yêu cầu hiện tại và tương lai; sự gắn kết giữa các cơ sở dạy nghề và các doanh nghiệp chưa chặt chẽ, hoạt động dạy nghề trong tỉnh thời gian qua chủ yếu dựa trên khả năng thực tế của cơ sở dạy nghề, chưa chú trọng đúng mức tới nhu cầu thực tế của thị trường lao động.

II.MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

Đáp ứng đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tạo sự chuyển biến về chất lượng đào tạo, dạy nghề; gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội. Thu hút nguồn nhân lực trình độ cao, nhất là nhân lực khoa học - công nghệ, cán bộ quản lý, kinh doanh và công nhân kỹ thuật lành nghề, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

[...]