Quyết định 1163/QĐ-BTP năm 2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Bồi thường nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 1163/QĐ-BTP
Ngày ban hành 26/05/2014
Ngày có hiệu lực 26/05/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Hà Hùng Cường
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1163/QĐ-BTP

Hà Nội, ngày 26 tháng 05 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CỤC BỒI THƯỜNG NHÀ NƯỚC

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Căn cứ Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

1. Cục Bồi thường nhà nước là đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước và tổ chức thi hành pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, thi hành án; phối hợp với Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động tố tụng theo quy định của pháp luật.

2. Cục Bồi thường nhà nước (sau đây gọi là Cục) là đơn vị có tư cách pháp nhân, có trụ sở tại Thành phố Hà Nội, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

Cục có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1. Xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước để Bộ trưởng trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền; tham gia thẩm định, góp ý các dự án, dự thảo văn bản liên quan đến lĩnh vực bồi thường nhà nước và các văn bản do Bộ trưởng giao hoặc theo yêu cầu phối hợp của các đơn vị thuộc Bộ, đơn vị thuộc các Bộ, ngành khác có liên quan.

2. Xây dựng, trình Bộ trưởng kế hoạch công tác dài hạn, 5 năm, hàng năm của Cục; tham gia xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, 5 năm và hàng năm của ngành Tư pháp.

3. Tổ chức thực hiện các chiến lược, đề án, dự án, quy hoạch, kế hoạch, văn bản quy phạm pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước sau khi được ban hành hoặc phê duyệt.

4. Rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Cục.

5. Xây dựng, trình Bộ trưởng ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản cá biệt, văn bản nội bộ, biểu mẫu giấy tờ về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án dân sự.

6. Tổ chức phổ biến, giáo dục các văn bản pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ.

7. Theo dõi việc thi hành các văn bản quy phạm pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

8. Trình Bộ trưởng quyết định việc xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong các trường hợp sau:

a) Xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính trong trường hợp người bị thiệt hại có yêu cầu hoặc không có sự thống nhất về trách nhiệm bồi thường giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ; giữa các Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

b) Xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự trong trường hợp người bị thiệt hại có yêu cầu hoặc không có sự thống nhất về trách nhiệm bồi thường giữa cơ quan thi hành án dân sự thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp và cơ quan thi hành án Bộ Quốc phòng;

c) Xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính trong trường hợp người bị thiệt hại có yêu cầu hoặc không có sự thống nhất về trách nhiệm bồi thường giữa các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.

9. Về phối hợp quản lý nhà nước về công tác bồi thường:

a) Phối hợp với Bộ Nội vụ thực hiện quản lý công tác bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính;

b) Phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý công tác bồi thường trong hoạt động tố tụng;

c) Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao trong quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động thi hành án hình sự.

10. Thực hiện giải quyết bồi thường đối với các yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp theo quy định.

11. Theo dõi hoạt động giải quyết bồi thường, chi trả tiền bồi thường và trách nhiệm hoàn trả trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án trên phạm vi cả nước.

[...]