ỦY
BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
**********
Số:
1163/QĐ-UBND
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
****************
Thành
phố Hồ Chí Minh, ngày 23 tháng 3 năm 2007
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU VĂN BẢN QUY PHẠM
PHÁP LUẬT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban
nhân dân năm ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Quyết định số 131/2006/QĐ-UBND ngày 01 tháng 9 năm 2006 của Ủy ban nhân
dân thành phố về phê duyệt Chương trình hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công
tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn năm 2006 - 2010
trên địa bàn thành phố;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 3289/TTr-STP-KTrVB ngày 16
tháng 10 năm 2006,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Phê duyệt Đề án xây dựng
cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân
dân thành phố.
Điều 2. Giao Sở Tư pháp chủ trì,
phối hợp với các sở, ngành và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện các nội
dung đã được phân công trong Đề án.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực
thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân
dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các sở, ngành
và các đơn vị liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT.
CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC
Nguyễn Thành Tài
|
ĐỀ ÁN
XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CỦA HỘI ĐỒNG
NHÂN DÂN VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
(Phê duyệt kèm theo Quyết định số 1163 /QĐ-UBND ngày 23 tháng 3 năm 2007 của
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố)
Cơ sở dữ liệu văn bản
quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố được xây
dựng nhằm phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước; tổ chức mạng lưới thông tin,
xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc rà soát, hệ thống hóa và kiểm
tra văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm
pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; thực hiện Đề án 4 của Chương
trình hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật
giai đoạn 2006 - 2010 được ban hành kèm theo Quyết định số 131/2006/QĐ-UBND
ngày 01 tháng 9 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố.
I. SỰ CẦN THIẾT CỦA VIỆC XÂY DỰNG ĐỀ ÁN:
1. Về thực trạng công khai và lưu trữ văn bản tại Thành phố:
- Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Thành phố từ
trước đến nay được công khai thông qua các hình thức sau:
+ In trên Tập quy định do Sở Tư pháp phát hành từ năm
1977 đến tháng 5 năm 2006;
+ Đưa lên mạng diện rộng Chính phủ và Website của Thành phố
văn bản được ban hành từ năm 2000 đến nay.
Tuy nhiên, các văn bản được in trên Tập quy định không đầy
đủ về số lượng, chưa được phổ biến rộng rãi mà chỉ cung cấp cho các cơ quan, tổ
chức và cá nhân có nhu cầu thông qua việc đăng ký; văn bản trên mạng diện rộng
Chính phủ và Website Thành phố chỉ có văn bản từ năm 2000 đến nay và cũng không
đầy đủ, không tra cứu được theo chuyên đề và không xác định được văn bản còn
hay hết hiệu lực. Hiện tại, người có nhu cầu tìm kiếm văn bản phải đến Trung
tâm Lưu trữ thành phố để yêu cầu cung cấp và phải đóng một khoản lệ phí.
- Văn bản hiện nay được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ
thành phố dưới dạng văn bản trên giấy. Chỉ những văn bản được ban hành từ năm
2000 đến nay mới có dạng văn bản điện tử trên mạng tin học diện rộng Chính phủ,
còn những văn bản trước năm 2000 thì hiện nay chưa có dạng văn bản điện tử để
lưu trên mạng tin học.
2. Về thực trạng công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản:
Để xác định hiệu lực văn bản do Hội đồng nhân dân, Ủy
ban nhân dân thành phố ban hành, công tác rà soát văn bản đã thực hiện như sau:
- Rà soát tổng thể theo từng giai đoạn (rà soát 20 năm,
từ năm 1976 đến năm 1996; rà soát từ năm 1997 đến năm 1999). Qua 02 đợt rà soát
trên, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành 11 quyết định bãi bỏ 1.395 văn bản
(trong đó có 10 quyết định bãi bỏ 1.323 văn bản ban hành từ 1976 đến ngày 31
tháng 12 năm 1996 và 01 quyết định bãi bỏ 72 văn bản ban hành từ ngày 01 tháng
01 năm 1997 đến ngày 31 tháng 12 năm 1999).
- Rà soát hàng năm (2000, 2001, 2002, 2003, 2004). Kết
quả là Ủy ban nhân dân thành phố chỉ mới ban hành 01 quyết định công bố 72 văn
bản ban hành năm 2004 hết hiệu lực pháp luật, chưa ban hành quyết định công bố
hoặc bãi bỏ văn bản được ban hành năm 2000, 2001, 2002, 2003 hết hiệu lực pháp
luật.
- Rà soát theo chuyên đề như: rà soát để phục vụ Hội nhập
kinh tế quốc tế; rà soát các văn bản trong lĩnh vực quản lý đất đai từ năm 1976
đến tháng 12 năm 2004 phục vụ việc thi hành Luật Đất đai; rà soát văn bản về quản
lý khoáng sản để thi hành Luật Khoáng sản; rà soát các văn bản liên quan đến
pháp luật dân sự. Kết quả là trong lĩnh vực đất đai, Ủy ban nhân dân thành phố
đã ban hành 01 quyết định bãi bỏ 42 văn bản không còn phù hợp quy định pháp luật
hiện hành và 01 quyết định công bố 28 văn bản đã hết hiệu lực; đồng thời đang xử
lý các kết quả rà soát chuyên đề khác.
Có thể nói, cho đến nay công tác rà soát văn bản của
Thành phố đã thực hiện nhiều lần nhưng thiếu tính đồng bộ; việc xác định danh mục
văn bản còn hiệu lực, văn bản có mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp
chỉ dừng lại ở các đợt rà soát, chưa tổng hợp, hệ thống, xử lý và cập nhật đầy
đủ. Hạn chế trên là do công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản được thực hiện thủ
công, chưa áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý dữ liệu văn bản.
Từ thực trạng trên, các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội,
doanh nghiệp và người dân gặp không ít khó khăn trong việc truy cập, tìm kiếm,
xác định hiệu lực của văn bản để phục vụ hoạt động quản lý, thực hiện nhiệm vụ,
quyền hạn hoặc đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của mình.
3. Về quy định của Luật Ban hành văn bản và sự cần thiết xây dựng
cơ sở dữ liệu văn bản:
Điều 10 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội
đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân quy định: “Văn bản quy phạm pháp luật của của Hội
đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân phải được thường xuyên rà soát và định kỳ hệ thống
hóa”.
Công tác rà soát văn bản nhằm phát hiện những nội dung
không còn phù hợp, kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ, bãi bỏ; để
phục vụ hoạt động quản lý Nhà nước, hoạt động thực thi công vụ của cán bộ, công
chức; đồng thời đáp ứng yêu cầu tìm kiếm văn bản và đảm bảo tính công khai,
minh bạch về các chính sách, quy định của Thành phố theo yêu cầu của hội nhập
kinh tế quốc tế và yêu cầu của công tác cải cách hành chính.
Chính vì vậy, việc rà soát, chuẩn hóa hiệu lực của văn bản
quy phạm pháp luật, đồng thời số hóa và công bố công khai văn bản quy phạm pháp
luật là hết sức cần thiết. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu văn bản được áp dụng
công nghệ thông tin thông qua chương trình phần mềm về cơ sở dữ liệu văn bản để
thuận lợi trong việc lưu trữ, cập nhật, tra cứu, tìm kiếm văn bản.
II. MỤC TIÊU, LỢI ÍCH CỦA CƠ SỞ DỮ LIỆU VĂN
BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT:
1. Mục tiêu:
- Hệ thống hóa toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật do Hội
đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành từ năm 1975 đến nay.
- Xác định văn bản còn
hiệu lực của Thành phố được ban hành từ năm 1975 đến nay.
- Số hóa các văn bản nêu trên, đưa lên trang web của
Thành phố để cung cấp chính xác nội dung và hiệu lực pháp luật của văn bản cho
người truy cập.
2. Lợi ích mang lại:
- Cơ sở dữ liệu văn bản được hình thành có ý nghĩa pháp
lý rất quan trọng trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật
của chính quyền Thành phố, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước;
đồng thời đảm bảo sự công khai, minh bạch của văn bản pháp luật, tạo điều kiện
thuận lợi để mọi tổ chức, cá nhân tiếp cận một cách dễ dàng những chủ trương,
chính sách của Đảng và Nhà nước đã được thể chế hóa bằng văn bản pháp luật.
- Đối với cơ quan Nhà nước: việc văn bản quy phạm pháp
luật của Thành phố thông qua lưu trữ tập trung vào một đầu mối, được số hóa và
xác định hiệu lực sẽ giúp các cơ quan dễ dàng tìm kiếm, áp dụng các quy định của
Thành phố liên quan đến lĩnh vực quản lý của mình để phục vụ tốt hoạt động quản
lý Nhà nước, hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức.
- Đối với người dân và các tổ chức, doanh nghiệp: tạo điều
kiện thuận lợi cho việc tra cứu, tìm kiếm văn bản được dễ dàng và tự giác chấp
hành pháp luật từ đó phục vụ cho nhu cầu hoặc đóng góp ý kiến vào việc xây dựng,
hoàn thiện hệ thống văn bản của Thành phố, đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch
văn bản pháp luật của Thành phố.
III. NHỮNG VIỆC CẦN LÀM VÀ PHÂN CÔNG TRÁCH
NHIỆM:
Để thực hiện Đề án có ba mảng công tác lớn cần thực hiện:
Rà soát, hệ thống hóa văn bản; Số hóa và đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật
trên trang web của Thành phố; Quản lý, điều hành hệ cơ sở dữ liệu.
1. Rà soát, hệ thống hóa văn bản:
a) Đối tượng, phạm vi rà soát:
- Đối tượng rà soát: văn bản được rà soát là văn bản quy
phạm pháp luật và văn bản hành chính nhưng nội dung mang tính quy phạm pháp luật
do Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố ban hành (gồm văn bản còn hiệu
lực tại các thời điểm rà soát và văn bản chưa được rà soát).
- Phạm vi rà soát: văn bản được ban hành từ năm 1975 đến
năm 2006 và rà soát thường xuyên hàng năm.
b) Nội dung:
Việc rà soát, hệ thống hóa văn bản gồm các công việc:
- Tập hợp văn bản: tìm kiếm, thu thập và lập danh mục số
lượng văn bản có nội dung quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân
dân thành phố ban hành từ năm 1975 đến năm 2006 còn hiệu lực pháp luật qua các
đợt rà soát và các văn bản mới ban hành chưa được rà soát.
- Phân loại văn bản: sắp xếp, phân loại văn bản theo từng
lĩnh vực hoặc theo năm ban hành.
- Rà soát văn bản: đối chiếu văn bản do Hội đồng nhân
dân, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành trước với văn bản ban hành sau đó và với
văn bản của cấp trên đang còn hiệu lực pháp luật để xác định nội dung phù hợp
hay có mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp cần xử lý.
- Tổng hợp kết quả rà soát và kiến nghị xử lý: trên cơ sở
kết quả rà soát lập danh mục các văn bản của Thành phố còn hiệu lực, danh mục
văn bản hết hiệu lực, danh mục văn bản có mâu thuẫn hoặc trái pháp luật, không
còn phù hợp quy định hiện hành cần xử lý, và báo cáo, kiến nghị cơ quan có thẩm
quyền xem xét, xử lý.
- Xử lý văn bản: từ kết quả rà soát, Hội đồng nhân dân
và Ủy ban nhân dân thành phố ban hành các văn bản bãi bỏ, thay thế hoặc sửa đổi,
bổ sung và công bố văn bản hết hiệu lực pháp luật.
Kết quả của việc rà soát, hệ thống hóa văn bản là lập được
danh mục toàn văn các văn bản quy phạm pháp luật của Thành phố ban hành từ năm
1975 đến thời điểm rà soát, phân loại theo các tiêu chí, trong đó xác định văn
bản còn hiệu lực, văn bản có nội dung chồng chéo, mâu thuẫn, nội dung không còn
phù hợp cần sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ, thay thế.
c) Cơ quan thực hiện:
- Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ngành thực hiện
các công việc sau:
+ Tổ chức việc thu thập văn bản, hệ thống, rà soát xác định
hiệu lực văn bản.
+ Tổng hợp và báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố về kết
quả rà soát, trình Ủy ban nhân dân thành phố dự thảo quyết định xử lý kết quả
rà soát.
- Các sở, ngành có trách nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp tổ
chức rà soát các văn bản liên quan đến lĩnh vực quản lý Nhà nước của mình.
- Ủy ban nhân dân thành phố ban hành quyết định xử lý
văn bản (bãi bỏ, công bố văn bản hết hiệu lực hoặc sửa đổi, bổ sung và thay thế
văn bản) và kiến nghị Hội đồng nhân dân thành phố xử lý các văn bản do Hội đồng
nhân dân thành phố ban hành không phù hợp quy định của pháp luật (nếu có).
d) Thời gian thực hiện:
- Việc rà soát, hệ thống hóa thực hiện trong thời gian từ
tháng 03 năm 2007 đến cuối tháng 6 năm 2007.
- Từ năm 2007: thực hiện rà soát hàng năm hoặc theo
chuyên đề.
đ) Kinh phí thực hiện:
Kinh phí rà soát được thực hiện theo định mức quy định của
Thông tư liên tịch số 109/2004/TTLT-BTC-BTP ngày 17 tháng 11 năm 2004 của Bộ
Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho
công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.
Ước tính văn bản chưa được rà soát đến hết năm 2006 là
1.645 văn bản (gồm 1.221 văn bản đến ngày 31 tháng 12 năm 2004 còn hiệu lực thi
hành qua rà soát Hội nhập quốc tế, 286 văn bản ban hành năm 2005 và 138 văn bản
ban hành năm 2006) thì kinh phí rà soát khoảng 190.000.000 đồng.
Riêng kinh phí ban hành văn bản xử lý kết quả rà soát (sửa
đổi, bổ sung, thay thế) căn cứ theo định mức chi về công tác xây dựng và ban hành
văn bản quy phạm pháp luật.
Từ năm 2007: kinh phí rà soát thực hiện theo thực tế và
định mức đã nêu.
2. Số hóa và đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật trên
trang web của Thành phố:
a) Nội dung công việc:
- Thứ nhất: Xây dựng trang web về văn bản quy phạm pháp
luật của Thành phố phục vụ mục tiêu nêu tại Mục II Đề án này.
Trang web về văn bản quy phạm pháp luật phải đảm bảo một
số tiêu chí cơ bản sau:
+ Thể hiện đầy đủ, toàn bộ các văn bản có nội dung quy phạm
pháp luật do Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố ban hành từ năm
1975 và được chuẩn hóa hiệu lực.
+ Đảm bảo việc tra cứu, truy tìm văn bản được nhanh
chóng, dễ dàng theo nhiều tiêu chí (lĩnh vực, tên loại, thời gian, hiệu lực của
văn bản…) và có thể tải về theo dạng tập tin văn bản (.TXT; .DOC).
+ Cho phép người truy cập xem được các văn bản thay thế,
văn bản làm căn cứ và văn bản dẫn chiếu của một văn bản quy phạm pháp luật.
+ Đảm bảo các yêu cầu về bảo mật: chỉ những người có quyền
hạn mới có quyền thực hiện các tính năng thêm, xóa, sửa cơ sở dữ liệu.
+ Được xây dựng mở để có thể nhập, chuyển và liên kết,
liên thông với các hệ thống khác (hệ cơ sở dữ liệu phục vụ công tác kiểm tra
văn bản do Bộ Tư pháp cung cấp, Công báo điện tử của nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam và các hệ cơ sở dữ liệu khác về văn bản quy phạm pháp luật khi
xét thấy cần thiết) và mở rộng về sau khi có yêu cầu phát sinh.
- Thứ hai: Nhập liệu và đăng tải toàn bộ các văn bản có
nội dung quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố ban
hành từ năm 1975 đến nay, gồm các công việc sau: thu thập, phân loại dữ liệu,
nhập dữ liệu thô và gán dữ liệu lên trang web.
b) Cơ quan thực hiện:
Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Hội đồng nhân
dân và Ủy ban nhân thành phố (Trung tâm Công báo thành phố, Trung tâm Lưu trữ
thành phố, Trung tâm Tin học thành phố) xây dựng trang web (hoặc có thể nhận
chuyển giao từ các cở sở dữ liệu khác về văn bản quy phạm pháp luật nếu các cơ
sở dữ liệu này đáp ứng được các yêu cầu của Thành phố), tiến hành nhập và đăng
tải.
c) Thời gian thực hiện:
- Xây dựng trang web (bao gồm cả việc nhận chuyển giao nếu
có): hoàn thành trước 01 tháng 7 năm 2007.
- Nhập liệu: hoàn thành trước 31 tháng 9 năm 2007 đối với
1.645 văn bản đang còn hiệu lực, sau đó sẽ nhập nội dung tất cả các văn bản quy
phạm pháp luật còn lại.
d) Kinh phí thực hiện:
- Kinh phí xây dựng trang web về văn bản quy phạm pháp
luật trên hệ thống Hồ Chí Minh CityWeb gồm kinh phí xây dựng trang web, kinh
phí mua máy móc, thiết bị và kinh phí hiệu chỉnh ban đầu.
Dự kiến kinh phí là 375.000.000 đồng (bao gồm:
200.000.000 đồng xây dựng trang web, 160.000.000 đồng để trang bị 01 Server lưu
trữ dữ liệu, 15.000.000 đồng để trang bị 01 máy vi tính dùng nhập và cung cấp
thông tin để duy trì hoạt động của trang web). Trường hợp, nếu có cơ sở dữ liệu
về văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng được các yêu cầu của Thành phố mà kinh
phí chuyển giao thấp hơn kinh phí xây dựng trang web mới thì Ủy ban nhân dân
thành phố sẽ xem xét, quyết định việc nhận chuyển giao.
- Kinh phí nhập và đăng tải gồm kinh phí thu thập, phân
loại dữ liệu theo các tiêu chí xây dựng trang web (trừ các văn bản đã thu thập,
phân loại trong phần rà soát), kinh phí nhập dữ liệu thô và kinh phí gán dữ liệu
đã phân loại lên trang web:
+ Kinh phí thu thập, phân loại dữ liệu thực hiện theo định
mức quy định của Thông tư liên tịch số 109/2004/TTLT-BTC-BTP ngày 17 tháng 11
năm 2004 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh
phí bảo đảm cho công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.
+ Kinh phí nhập dữ liệu
thô và kinh phí gán dữ liệu lên trang web thực hiện theo định mức quy định của
Thông tư số 111/1998/TT-BTC ngày 03 tháng 8 năm 1998 của Bộ Tài chính hướng dẫn
mức chi tạo lập tin điện tử thuộc công nghệ thông tin.
Ước tính số văn bản có nội dung quy phạm pháp luật do Hội
đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành từ năm 1975 đến 2006 là 3216
văn bản với trung bình mỗi văn bản là 10 trang thì kinh phí nhập và đăng tải
khoảng 112.000.000 đồng.
3. Quản lý, điều hành cơ sở dữ liệu:
Kết quả của Đề án trên là xây dựng được một hệ cơ sở dữ
liệu chung thống nhất được thể hiện thông qua trang web về văn bản quy phạm
pháp luật trên hệ thống Hồ Chí Minh CityWeb, trong đó chứa đựng đầy đủ nội dung
các văn bản mang tính quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân
dân thành phố ban hành từ năm 1975 đến nay và sau này; được hệ thống hóa và xác
định hiệu lực để cung cấp chính xác nội dung và hiệu lực pháp luật của văn bản
cho người truy cập vào (được chuẩn hóa hiệu lực).
Cơ sở dữ liệu đã xây dựng được chuyển giao cho Trung tâm
Công báo thành phố quản lý và điều hành, cập nhật thường xuyên và thông tin kịp
thời về những quy định mới của Thành phố và kết quả xử lý văn bản đã được rà
soát của Ủy ban nhân dân thành phố. Đồng thời, văn bản trên cơ sở dữ liệu phải
được theo dõi, quản lý về hiệu lực.
a) Nội dung công việc:
- Quản lý, điều hành để cơ sở dữ liệu được hoạt động
liên tục.
- Cập nhật thường xuyên những quy định mới của Thành phố
và kết quả xử lý văn bản đã được rà soát của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân
dân thành phố vào cơ sở dữ liệu.
- Theo dõi, quản lý về hiệu lực văn bản trên cơ sở dữ liệu.
- Đảm bảo thông tin, phản hồi kịp thời về những quy định
mới của Thành phố, kết quả rà soát văn bản của Ủy ban nhân dân thành phố và các
phản ánh, yêu cầu của công dân.
b) Cơ quan thực hiện:
Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố
có trách nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp xây dựng, trình Ủy ban nhân dân thành phố
ban hành Quy chế quản lý và điều hành cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật
trên hệ thống Hồ Chí Minh CityWeb; kịp thời trình Ủy ban nhân dân thành phố xử
lý các văn bản quy phạm pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không phù hợp
quy định pháp luật được phát hiện thông qua việc tự kiểm tra, rà soát; chỉ đạo,
hướng dẫn Trung tâm Công báo thành phố thực hiện các công việc nêu tại điểm a
trên đây.
Sở Tư pháp có trách nhiệm rà soát, xác định hiệu lực văn
bản trên cơ sở dữ liệu, thông báo đến Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban
nhân dân thành phố và Trung tâm Công báo thành phố để kịp thời điều chỉnh, cập
nhật khi hiệu lực của văn bản trên cơ sở dữ liệu có sự thay đổi.
c) Kinh phí thực hiện: Kinh phí quản lý, điều hành cơ sở
dữ liệu (trang web) về văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện theo Quy chế
hiện hành của Hồ Chí Minh CityWeb.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
Ủy ban nhân dân thành phố giao trách nhiệm thực hiện Đề
án cụ thể như sau:
1. Sở Tư pháp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở,
ngành và các đơn vị liên quan lập kế hoạch chi tiết và tổ chức thực hiện Đề án.
2. Các sở, ngành và các đơn vị liên quan có trách nhiệm
phối hợp với Sở Tư pháp xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Đề án theo kế hoạch.
3.Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố có
trách nhiệm chỉ đạo Trung tâm Tin học thành phố, Trung tâm Lưu trữ thành phố,
Trung tâm Công báo thành phố cùng phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện Đề án./.